Phẫu thuật nâng ngực cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như các phẫu thuật khác - Ảnh minh hoạ
Mới đây các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã tiếp nhận và điều trị cho một nữ doanh nhân 33 tuổi là N.T.Q., quê Quảng Ninh, bị biến chứng sau nâng ngực.
Bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng bầu ngực phải sưng to gấp đôi ngực trái, căng tức, đau nhức nhối. Sau khi chẩn đoán nguyên nhân biến chứng chảy máu nghiêm trọng sau nâng ngực, các bác sĩ đã phẫu thuật cấp cứu vét ra cả lít máu cục, máu nước và dịch từ bầu ngực này.
Nữ bệnh nhân cho biết sau khi sinh 2 con, "vòng 1 " của chị teo tóp dần. Qua giới thiệu, chị Q. đã ra nước ngoài phẫu thuật nâng ngực. Chị được bác sĩ nâng cấp "núi đôi" qua đường nách. 2 ngày sau phẫu thuật, dù chị Q. còn thấy rất đau nhưng bác sĩ vẫn cho chị xuất viện, không yêu cầu khách hàng mặc áo cố định sau nâng ngực và cũng không cần tái khám. Trở về nước 4 ngày sau phẫu thuật, buổi sáng ngủ dậy, chị Q. xuất hiện cơn đau dữ dội chính giữa ngực phải. Bầu ngực bên phải của chị căng tức, đau đớn, sưng to gấp đôi ngực trái. Lúc này bệnh nhân vội vàng đến bệnh viện cầu cứu bác sĩ.
Máu tụ được vét từ bầu ngực của bệnh nhân sau khi nâng cấp " vòng 1 " ở nước ngoài - Ảnh: bác sĩ cung cấp
PGS-TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức, cho biết khi mở ra, trong khoang ngực bệnh nhân đã có khoảng 500 g máu cục và 500 ml nước máu đỏ tươi. Một mạch máu đường kính 1,5 mm đang tuôn trào theo nhịp tim. Các phẫu thuật viên đã phải dùng dao hàn mạch chuyên dụng để cầm máu cho bệnh nhân. Sau hơn 10 ngày nằm viện, chị Q. mới được xuất viện.
PGS Hà cho biết biến chứng chảy máu sau phẫu thuật nâng ngực có thể xảy ra từ 1-5% sau mổ, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa người bệnh, trang thiết bị của bệnh viện, trình độ cũng như mức độ cẩn trọng của từng phẫu thuật viên. Biến chứng chảy máu có thể xảy ra 24 giờ sau mổ khi mà thuốc co mạch hết tác dụng. Nếu các mạch máu lớn không được khâu, thắt hoặc đốt điện cầm máu sẽ rất nguy hiểm. Ngoài ra, chỉ cần va chạm mạnh mà người được phẫu thuật lại không mang áo và băng ép chuyên dụng bảo vệ ngực cũng có nguy cơ bị chảy máu.
Giới chuyên môn khuyến cáo cũng giống như các phẫu thuật khác, việc phẫu thuật nâng ngực cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, do đó khách hàng nên chọn lựa phẫu thuật ở các cơ sở uy tín, tìm hiểu rõ phương pháp mổ, đường mổ để hạn chế tối đa những biến chứng có thể gặp phải.
Ung thư vú chiếm 9,2% trong số ca mắc mới ung thư
Tại hội thảo "Hành động vì người phụ nữ tôi yêu - Tầm soát ung thư vú ngay sau khi sang tuổi 40", do Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế) vừa tổ chức, PGS-TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội y học Việt Nam, cho biết ung thư vú là 1 trong 10 bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Năm 2018, Việt Nam có 164.671 ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú là 15.229 ca (chiếm tỉ lệ 9,2%). Theo bà Xuyên, điều trị ung thư vú hiện đã có bước tiến lớn về phương pháp điều trị giúp cải thiện đáng kể chất lượng điều trị bệnh. Tuy nhiên, yếu tố then chốt vẫn là việc điều trị khi ung thư ở giai đoạn sớm. "Việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú ngay khi phụ nữ sang độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao (từ 40 trở lên) rất quan trọng. Bởi nếu phát hiện ở giai đoạn đầu, tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú đạt tới hơn 80%"- PGS Xuyên nhấn mạnh. Được biết, trong 3 năm triển khai chiến dịch "Tầm soát ung thư vú ngay khi sang tuổi 40", Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư đã khám tầm soát miễn phí ung thư vú cho hơn 30.000 phụ nữ tại Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh miền Trung, phát hiện sớm 130 trường hợp nghi ngờ ung thư và ung thư vú, có nhiều trường hợp được chữa trị kịp thời.
Theo giới chuyên môn, hiện chưa có báo cáo nào về nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ đặt túi ngực cũng như nâng cấp " vòng 1 " nhưng có nhiều biến chứng như: Co bao xơ làm méo ngực, đau ngực, rò dịch hay sưng, đau... sau nâng ngực đã được ghi nhận.