Chương trình Hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm" diễn ra trong hai ngày 4 - 5/11/2024 tại Hà Nội, do Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan liên quan tổ chức.
Tại Hội thảo ngày 4/11, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CGST (Bộ Công an) cho biết, phương tiện xe máy tại Việt Nam chiếm số lượng lớn, khoảng hơn 70 triệu xe; hàng năm trung bình tăng từ 10-15%. Qua phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông trong 10 tháng đầu năm 2024 cho thấy, xe máy vẫn chiếm 60% tổng số các phương tiện gây tai nạn.
Một trong những giải pháp quan trọng được Cục trưởng Cục CSGT đề cập là chính sách giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự ATGT đường bộ, hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh tại các cơ sở giáo dục trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
"Hiện nay, cả nước có khoảng trên 4 triệu trẻ em, học sinh có độ tuổi 16-18 tuổi, điều kiện và thực tế các cháu sử dụng xe gắn máy rất phổ biến. Tuy nhiên, hiểu biết pháp luật về trật tự an toàn giao thông của các cháu gần như đang là con số 0", Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung nêu tại Hội thảo.
Ông Trung cho biết thêm, lực lượng cảnh sát đang tập trung đảm bảo an toàn cho học sinh, chỉ trong đợt cao điểm đã xử lý khoảng 80.000 trường hợp. Cần tập trung xử lý vì đây là đối tượng dễ tổn thương, lấy hướng dẫn, giáo dục là chính khi xử lý.
Những vấn đề này cần truyền thông, định hướng. Khi có giải pháp bài bản sẽ có thế hệ học sinh chấp hành luật giao thông tốt hơn, giảm tai nạn hơn.
Ông Trung nhấn mạnh, các quy định này không chỉ hoàn thiện về mặt pháp lý mà còn là nền tảng xây dựng một xã hội giao thông an toàn, văn minh. Chúng ta cần sự đồng lòng và hợp tác từ tất cả các bên, từ lực lượng chức năng cho đến từng người dân, nhằm tạo ra môi trường giao thông an toàn, giảm thiểu TNGT liên quan đến xe máy.
Cũng tại Hội thảo, ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia chia sẻ về khoảng trống bất cập mà thời gian tới, cơ quan chức năng nên ưu tiên để có giải pháp tốt hơn.
"Nếu không cẩn thận Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng rủi ro va chạm do cơ giới hoá. Vấn đề cần có giải pháp thời gian tới là trẻ em đi xe máy có dung tích dưới 50cc. Hiện nay nhóm 16-18 tuổi có thể điều khiển xe máy dung tích dưới 50 cc một cách hợp pháp trong khi nhóm này vẫn thiếu kiến thức và đặc biệt thiếu kỹ năng điều khiển xe. Hiện tượng người dưới 16 tuổi điều khiển các loại xe hai bánh gặp TNGT vẫn đang diễn biến phức tạp", ông Minh nhấn mạnh.
Thống kê từ Uỷ ban ATGT Quốc gia, năm 2023, toàn quốc xảy ra 21.880 vụ TNGT đường bộ, trong đó TNGT liên quan độ tuổi dưới 18 tuổi chiếm 7,8% (khoảng 1.706 vụ). Riêng độ tuổi từ 16-18 tuổi xảy ra gần 900 vụ TNGT (chiếm hơn 51% số vụ TNGT), làm chết 490 người, bị thương 827 người.
Những con số trên cho thấy TNGT liên quan đến học sinh rất đáng báo động và đau xót. Đáng chú ý, số học sinh tử vong do TNGT năm 2023 có xu hướng tăng so với năm 2022.
Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm vẫn còn ở mức thấp, chỉ 52%. Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu chính sách về phòng chống chấn thương năm 2021, chỉ 1,3% xe ô tô có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, trong đó tỷ lệ này ở Hà Nội là 2,6%, TP.Hồ Chí Minh 1,1%, Đà Nẵng 0%.
Từ thực tế trên đòi hỏi cơ quan chức năng phải thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp căn cơ để ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, xây dựng văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh, thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
0h15 ngày 3/11, chị N.N.Q. (SN 1997, HKTT Hoàn Kiếm, Hà Nội) điều khiển xe máy đang dừng chờ đèn tín hiệu giao thông tại khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo – Bà Triệu (hướng đi từ ga Hà Nội về Bệnh viện 108). Lúc này một nhóm thanh thiếu niên điều khiển xe máy đi theo chiều ngược lại trên phố Trần Hưng Đạo về ga Hà Nội với tốc độ cao đã tông va vào làm chị Q. ngã ra đường. Hậu quả chị Q. tử vong tại chỗ.
Công an quận Hoàn Kiếm sau đó đã tạm giữ 10 trường hợp liên quan đến vụ việc. Đáng chú ý, các nghi can đều ở độ tuổi học sinh từ 16 tới 19, chưa có tiền án tiền sự, trong số này có cả nữ sinh