Sau khi hiểu 3 điều này, tôi không cần cố gắng vẫn tiết kiệm được tiền

Ngọc Linh, Theo Đời sống pháp luật 19:17 20/11/2024
Chia sẻ

Tiết kiệm thực chất chỉ đơn giản là sự đánh đổi, giống như tất cả các quyết định khác trong cuộc đời.

Bước qua tuổi 30, tôi dần hiểu rằng sống là quá trình rèn luyện lâu dài. Những sự thất bại, bối rối, giằng co trong quá khứ dường như chợt sáng tỏ vào một thời điểm nào đó. Với tôi, thời điểm ấy thường là những khoảnh khắc tôi ngồi yên tĩnh lặng và chiêm nghiệm về những chuyện đã qua.

Và một trong những điều mà gần đây tôi đã giác ngộ được là bản chất của việc tiết kiệm tiền. Nhờ nhận ra điều đó, mà quá trình tiết kiệm của tôi không còn khó khăn hay vật vã nữa.

1 - Tiết kiệm đơn thuần là sự đánh đổi

Tôi vốn là người học ngành kinh tế, sau này làm trái ngành, nên những kiến thức về kinh tế, tôi không còn nhớ nhiều. Điều duy nhất tôi nhớ được chính là chi phí cơ hội và tôi tin nó cũng rất đúng nếu đặt vào mục tiêu tiết kiệm, hoặc thói quen tiêu tiền vô tội vạ.

Hiểu một cách đơn giản: Sẽ luôn có một thứ bị bỏ lỡ khi chúng ta đưa ra 1 quyết định trong đời. Đó chính là chi phí cơ hội.

Sau khi hiểu 3 điều này, tôi không cần cố gắng vẫn tiết kiệm được tiền- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Chi phí cơ hội của việc chuyển từ trạng thái độc thân sang kết hôn, sinh con chính là bạn sẽ có thêm nhiều trách nhiệm với nhiều người khác nhau trong cuộc sống, thời gian rảnh rỗi hay cả sự tự do cũng đều thay đổi.

Chi phí cơ hội của việc tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học hành sau 4 năm Đại học chính là bạn sẽ có thời gian hơn để vui chơi, tận hưởng cuộc sống tự do không vướng bận áp lực thi cử.

Tương tự với việc tiêu tiền vô tội vạ, hay tiết kiệm tiền.

Chi phí cơ hội của việc tiêu tiền vô tội chính là những ngày cuối tháng hết phải húp mì tôm, hoặc cảm giác bất an do không có quỹ dự phòng. Chi phí cơ hội của việc tiết kiệm tiền chính là phải rời xa, từ bỏ những niềm vui trong ngắn hạn mà việc tiêu tiền đem lại. 

Hiểu được điều này, tôi nhận ra mỗi đồng tiền mình tiêu hay mình tiết kiệm lúc này đều có tác động không nhỏ tới cuộc sống của chính mình trong tương lai. Lựa chọn việc tiêu tiền mua vui, hay không tiêu linh tinh nữa để tiết kiệm, suy cho cùng vẫn là quyết định cá nhân. Nhưng vì đã hiểu rõ chi phí cơ hội của việc tiêu tiền, nên tôi bỗng cảm thấy tiết kiệm mới là quyết định đúng đắn, vun đắp cho tương lai của chính mình. Cứ thế, tôi dần bỏ được thói tiêu hoang mà không cần vật vã.

2 - Tiền bạc chỉ là công cụ, không phải là đích đến

Trước khi hình thành được thói quen tiết kiệm và cảm thấy “thả lỏng” trong việc tiết kiệm, tôi từng luôn trong trạng thái lo lắng về tiền bạc. Tôi sợ mình hết tiền, nhưng đồng thời, tôi cũng tiêu tiền không kiểm soát.

Sau khi hiểu 3 điều này, tôi không cần cố gắng vẫn tiết kiệm được tiền- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Sau này, khi tích lũy được số tiền tiết kiệm đầu tiên trong đời bằng cách đơn giản hóa cuộc sống, tôi mới hiểu: Tiền tiết kiệm nói riêng hay tiền bạc nói chung không phải là đích đến cuối cùng, cũng không phải và không nên là mục tiêu lớn nhất, quan trọng nhất trong cuộc sống.

Đương nhiên, không có tiền hoặc tệ hơn là nợ nần, sẽ khiến chất lượng cuộc sống của chúng ta suy giảm. Nhưng có nhiều tiền rồi mà không biết cách chi tiêu, không có tam quan đúng đắn, cuộc sống cũng khó mà hạnh phúc, lành mạnh được.

Tôi nhận ra rằng thứ mang lại cho tôi cảm giác được khích lệ, được truyền động lực chính là hành trình dần từ bỏ thói tiêu hoang, chứ không phải là con số trong tài khoản tiết kiệm. 

3 - Thói quen tiết kiệm phản ánh sự kỷ luật trong cuộc sống

Tôi muốn nhấn mạnh rằng thói quen tiết kiệm mới là thứ quan trọng, chứ không phải số tiền chúng ta tiết kiệm được. Thói quen là thứ được hình thành nhờ việc liên tục duy trì một hành vi trong thời gian dài. Thói quen tiết kiệm quan trọng, và có thể phản ánh sự kỷ luật của một người vì lẽ đó.

Sau khi hiểu 3 điều này, tôi không cần cố gắng vẫn tiết kiệm được tiền- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Một người tiết kiệm 1 triệu mỗi tháng, nhưng họ duy trì được việc đó trong 12 tháng liên tục; so với 1 người tiết kiệm được 3 triệu mỗi tháng nhưng chỉ duy trì được 2 tháng, kết quả là rất khác biệt. Và thứ làm nên sự khác biệt này, rất dễ hiểu nhưng không dễ để rèn luyện và có được, chính là tính kỷ luật.

Kỷ luật trong việc tiết kiệm, kỷ luật trong công việc, kỷ luật trong chế độ ăn hay chế độ sinh hoạt,... tất cả các khía cạnh của cuộc sống, chỉ cần rèn được tính kỷ luật, chúng ta sẽ ngày càng tiến bộ hơn.

Ngọc Linh

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày