Sau cơn giông, những người ở lại là để thương nhau

Diệp Nguyễn , Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 11:28 21/07/2025
Chia sẻ

… Và để giúp nhau gượng dậy sau nỗi đau tột cùng.

Chỉ mới một ngày trước, gia đình một người chị thân thiết của tôi vẫn còn đang lênh đênh trên một con tàu ở vịnh Lan Hạ. Cả nhà vừa rời Hạ Long vào buổi sáng thứ 7. Buổi chiều, cơn giông ập đến. Chị rụng rời khi đọc tin về chiếc thuyền bị lật. Mọi chuyện chỉ cách nhau đúng một ngày - ở vùng biển mà trước đó đang ngập tràn niềm vui và sự hứng khởi của những chuyến đi mùa hè. 

Trên mạng xã hội, không ít những người bạn, người quen lẫn người không quen của tôi đã chia sẻ những cảm xúc bàng hoàng và xót xa khi vô tình có mặt tại Hạ Long vào thời điểm này. Ai mà biết được, họ đã có thể là một hành khách trên một con tàu nào đó lạc giữa những con sóng ngoài kia. Thiên nhiên và biển cả thì rộng lớn và khó lường, còn con người lại quá đối yếu ớt và nhỏ bé để có thể chống chọi. 

Sau cơn giông, những người ở lại là để thương nhau- Ảnh 1.

Có những tai ương bất ngờ ập đến mà không báo trước. Chẳng ai biết được ngoài khơi kia có điều gì đang chờ đợi. Cơn giông chiều qua còn được các chuyên gia cho rằng là một hình thái hiếm gặp trong khí tượng. Vài phút trước trời đang quang đãng, vài phút sau đã giông tố. Nếu biết trước sẽ có một cơn giông bất ngờ và phải đánh đổi cuộc sống của mình hoặc những người thân, làm gì có ai dám đặt chân xuống con tàu vào buổi chiều thứ 7 vừa rồi. Làm gì có ai biết trước chuyến đi đầy niềm vui lại trở thành chuyến đi cuối. Số phận con người là một sợi chỉ mảnh trước cơn giông hiểm ác. 

Sau cơn giông, những người ở lại là để thương nhau- Ảnh 2.

Đọc bản danh sách những người đã để lại cuộc đời trong chuyến đi định mệnh ấy, dù là kẻ cứng rắn nhất - cũng không nén nổi nỗi đau. Có những đứa trẻ, những thanh niên, những người cha và những người mẹ. Ở trên mặt tin tức chỉ là con số thống kê. Ở ngoài đời, con số đó là những con người, những gia đình, những giọt nước mắt và nỗi đau mất mát. Trong danh sách nạn nhân có không ít em nhỏ, chắc đây cũng là chuyến đi nghỉ hè cùng gia đình của các em. Một thanh niên may mắn còn sống kể rằng cậu đã cố cứu được mẹ và 3 người khác, nhưng lại không kịp cứu người bạn gái. Một phụ nữ đã cố cứu nhiều người nhất có thể, nhưng lại không thể tìm được chồng và hai con. 

Không ai biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra khi bước chân lên con tàu buổi chiều hôm ấy… 

Có quá nhiều câu hỏi “Tại sao?” xuất hiện trên mạng xã hội sau khi bi kịch xảy ra. Thật buồn khi sau tất cả những nỗi đau mà các nạn nhân hoặc người thân của họ phải chịu, họ lại tiếp tục phải đối mặt với những câu hỏi “tại sao” của cư dân mạng.

Không có một lý lẽ nào có thể giải thích cho một tai họa bất ngờ giáng xuống và chỉ những con người ngồi sau bàn phím mới có thể đủ tàn nhẫn đến mức chất vấn nạn nhân bằng những câu hỏi “Tại sao?”. Đã có rất nhiều chuyên gia khí tượng và cứu hộ đứng lên thay các nạn nhân trả lời cho những câu hỏi vô lý đó. Nhưng đâu phải là chuyên gia mới hiểu được rằng: Không phải ai cũng có cơ hội để lựa chọn trong  cảnh hiểm nghèo. Và chúng ta - những người đứng ngoài bi kịch này - là những người cần che chở cho nỗi đau của những nạn nhân, thay vì cứa thêm vào lòng họ những vết thương mới vì cảm giác tội lỗi. Thái độ hoài nghi và những câu hỏi chính là sự vô tình tàn nhẫn nhất mà con người có thể dành cho nhau trong lúc này. Những nạn nhân đã mất đi mạng sống, đã mất đi người thân - xin đừng bắt họ phải tự bào chữa cho một điều mà họ chưa từng có quyền lựa chọn. 

Sau cơn giông, những người ở lại là để thương nhau- Ảnh 3.

Đặt câu hỏi “Tại sao?” với các nạn nhân, lại có thêm không ít những câu hỏi “Tại sao?” khác cho đội ngũ cứu hộ. Khi bạn đang ngồi trong căn nhà yên bình của mình để comment qua mạng xã hội, đặt câu hỏi về tính hiệu quả của quá trình cứu hộ - thì chính những người lính cứu hộ đang dầm nước, lặn xuống mặt biển vẫn còn vần vũ, len lỏi vào xác tàu - để tìm cứu từng người sống sót, trục vớt những thi thể còn đang mắc kẹt. Khi bạn đang nhìn mọi thứ với con mắt của một người ngoài cuộc không có chuyên môn để phán xét, chính những người lính cứu hộ đang làm việc bằng cả trái tim và đánh cược tính mạng của mình để tìm kiếm phép màu. Họ không cần lời ngợi khen hay sự công nhận từ những lời phán xét ảo trên Internet, nhưng họ xứng đáng nhận được sự trân trọng và một lời cảm ơn - bởi đã thay tất cả chúng ta đi tìm hy vọng dưới biển sâu, và ngay cả khi không còn hy vọng, họ vẫn sẽ mang về câu trả lời cho những người thân đang khắc khoải đợi chờ. 

Sau cơn giông, những người ở lại là để thương nhau- Ảnh 4.

Không ai cần ta trở thành chuyên gia để lý giải những điều họ chưa kịp lý giải. Không ai cần ta nói thay phần của người đã mất. Nhưng mỗi người trong chúng ta có thể chọn một điều rất đơn giản: Làm người một cách tử tế. Làm người trong một xã hội còn biết thương nhau khi có người vừa gặp chuyện không may. Làm người khi chọn sẻ chia nỗi đau, thay vì hoài nghi và phán xét. Những người thân của nạn nhân, những người sống sót, đội ngũ cứu hộ - tất cả họ đang mang trên vai những gánh nặng không ai thấy. 

Chúng ta cần tiếc thương những người đã ra đi - tiếc bằng tất cả sự thành kính và nỗi xót xa dành cho những sinh mệnh vô tội. Cần cầu nguyện cho những ai vẫn còn đang nằm lại nơi đáy nước - để dù không thể trở về bằng nhịp thở, thì ít nhất, họ vẫn có thể trở về bằng tên gọi, bằng hình hài, bằng một lời tiễn biệt xứng đáng. Và chúng ta cần trân trọng đội ngũ cứu hộ - những người đang lặn sâu trong biển đục, không chỉ để tìm kiếm sự sống hay cái chết, mà để giữ lại sự bình an sau cùng cho những ai không may mắn. Vì nhờ họ, những cuộc chia tay dở dang có thể được khép lại bằng một cái ôm, một nén hương, một vòng khăn tang có chỗ để buộc vào. Họ đang làm phần việc mà chúng ta không thể làm. Họ thay tất cả chúng ta ở đó, đối diện với sự thật đau lòng nhất, và nâng niu nó bằng tất cả can đảm và nhân tính. 

Sau cơn giông, những người ở lại là để thương nhau- Ảnh 5.

Chúng ta không thể thay đổi điều đã xảy ra. Nhưng chúng ta có thể lựa chọn cách mình đi qua nó. Bằng tình yêu thương. Bằng sự tử tế. Bằng lòng bao dung. Bởi chúng ta là một cộng đồng ấm áp, đoàn kết để mỗi khi có người vấp ngã, mất mát, tổn thương - họ sẽ không bị bỏ lại đằng sau. Đất nước chúng ta đã đi qua không ít những ngày gian khó. Và mỗi lần như thế, người Việt lại đứng bên nhau, dù là chuyện lớn hay chuyện nhỏ. Đó là tình nghĩa. Một bó rau gửi ra miền Trung lũ lụt. Một đoàn người đạp xe tiếp tế giữa đại dịch. Một vòng tay ôm đứa trẻ lạc cha mẹ. Một bó hoa đặt bên bờ biển ngày hôm qua. Tất cả đều là cách người Việt sống - và thương nhau, khi có nỗi đau đi qua giữa lòng đất nước này.

Sau cơn giông, những người ở lại là để thương nhau- Ảnh 6.

Xin được cúi đầu cầu nguyện cho những người đã ra đi, cho những đứa trẻ chưa kịp lớn, cho những gia đình mãi mãi không còn nguyên vẹn. Xin gửi lời thương đến những người đã mất người thân, những người còn sống sót nhưng mang theo vết đau không thể gọi tên. Mong rằng, dù trong nước mắt, họ vẫn sẽ cảm nhận được tình yêu thương của cả đất nước đang lặng lẽ hướng về.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày