Sau hơn 1 ngày trôi qua kể từ khi xảy ra vụ tàu du lịch Vịnh Xanh gặp nạn tại khu vực Gia Luận, Cát Hải đã để lại nỗi bàng hoàng và xót xa khi cướp đi sinh mạng 35 người, trong đó 4 người mất tích, chỉ khoảng 10 người sống sót trở về.. Tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng đang khẩn trương triển khai tìm kiếm trước khi thời tiết trên biển diễn biến xấu bởi cơn bão số 3.
Những câu chuyện sinh tồn trong khoang tàu chật hẹp, khoảnh khắc một hành khách lặn ngụp kéo thêm vài người ra khỏi dòng nước lạnh, hay tiếng khóc nấc của thân nhân bên bờ biển… càng khiến nhiều người xót xa, tiếc thương.
Thế nhưng, giữa muôn vàn những nỗi xót xa ấy, không ít ý kiến trái chiều xuất hiện trên mạng xã hội. Nhiều người đặt câu hỏi: "Tại sao trời báo bão mà vẫn đi biển?", "Sao không hoãn chuyến tham quan để giữ an toàn cho mình và người khác?". Một số bình luận còn gay gắt hơn khi cho rằng việc đi du lịch, tắm biển trong thời điểm gió mùa, giông lốc đang hình thành là quá liều lĩnh.
Ở chiều khác, không ít người bày tỏ sự bức xúc hướng về lực lượng quản lý: Tại sao tàu vẫn được phép xuất bến khi đã có cảnh báo thời tiết xấu?
Bên cạnh tranh luận, vẫn có những ý kiến kêu gọi mọi người tránh đổ lỗi nạn nhân, bởi thực tế trước khi xảy ra vụ việc đau lòng tại Hạ Long trời vẫn nắng đẹp.
Trước những ý kiên trên, tối ngày 20/7, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy – Chuyên gia nghiên cứu thời tiết và cảnh báo thiên tai cực đoan đã có một bài phân tích về vụ lật tàu trên Vịnh Hạ Long như để trả lời cho hàng loạt thắc mắc của cộng đồng mạng. Tiến sĩ Huy cũng lên tiếng khẳng định "các nạn nhân trong vụ lật tàu ở Vịnh Hạ Long không có lỗi".
Chúng tôi xin trích nguyên văn bài phân tích của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy:
"Lẽ ra tôi không phân tích vấn đề này mà dành thời gian theo dõi và dự báo bão Wipha vào thời điểm này sẽ tốt hơn. Tuy nhiên có quá nhiều sự đổ lỗi trên cộng đồng mạng XH mà có thể chúng ta chưa đủ góc nhìn và chuyên môn để hiểu hết vấn đề. Chẳng hạn các câu hỏi như:
- 1."Tại sao biết có bão vào mà vẫn đi chơi trên biển?"
- 2."Tại sao cơ quan chức năng không cấm biển?"
- 3. "Tại sao thuyền trưởng không yêu cầu hành khách mặc áo phao?"
- 4."Tại sao không dự báo dông lốc sớm hơn?"
Tôi lần lượt trả lời các câu hỏi như sau:
1. Tại sao biết có bão vào mà vẫn đi chơi trên biển?
Trước hết! Những du khách trên thuyền rời cảng vào khoảng thời gian buổi trưa. Lúc đó trời đang nắng nóng và không có dấu hiệu của mưa gió. Các bản tin cảnh báo bão cũng nêu rõ ngày 21/7 bão mới vào Vịnh Bắc Bộ. Nếu tôi là khách hàng thì tôi cũng sẽ lên thuyền. Vì vậy không thể trách nạn nhân rằng họ cố đi chơi trong khi bão đang vào. Có 1 clip ghi lại cảnh hành khách mặc áo mưa đi lên tàu và chúng ta nghe giọng chửi của một người đàn ông không lên tàu. Đó là clip ghi lại từ tháng 6. Vào thời điểm trưa hôm qua Quảng Ninh đang nắng nóng.
Ảnh: Facebook Huy Nguyen
2. Tại sao cơ quan chức năng không cấm biển?
Việc cấm biển phải dựa trên bản tin dự báo thời tiết chính thống hoặc quan sát tình hình thời tiết tại chỗ. Bản tin dự báo thời tiết vào buổi sáng thông báo gió cấp 2, cấp 3 (theo thông tin họp báo từ báo Tuổi Trẻ). Bản tin dự báo cập nhật lúc 13h30 báo có mưa và dông lốc. Lúc này tàu Vịnh Xanh đã xuất bến và ban quản lý cảng đã không cho các tàu khác xuất bến.
Theo thông lệ việc cấm biển có thể được đưa ra khi bão cách đất liền 24 giờ di chuyển để đảm bảo các tàu vào cảng neo đậu an toàn. Dự báo bão Wipha tới 21/7 mới vào Vịnh Bắc Bộ nên không thể ban hành lệnh cấm biển từ 19/7 nếu không phát hiện tình huống thời tiết cực đoan.
3. Tại sao thuyền trưởng không yêu cầu hành khách mặc áo phao?
Cơ quan chức năng cho biết, quá trình cứu hộ, cứu nạn phát hiện 80%-90% nạn nhân có mặc áo phao. Chứng tỏ thuyền trưởng có phát lệnh mặc áo phao.
Tuy nhiên điều nguy hiểm khi mặc áo phao trong thuyền kín đó là sẽ khó xoay xở và thoát ra ngoài. Lẽ ra khi mặc áo phao thì hành khách phải lên boong hoặc tất cả các cửa sổ phải mở. Tôi dự đoán rằng khi có mưa lớn và gió tạt mạnh, các hành khách đã đóng kín cửa để mưa không tạt vào trong khoang. Đó là nguyên nhân khiến hành khách không thể thoát ra ngoài khi thuyền bị lật. Đêm hôm qua cũng có 1 thuyền khách dịch vụ câu mực bị lật tại biển Thiên Cầm và 34 người rơi xuống biển. Tất cả họ đều được cứu an toàn vì đó chắc chắn là thuyền mở và hành khách đều ở bên ngoài, có mặc áo phao.
4. Vấn đề chính: Tại sao không dự báo dông lốc sớm hơn?
Trong các hình là một loạt các dự báo tôi trích dẫn từ các mô hình dự báo rất mạnh gồm GFS của Mỹ và ECMWF của Châu Âu. Cả 2 mô hình đều không dự báo có dông lốc trên Vịnh Hạ Long vào khung giờ từ 12h đến 14h ngày 19/7. Mô hình GFS dự báo cấp gió 17kt vào thời điểm 12h-15h, cấp gió 27kt vào khung giờ 18h. Trong khi đó mô hình ECMWF dự báo cấp gió 11kt. Tất cả các dự báo này cho thấy các mô hình dự báo KHÔNG HỀ PHÁT HIỆN THẤY CÓ DÔNG LỐC.
Ảnh: Facebook Huy Nguyen
Các mô hình dự báo cấp gió trên Vịnh Hạ Long vào chiều ngày 19/7. Ảnh: Facebook Huy Nguyen
5. Vậy làm sao để phát hiện được dông lốc mà không có mặt ở vị trí đó?
- Ảnh vệ tinh: Tôi phát hiện đám mây phát triển trên ảnh vệ tinh vào khoảng 14h chiều. Lúc đó thì "chuyện đã rồi" vì ban đầu cụm mây rất nhỏ phía bắc VBB phát triển lan dần ra. Nếu theo dõi sớm và liên tục có thể dự đoán được xu hướng phát triển cơn dông. Nhưng khu vực thuyền bị nạn có tốc độ phát triển dông rất nhanh và rất khó phát cảnh báo sớm nếu không có mặt tại đó quan sát.
- Ảnh radar từ đài khí tượng cao không: Ảnh radar quét mây thời gian thực có thể phát hiện cơn dông nhưng cũng giống như ảnh vệ tinh, đó là ảnh thời gian thực. Khi phát hiện cũng đồng nghĩa là cơn dông đã xuất hiện.
- Dấu hiệu phán đoán mây dông: Vào thời điểm xảy ra mây dông khí áp bề mặt cực thấp do áp thấp nóng nhiều ngày liên tục gây ra. Khí áp thấp này kết hợp nền nhiệt cao khi bốc hơi mà gặp không khí lạnh đới cao hội tụ theo dải hẹp thì chắc chắn có mây dông. Tuy nhiên để đo được nhiệt độ và khí áp trên cao ở mực từ 850hpa (1500m) trở lên cần có bóng thám không. Mỗi bóng cao không mỗi lần thả lên trời để thu thập số liệu tốn hơn 1000 usd. Đó là số tiền lớn nếu ngày nào cũng thả bóng.
Do vậy, việc cảnh báo mây dông là tương đối, khó dự báo xa và khó dự báo cấp gió.
Ảnh mây vệ tinh cho thấy khối mưa dông cực lớn ở miền Bắc vào chiều ngày 19/7. Ảnh: Facebook Huy Nguyen
Ảnh: Facebook Huy Nguyen
Cơn dông chiều hôm qua là một siêu mây dông hiếm gặp, quét mạnh từ Bắc vào Nam do không khí lạnh đới cao có hướng Bắc - Nam gặp phải không khí nóng ẩm từ biển vào kết hợp mây đối lưu tại chỗ. Đó là một tình huống hiếm gặp trong khí tượng.
Tình huống chìm tàu hôm qua cũng là một tình huống hy hữu và có thể có lốc xoáy tại chỗ khi mây dông xảy ra. Gặp lốc xoáy thì dù thuyền hiện đại và thuyền trưởng có kinh nghiệm cũng không xử lý được.