Hơn bốn thập kỷ trôi qua kể từ ngày nhà văn Nguyễn Minh Châu cho ra đời truyện ngắn Chiếc Thuyền Ngoài Xa, đến nay, hình ảnh “tấm ảnh được chọn trong bộ lịch năm ấy”, một chi tiết nhỏ nhưng đầy ám ảnh ở đoạn kết truyện, vẫn khiến bao thế hệ độc giả day dứt. Bức ảnh không tên, không lời bình, không xuất hiện chính diện trong suốt câu chuyện, chỉ được nhắc thoáng qua như một thứ gì đó vừa vẹn tròn về nghệ thuật lại vô cùng thiếu vắng về sự thật.
42 năm trôi qua, và giờ đây, công nghệ AI đã thử dựng lại một cách tưởng tượng bức ảnh ấy. Hình ảnh hiện ra thật đẹp mà sao mà buồn quá!
Nhà văn Nguyễn Minh Châu
Chiếc Thuyền Ngoài Xa xoay quanh nhân vật Phùng - một nhiếp ảnh gia được cử về vùng biển miền Trung để chụp bộ ảnh lịch Tết. Trong một buổi sáng sương mù, Phùng bất ngờ bắt gặp một cảnh tượng “trời cho”: một chiếc thuyền lưới vó đang tiến vào bờ giữa khung cảnh thơ mộng sương trắng như sữa, mặt biển lặng như tờ, con thuyền lướt nhẹ như trong tranh thuỷ mặc cổ. Bức ảnh anh chụp khi ấy sau này được chọn làm ảnh bìa trong bộ lịch lớn, treo ở nhiều nơi. Thế nhưng, ẩn sau cái đẹp như mơ ấy là bi kịch của gia đình người đàn bà làng chài - một nạn nhân của bạo lực gia đình, mà Phùng tận mắt chứng kiến chỉ vài phút sau đó.
Tác phẩm kết thúc lặng lẽ bằng một chi tiết nhỏ: “tấm ảnh tôi đã chụp được hôm sương mù ấy”, tấm ảnh từng khiến Phùng vỡ oà trong khoảnh khắc thăng hoa nghệ thuật, đã được in làm ảnh bìa lịch. Một kết thúc tưởng như viên mãn, nhưng lại gieo vào lòng người đọc một nỗi bất an mơ hồ: Liệu có bao nhiêu “cái đẹp hoàn mỹ” trong xã hội này đang được ngưỡng mộ, treo trang trọng trên tường, mà thực chất lại che giấu những nỗi đau không lời?
Khác với những bức ảnh nổi tiếng được công bố rộng rãi, “tấm ảnh lịch năm ấy” trong Chiếc Thuyền Ngoài Xa chưa từng được mô tả đầy đủ. Nó là một khoảng trống cố ý mà Nguyễn Minh Châu để lại, cho độc giả tự tưởng tượng. Trong suốt nhiều năm, các thế hệ học sinh sinh viên khi học tác phẩm này đều được yêu cầu “hình dung” bức ảnh đó: Nó có gì? Đẹp ra sao? Tại sao nó lại được chọn?
Và giờ đây, với sự hỗ trợ của công nghệ AI, lần đầu tiên bức ảnh lịch năm ấy có thể được hình dung lại dựa trên những dữ liệu mô tả từ chính truyện ngắn gốc. Không phải là bản “gốc” vì rõ ràng không ai có thể biết chắc nhà văn nghĩ gì khi viết chi tiết ấy, nhưng là một hình dung gần nhất, chân thực nhất với lời văn Nguyễn Minh Châu. Và kết quả, như nhiều độc giả đã bình luận: “Đẹp mà sao mà buồn quá!”.
Bức ảnh mà nhân vật Phùng chụp được AI tái hiện lại
Trong bức ảnh được dựng lại bằng AI, người xem thấy một con thuyền nhỏ mang dáng vẻ cũ kỹ, lưới vó rủ xuống phía sau, đang tiến dần vào bờ. Biển sáng trắng, không rõ ánh nắng hay chỉ là lớp sương mỏng phản chiếu ánh sáng. Đằng sau là đường chân trời mờ ảo, không rõ ranh giới giữa trời và nước. Trên mũi thuyền là một người đàn bà mặc áo nâu bạc màu, tay cầm mái chèo, đầu hơi cúi, gương mặt khuất trong bóng sương. Một bé trai ngồi gần đó, cũng hướng về phía trước, lặng lẽ. Phía sau là một người đàn ông vóc dáng cao to, đứng chênh vênh trên mạn thuyền, tay vẫn nắm chặt sợi dây buộc lưới.
Toàn bộ khung hình không có chuyển động mạnh. Không sóng, không gió. Chỉ có một vẻ tĩnh lặng. Không một nụ cười. Không một ánh mắt nhìn nhau. Nhưng đẹp, đúng theo kiểu “cái đẹp toàn bích” mà Phùng từng trầm trồ. Và cũng lạnh, đúng như sự thật trần trụi mà anh sau đó chứng kiến: người đàn ông ấy chính là kẻ đánh vợ dã man; người đàn bà ấy chính là người từng ngồi trước toà án nhân dân huyện, xin được trở về sống tiếp với kẻ bạo hành, vì “ở ngoài biển còn có những đứa con”.
Sau 42 năm, công nghệ có thể giúp chúng ta “thấy” lại bức ảnh ấy. Nhưng chính văn học chứ không phải AI mới là thứ khiến ta không quên. Vì bức ảnh thật sự của Chiếc Thuyền Ngoài Xa không nằm trên tờ lịch, mà nằm trong ánh mắt đã thay đổi của Phùng, trong sự day dứt của độc giả, trong câu hỏi còn bỏ ngỏ: Liệu nghệ thuật có đủ khả năng nhìn sâu hơn vẻ đẹp bề ngoài?
“Văn học không thể chỉ là ánh trăng lừa dối” và tấm ảnh lịch năm ấy, nếu chỉ đơn thuần là một cảnh đẹp không lời, thì chính là “ánh trăng lừa dối” mà ông đã cảnh báo.
Việc tưởng tượng lại “tấm ảnh lịch năm ấy” không nhằm mục đích hoàn tất một chi tiết văn học còn bỏ ngỏ, mà để nhấn mạnh thông điệp mà Nguyễn Minh Châu từng gửi gắm: Cái đẹp thực sự không nằm ở đường nét, ánh sáng hay bố cục, mà nằm ở sự thấu hiểu và cái nhìn đa chiều về con người. Và rằng, nếu chỉ đứng từ xa để ngợi ca cái đẹp, mà không dấn thân để nhìn thấy sự thật phía sau, thì đó là một cái nhìn thiếu trách nhiệm.
“Đẹp mà sao mà buồn quá!”, có lẽ là câu cảm thán chính xác nhất cho cả bức ảnh lẫn tác phẩm. Và cũng là lời nhắc nhẹ nhàng nhưng đầy trọng lượng cho mọi người: Hãy nhìn kỹ hơn, đi gần hơn để không vô tình tôn vinh cái đẹp vô cảm.