Thiên tài 10 tuổi đỗ đại học, 3 năm sau ra trường cuộc đời chán đến phát ngán: Khi tuổi thơ bị lấy mất bởi hai chữ "thành công"

Trang Vũ, Theo Đời sống & Pháp luật 00:14 20/05/2025
Chia sẻ

Cuộc đời của thiên tài trẻ tuổi khiến nhiều người tiếc nuối.

Chúng ta vẫn hay trầm trồ mỗi khi nghe đến cụm từ "thiên tài nhí". Nhiều bậc phụ huynh mơ ước con mình cũng sẽ là một thần đồng, thông minh vượt trội, học đâu giỏi đó, để rồi chẳng còn phải lo nghĩ chuyện học hành, tương lai của con đã được "lót sẵn hoa hồng".

Nhưng sự thật thì không như mơ. Bởi thiên tài thật sự không nhiều. Phần lớn những "thần đồng" mà ta từng nghe tên chỉ là kết quả của một quá trình luyện thi, rèn ép, học sớm, lớn ép mà không ai dám nói trước liệu con đường ấy có đưa đến hạnh phúc. Cũng giống như trường hợp của Trương Dịch Văn, cô bé được mệnh danh là "thiên tài 10 tuổi" của Trung Quốc, là một ví dụ điển hình.

Từ nhỏ, Trương Dịch Văn đã được cha mẹ nuôi dạy tại nhà theo một lộ trình "tăng tốc thần tốc". Khi mới 4 tuổi, cô bé đã biết hơn 2.000 chữ Hán. Và chỉ sau 5 năm học tại gia, cô bé nhỏ xíu này đã cầm trên tay tấm bằng tương đương bằng tốt nghiệp THPT.

Năm 10 tuổi, Dịch Văn vượt qua kỳ thi tuyển sinh riêng và chính thức trở thành sinh viên ngành Công nghệ Thông tin tại Học viện Công nghệ Thương Khâu. Thành tích này khiến truyền thông không ngừng ca ngợi, còn mạng xã hội thì phát cuồng gọi em là "thần đồng thế kỷ".

Thiên tài 10 tuổi đỗ đại học, 3 năm sau ra trường cuộc đời chán đến phát ngán: Khi tuổi thơ bị lấy mất bởi hai chữ "thành công"- Ảnh 1.

Cô bé chỉ mới 10 tuổi nhưng đã sở hữu những thành tích đáng ngưỡng mộ

Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng...

Càng lớn, Trương Dịch Văn càng cảm thấy lạc lõng. Ở đại học, cô bé 10 tuổi, dù mang danh "thần đồng", lại chỉ học ở mức trung bình. Không bạn bè đồng trang lứa, không ai để tâm sự, khoảng cách tuổi tác khiến cô khó hòa nhập, luôn cảm thấy mình như bị đặt ở một thế giới khác. Tốt nghiệp sau 3 năm học, tương lai của Dịch Văn như rơi vào ngõ cụt bởi: Không ai dám thuê một đứa trẻ 13 tuổi đi làm.

Cuối cùng, cô chỉ có thể trở thành trợ giảng tại chính trung tâm đào tạo của cha mình, nhận mức lương khoảng 2.000 tệ/tháng (khoảng 7 triệu đồng), trong khi truyền thông từng gọi cô là một "biểu tượng thành công".

Trái lại, cha của Dịch Văn luôn tin rằng con mình là thiên tài, nên từ nhỏ ông không để cô đến trường, tự tay dạy tất cả. Lịch trình học của cô, kỳ thi nào tham gia, ngành học nào theo đuổi, tất cả đều do ông quyết định. Nhưng khi con gái bắt đầu trưởng thành, khi cá tính và cảm xúc tuổi mới lớn bộc lộ rõ hơn, những cuộc tranh cãi giữa hai cha con cũng xảy ra thường xuyên. Dịch Văn không còn muốn sống trong cái khuôn cha đặt sẵn và bắt đầu phản đối lối giáo dục mà chính cô từng là "sản phẩm điển hình".

Thiên tài 10 tuổi đỗ đại học, 3 năm sau ra trường cuộc đời chán đến phát ngán: Khi tuổi thơ bị lấy mất bởi hai chữ "thành công"- Ảnh 2.

Thiên tài 10 tuổi không còn muốn sống trong khuôn mẫu mà cha cô đặt sẵn.

Rất nhiều đứa trẻ nổi tiếng từ sớm đã không giữ được phong độ khi lớn lên. Một số bị trầm cảm vì áp lực, số khác phát triển tính cách lệch lạc vì được tung hô quá mức từ quá nhỏ. Nhiều em đánh mất tuổi thơ, không có bạn bè cùng chơi, không có những trải nghiệm cần thiết để lớn lên một cách cân bằng.

Trong trường hợp của Dịch Văn, việc nổi tiếng quá sớm khiến cô trở thành công cụ truyền thông cho trung tâm luyện thi của cha. Cô bé chưa kịp sống cuộc đời của chính mình đã bị gán nhãn "thiên tài" - thứ danh hiệu nghe thì hay nhưng lại là gánh nặng với một đứa trẻ chưa đầy một mét rưỡi.

Cách dễ nhất để "hủy hoại" một đứa trẻ là để nó nổi tiếng quá sớm. Trẻ em cần thời gian để trưởng thành, không chỉ về thể chất mà cả tâm lý, cảm xúc. Việc "đốt cháy giai đoạn" trong giáo dục như: cho học trước tuổi, học vượt cấp, học để thi,... có thể khiến trẻ mất đi cơ hội trải nghiệm đúng lứa tuổi, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp xã hội và thậm chí là cả cả nhân cách sau này.

Các bậc cha mẹ nên nhớ: Mỗi đứa trẻ có một nhịp phát triển riêng. Học giỏi không phải là tất cả. Việc cha mẹ biết động viên, biết chấp nhận khi con chưa giỏi, biết tạo môi trường để con phát triển lành mạnh, đôi khi còn quý hơn cả thành tích. Thành công sớm không đồng nghĩa với hạnh phúc. "Thiên tài" không phải là thứ để trưng bày hay đem ra làm công cụ quảng bá. Và tuổi thơ, nếu bị đánh cắp, sẽ để lại những lỗ hổng mà cả đời sau cũng khó bù đắp được.

Vậy nên, nếu bạn là cha mẹ, hãy để con mình lớn lên theo cách nhẹ nhàng và trọn vẹn nhất. Và nếu bạn là một đứa trẻ, đừng sợ nếu mình không phải "thiên tài". Bạn chỉ cần là chính mình. Thế là đủ.

Theo Sohu

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày