Sạt lở tại Hòa Bình, tảng đá rơi từ vách núi trúng ô tô trên quốc lộ 6

Ngọc Linh, Theo Phụ nữ Việt Nam 12:37 04/08/2023
Chia sẻ

Ngày 4-8, thông tin từ phòng CSGT Công an tỉnh Hoà Bình, cho biết vào sáng nay quốc lộ 6 đoạn qua địa bàn huyện Mai Châu do có mưa, sương mù và đường trơn trượt, sạt lở. Một tảng đá lớn rơi trúng ô tô biển số tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, tại Km128+750-QL 6 (thuộc địa phận xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu - khu vực đèo Thung Khe) xảy ra sạt lở, đá rơi trúng ô tô biển số tỉnh Hòa Bình, may mắn không có thương vong về người.

Tại hiện trường, phần đầu ô tô bị đá đè biến dạng, kính sau vỡ và xe bị đẩy sát vào dải hộ lan ven đường.

Sạt lở tại Hòa Bình, tảng đá rơi từ vách núi trúng ô tô trên quốc lộ 6 - Ảnh 1.

Tảng đá đè trúng đầu ô tô trên đèo Thung Khe (Ảnh: CACC)

Nhận thông tin, Phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình điều động cán bộ, chiến sĩ của Trạm CSGT Tân Lạc tiếp cận hiện trường, phân luồng, phối hợp với các đơn vị dọn đất đá, đảm bảo giao thông trên tuyến.

Theo Phòng CSGT Công an Hòa Bình, hiện nay trên Quốc lộ 6, đoạn qua địa bàn huyện Tân Lạc, Mai Châu có mưa, sương mù và đường trơn trượt, sạt lở.

Phòng CSGT Hòa Bình đã đề nghị các đơn vị giáp ranh cảnh báo đến các phương tiện đang lưu thông trên tuyến để phòng ngừa. Đồng thời, khuyến cáo các tài xế cần chú ý tốc độ khi lưu thông qua khu vực trong thời tiết mưa gió.

Cục CSGT Bộ Công an cho biết, đã yêu cầu lực lượng CSGT toàn quốc chủ động tăng cường trong công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trong mùa mưa bão theo Công điện của của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an.

Lực lượng CSGT tiếp tục rà soát những trụ sở CSGT trên các tuyến đường có nguy cơ sạt lở, mất an toàn để kiến nghị với các cấp có thẩm quyền tổ chức di dời hoặc có biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, nhất là trụ sở làm việc, kho tàng, hồ sơ, tài liệu, vũ khí, phương tiện, máy móc, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ..

Các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch để ứng phó kịp thời, hiệu quả;

Trọng tâm là, chủ động bố trí lực lượng làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông, đặt biển báo "nguy hiểm", rào chắn, barie... trước các điểm xảy ra ngập lụt, sạt lở để cảnh báo người dân;

Xây dựng phương án phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông (tại chỗ và từ xa); kiên quyết "cấm đường" không để người và phương tiện đi vào khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở.

Đối với các phương tiện đã đi vào khu vực ngập lụt, sạt lở, chủ động phối hợp với các lực lượng tổ chức hướng dẫn giao thông, cứu nạn, cứu hộ, nhanh chóng đưa phương tiện và người dân ra khỏi khu vực ngập lụt, sạt lở.

Kịp thời thông tin cho Phòng CSGT Công an các địa phương giáp ranh, có liên quan để tổ chức phân luồng giao thông từ xa; đồng thời, báo cáo về Cục CSGT để chỉ đạo chung trên toàn tuyến.

Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, nắm chắc tình hình TTATGT trên các tuyến giao thông, các vị trí có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở.

Chủ động lực lượng, phương tiện, sẵn sàng làm nhiệm vụ và tăng cường cho các địa phương khi có chỉ đạo của Bộ Công an.

Hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân di dời, sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn trước khi bão, lũ xảy ra, hạn chế thấp nhất hậu quả thiệt hại về người và tài sản do bão, lũ gây ra.

Tổ chức nghiêm túc việc trực, ứng trực và trực ban, đảm bảo thông tin liên lạc; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo diễn biến, tình hình, hậu quả do bão, lũ gây ra.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày