Thời gian gần đây, số ca Covid-19 trên thế giới đang có xu hướng tăng trở lại do một số quốc gia nới lỏng giãn cách xã hội và khôi phục sản xuất. Theo ông Ngô Tôn Hữu, chuyên gia dịch tễ học Trung Quốc, xu thế này cho thấy chỉ cần buông lỏng phòng chống dịch, số ca bệnh sẽ lại tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, ông không cho rằng đây là làn sóng dịch thứ 2.
Ông Ngô Tôn Hữu, chuyên gia dịch tễ học của Trung Quốc. Ảnh: Chinanews
Ông nói: "Nhiều người cho rằng dịch đang tăng trở lại bùng phát làn sóng thứ hai, tôi không tán đồng quan điểm này. Làn sóng dịch thứ nhất chưa hề qua. Từ tháng 1 đến nay, dịch toàn cầu vẫn liên tục tăng và duy trì ở mức cao. Mỗi ngày thế giới có thêm hơn trăm nghìn ca bệnh mới, mấy ngày gần đây xu thế tăng còn mạnh hơn. Sự gia tăng này rất đáng lo ngại".
Ông cho rằng, mặc dù HIV đã tồn tại gần 40 năm, nhưng những kiến thức của con người về căn bệnh thế kỷ này còn rất có hạn, trong khi SARS-CoV-2 mới chỉ xuất hiện khoảng 6 tháng, do vậy sự hiểu biết còn ít hơn nhiều.
Giống như HIV, Covid-19 đang gây ra những tác hại to lớn đối với loài người, tác động của Covid-19 đến an toàn sự sống, sức khỏe của con người, sự phát triển của kinh tế xã hội là chưa thể lường hết và những tác động ấy sẽ kéo dài trong bao lâu là điều không dễ dự đoán.
Theo chuyên gia này, sở dĩ gọi virus SARS-CoV-2 là "kỳ dị", "ranh mãnh", bởi nó bất ngờ xuất hiện, như ở Vũ Hán hay Bắc Kinh và đến nay vẫn chưa tìm ra nguồn gốc. Thứ hai, nhiều người khi nhiễm virus có triệu chứng không điển hình hoặc khá nhẹ, nên dễ bị bỏ qua. Thứ ba, khả năng lây lan của virus rất mạnh, nếu sơ suất sẽ bỏ lỡ thời cơ tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh. Khi đã bỏ qua cơ hội, sẽ phải hao tổn rất nhiều công sức và nguồn lực xã hội để dập tắt dịch bệnh.
Ông cũng nhận định, với những gì đang diễn ra, Covid-19 chắc chắn sẽ không giống SARS tự mất đi, mà nhiều khả năng tồn tại lâu dài trong thế giới loài người, đồng thời thay đổi phương thức sống và làm việc của con người./.