Covid-19 đã vô tình mang lại một hiệu ứng bất ngờ dành cho phụ nữ công sở tại Nhật Bản

Vũ Huế, Theo Trí Thức Trẻ 08:10 30/06/2020
Chia sẻ

Trong đại dịch Covid-19, ngay cả đất nước cuồng chuyên cần Nhật Bản cũng phải chuyển đổi sang làm việc từ xa. Bất ngờ, nó giảm thiểu quấy rối, lạm dụng công sở, mở ra cơ hội chấm dứt vấn nạn này vĩnh viễn.

Nhật Bản là quốc gia nặng quan niệm phong kiến "nam tôn nữ ti" nhất châu Á. Từ xưa, dân tộc này đã áp đặt "đàn bà nội trợ". Dù đã bước sang Thế kỷ XXI 20 năm, phụ nữ công sở Nhật Bản vẫn phải chịu thiệt thòi về mọi mặt tại chỗ làm.

Quấy rối công sở: Vấn nạn ngoài tầm kiểm soát

"Sự gia trưởng chính là căn nguyên của thực trạng quấy rối phụ nữ tại nơi làm việc,"- Shirakawa Tōko, nhà báo Nhật Bản nhận định.

Giữa tâm chấn Covid-19 vào tháng 3/2020, xứ sở hoa anh đào nổi cộm vụ bê bối của Ishikawa Yasuharu (1970), giám đốc thương hiệu thời trang lừng danh Stripe International. Tháng 12/2018, vị CEO này bị tố cáo quấy rối tình dục với các nữ nhân viên của công ty. Theo tài liệu từ nhật báo The Asahi Shimbun, y đã 4 lần có hành vi tấn công tình dục trong khoảng thời gian từ tháng 8/2015 - 5/2018.

Covid-19 đã vô tình mang lại một hiệu ứng bất ngờ dành cho phụ nữ công sở tại Nhật Bản - Ảnh 1.

Quấy rối công sở là vấn nạn nhức nhối nhất Nhật Bản

Stripe International buộc phải thành lập ủy ban điều tra và kết tội Yasuharu. Sau phiên tra vấn, Yasuharu thừa nhận tội trạng. Thế nhưng đến tháng 3/2020, ông ta lại được Văn phòng Nội các (Cabinet Office) Nhật Bản bổ nhiệm vào Hội đồng Bình đẳng giới (Council for Gender Equality) - cơ quan thiết lập, bảo vệ và thúc đẩy nữ quyền.

Quay trở lại với Stripe International, hội đồng xét xử và trừng phạt hành vi quấy rối tình dục ở nơi làm việc của Yasuharu đã không đưa ra bất cứ giải pháp nào. Họ đơn giản xem đó là vấn đề của một cá nhân, không liên quan đến trách nhiệm công ty. Yasuharu chỉ bị khiển trách nhẹ nhàng. Ông nhanh chóng cứu vãn danh tiếng bằng cách cải tạo nơi làm việc, cuối cùng lại được vỗ tay khen ngợi, thậm chí chiếm một vị trí đầy vinh dự trong Văn phòng Nội các.

Covid-19 đã vô tình mang lại một hiệu ứng bất ngờ dành cho phụ nữ công sở tại Nhật Bản - Ảnh 2.

1/3 nữ bệnh nhân tâm thần Nhật Bản là nạn nhân của quấy rối, lạm dụng, bắt nạt ở chỗ làm

Stripe International bước lên tầm cao mới, còn tội trạng của cựu CEO hình như tự động xóa sạch.

"Kiểu giải quyết bê bối tình dục bằng cách lấp liếm này rất thường thấy ở Nhật Bản," - Tōko cho biết. Đất nước này vẫn chưa phê chuẩn dự luật cấm quấy rối công sở. Theo báo cáo mới nhất từ hệ thống y tế Nhật Bản, có đến 1/3 phụ nữ đang được điều trị sức khỏe tâm thần là nạn nhân của quấy rối, lạm dụng, bắt nạt ở chỗ làm.

Tháng 4/2018, Nhật Bản cũng từng một phen điên đảo vì bê bối của Thứ trưởng Bộ Tài chính Fukuda Jun’ichi. Bằng chứng ghi âm cho thấy ông đã lạm dụng quyền lực quấy rối nữ nhân viên, khiến Bộ Tài chính phải công khai xin lỗi. Người có công đưa vụ việc này ra ánh sáng là một nữ phóng viên của đài truyền hình TV Asahi. Chính cô cũng đứng ra thành lập mạng lưới tố cáo hành vi lạm dụng phụ nữ, yêu cầu chính phủ Nhật Bản phải có động thái và biện pháp giải quyết rõ ràng.

Covid-19 đã vô tình mang lại một hiệu ứng bất ngờ dành cho phụ nữ công sở tại Nhật Bản - Ảnh 3.

Ishikawa Yasuharu, CEO dính 4 tố cáo quấy rối tình dục vẫn được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng Bình đẳng giới của Văn phòng Nội các Nhật Bản

Tháng 5/2019, Nhật Bản tuyên bố ủng hộ công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế về chống quấy rối và bạo lực nơi công sở. Dự kiến luật cấm quấy rối công sở ở Nhật Bản sẽ có hiệu lực tại các doanh nghiệp lớn từ tháng 6/2020, và tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ tháng 4/2022.

Cũng sau sự kiện này, các doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu thay đổi thái độ. Họ tự lập ra các quy tắc, biện pháp trừng phạt tội quấy rối, lạm dụng. Các công ty có tên tuổi thẳng thừng cảnh cáo nhân viên tân binh cấm lạm dụng, quấy rối dưới mọi hình thức. Họ cũng tổ chức các khóa giới thiệu, nâng cao nhận thức về hành vi quấy rối nơi công sở.

Hiệu ứng bất ngờ từ... Covid-19

Mặc dù sự tự giác đấu tranh của cánh chị em công sở Nhật Bản đã đem lại thay đổi, nó chưa thật sự giải quyết được gốc rễ vấn nạn lạm dụng phụ nữ tại chỗ làm. Theo phân tích của Tōko, một phần đàn ông công sở Nhật Bản còn quấy rối nữ đồng nghiệp vì lý do phụ quyền cổ hủ.

Văn hóa công sở Nhật coi trọng sự hiện diện và quyền lực của đàn ông. Nó có xu hướng hợp lý hóa hành vi quấy rối, cho phép nam giới cấp trên toàn quyền đối xử với phụ nữ cấp dưới. "Nếu chưa có quy định pháp luật cứng rắn, các công ty sẽ không nghiêm túc trong việc thực hiện chính sách chống quấy rối toàn diện," - Tōko phân tích.

Bên cạnh nguy cơ bị lạm dụng ở chỗ làm, phụ nữ xứ sở Mặt trời mọc còn phải đối mặt với sự phân biệt giới tính. Người Nhật Bản quan niệm "đàn bà nội trợ", chỉ cần làm tốt nghĩa vụ sinh đẻ và chăm sóc con cái. Ít đàn ông Nhật Bản chịu chia sẻ việc nhà, trách nhiệm nuôi dạy con với vợ.

Covid-19 đã vô tình mang lại một hiệu ứng bất ngờ dành cho phụ nữ công sở tại Nhật Bản - Ảnh 4.

Nhờ làm việc từ xa, phụ nữ công sở Nhật Bản tránh được bị quấy rối

Theo quy định nghỉ sản của Nhật Bản, phụ nữ mang thai được phép nghỉ việc có lương từ 6 tuần trước khi sinh và quay trở lại làm việc từ tuần thứ 8 sau khi sinh, hưởng 66% lương chính thức. Họ cũng được phép nghỉ thêm để chăm sóc con cái tối đa 1 năm, hưởng 50% lương. Tuy nhiên, đó là trong trường hợp chủ lao động đồng ý duy trì hợp đồng. Còn thực tế, đa phần phụ nữ công sở Nhật mang thai phải nghỉ việc hẳn và tái tuyển dụng sau khi sinh. Sự nghiệp của họ bị gián đoạn, có khả năng phải làm lại từ đầu.

Bước sang năm 2020, Covid-19 xuất hiện, và Nhật Bản cũng bị tấn công. Trên cả nước, các doanh nghiệp phải linh hoạt cho phép nhân viên làm việc ở nhà. Tính đến đầu Tháng 3/2020, 70% các công ty đã áp dụng hoặc đang có kế hoạch áp dụng telework - làm việc từ xa.

Covid-19 đã vô tình mang lại một hiệu ứng bất ngờ dành cho phụ nữ công sở tại Nhật Bản - Ảnh 5.

"Hành động ứng phó đại dịch này vô tình mở ra một sự chuyển biến lớn," - Tōko khẳng định. "Làm việc từ xa đã đa dạng hóa cách thức lao động theo những kiểu chưa từng có, tạo điều kiện cho phụ nữ công sở mở rộng vai trò của họ tại các công ty."

Khi vị trí làm việc thay đổi, vấn đề quấy rối và phân biệt giới tính tại chỗ làm cũng bị xóa sổ. Phụ nữ công sở Nhật Bản được giải thoát khỏi hạn chế về giờ giấc, dễ dàng vừa chăm sóc con cái vừa hoàn thành chỉ tiêu đúng thời gian. Telework cũng cho phép họ tự do sáng tạo, nâng cao chất lượng, thành tích.

Tōko lạc quan dự đoán, nó sẽ định hình lại văn hóa công việc Nhật Bản, tạo nên sự đổi mới triệt để. Thông qua đó, Nhật Bản sẽ chấm dứt được vấn nạn lạm dụng, quấy rối nơi công sở, còn cánh chị em thẳng đường thăng tiến sự nghiệp.

Tham khảo: Nippon

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày