Nếu thường xuyên phải di chuyển bằng đường hàng không, qua các sân bay quốc tế trong và ngoài nước, hẳn bạn sẽ không còn lạ lẫm với cái tên "Duty Free Shop" nữa. Bởi nó xuất hiện ở hầu hết các sân bay quốc tế, như một cách phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách.
Vậy Duty Free là gì và tại sao ở sân bay quốc tế nào cũng thấy "có mặt"?
Đây là một cụm từ tiếng Anh có thể dịch sang tiếng Việt là "Miễn thuế", tức là hàng hóa không cần phải trả thuế. Hiểu một cách nôm na, hàng miễn thuế là tất cả những mặt hàng nhập khẩu được bày bán tại cửa hàng miễn thuế. Chúng không thuộc đối tượng chịu các loại thuế như: thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, hoặc các loại thuế khác. Và được miễn thuế nhập khẩu nếu là hàng nhập khẩu.
Cửa hàng miễn thuế thường được đặt ở các sân bay quốc tế và cả trung tâm thành phố, nơi thu hút đông khách du lịch ghé thăm.
Theo định nghĩa đầy đủ trên Wikipedia, cửa hàng miễn thuế là dạng cửa hàng bán lẻ, có hàng hóa được miễn nộp một số loại thuế theo nghĩa vụ địa phương hoặc quốc gia, với yêu cầu là hàng hóa bán ra sẽ được bán cho khách du lịch.
Bởi du khách là người sẽ mang chúng ra khỏi nước sở tại và sau đó sẽ trả nghĩa vụ và thuế ở quốc gia là điểm đến của họ (tùy thuộc vào giới hạn miễn thuế cá nhân và chế độ thuế quan). Ở mỗi quốc gia, các sản phẩm được bán miễn thuế là khác nhau, tùy theo khu vực tài phán, cách bán và quy trình tính thuế hoặc hoàn thuế.
Để dễ hiểu hơn, hãy lấy ví dụ cụ thể khi bạn mua một chai nước hoa ở Pháp và mang về Việt Nam.
- Nếu bạn mua nó trong một cửa hàng nước hoa cao cấp ở Pháp. Bạn phải trả thuế ngay thời điểm mua nó, sau đó bạn tiếp tục phải trả thêm 1 lần thuế cho chai nước hoa ở khu vực hải quan thì mới được mang về nhà.
- Sau khi bạn đã làm thủ tục xuất cảnh khỏi Pháp, bạn sẽ không còn phụ thuộc vào nước này nữa nên có thể có thể mua chai nước hoa với giá miễn thuế tại các cửa hàng miễn thuế đặt trong sân bay. Sau đó, về Việt Nam bạn chỉ cần trả thuế theo quy định ở khu vực hải quan.
Như vậy, số tiền để mua chai nước hoa sẽ giảm hơn hẳn, nếu bạn mua ở cửa hàng miễn thuế.
Người thành lập cửa hàng miễn thuế đầu tiên trên thế giới là Brendan O'Regan. Ông mở cửa hàng tại Sân bay Shannon ở Ireland vào năm 1947 và cho đến nay nó vẫn còn hoạt động.
Cửa hàng này được mở ra nhằm cung cấp dịch vụ cho hành khách của các hãng hàng không xuyên Đại Tây Dương, thường đi lại giữa Châu Âu và Bắc Mỹ, những người có chuyến bay dừng lại để tiếp nhiên liệu trên các chặng đi và về trong hành trình của họ.
Cửa hàng của Brendan đã ngay lập tức đạt được thành công và được "sao chép" trên toàn thế giới. 13 năm sau, vào ngày 7 tháng 11 năm 1960, 2 doanh nhân người Mỹ, Charles Feeney và Robert Warren Miller, đã thành lập DFS Group đặt trụ sở tại Hong Kong. Tập đoàn này sở hữu các cửa hàng miễn thuế ở 12 sân bay lớn và 23 cửa hàng Galleria ở các trung tâm thành phố, cũng như các địa điểm họ liên kết và khu nghỉ dưỡng.
Hiệp hội miễn thuế thế giới (TFWA) cho biết, trong năm 2011, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, với 35% doanh số bán lẻ du lịch và miễn thuế toàn cầu, có nhiều hàng miễn thuế hơn Châu Âu và Châu Mỹ (tỷ lệ tương ứng 34% và 23%).
31% doanh số bán hàng đến từ danh mục hàng hóa như nước hoa và mỹ phẩm, tiếp theo là rượu với 17%, sau đó là các sản phẩm thuốc lá.
Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn áp thuế đối với hàng hóa được đưa vào quốc gia đó mặc dù chúng đã được mua miễn thuế ở một quốc gia khác hoặc khi giá trị hay số lượng của hàng hóa đó vượt quá giới hạn cho phép.
Các cửa hàng miễn thuế thường được tìm thấy ở sân bay quốc tế, cảng biển và nhà ga nhưng hàng hóa cũng có thể được mua miễn thuế trên máy bay và tàu chở khách. Chúng không phổ biến cho khách du lịch đường bộ hoặc tàu hỏa. Một số cửa khẩu biên giới giữa Mỹ, Canada và Mexico đều có cửa hàng miễn thuế cho hành khách đi ô tô.
Việc miễn thuế được áp dụng đối với khách du lịch ở khu vực EU (bên trong liên minh thuế EU) nhưng được nếu du khách có điểm đến cuối cùng là bên ngoài EU thì vẫn phải nộp thuế.
Sân bay lớn nhất thế giới về doanh số bán hàng miễn thuế là Sân bay Incheon của Hàn Quốc, với doanh thu 1,85 tỷ đô la Mỹ vào năm 2016, vượt qua cả Dubai Duty Free với doanh thu năm 2016 là 1,82 tỷ đô la Mỹ.
Theo thông tin trên Investopedia, nếu muốn mua hàng miễn thuế, bạn cần xuất trình hộ chiếu để có thể mua sắm từ các cửa hàng miễn thuế.
Tuy nhiên, số lượng sản phẩm bạn có thể mua bị giới hạn nhất định theo luật và tên mỗi sản phẩm đều được ghi vào hộ chiếu của bạn.
Thật khó để kìm lòng mà không mua bất cứ thứ gì từ hàng miễn thuế, bởi ở đó, các mặt hàng của các thương hiệu nổi tiếng thế giới được bán với giá rẻ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, có những điều quan trọng cần được xem xét trong khi mua sắm ở đó. Chẳng hạn, hãy xem xét những thứ bạn có thể mang lên máy bay, số lượng mang lên.
Bởi, tùy theo quy định của từng quốc gia, một số sản phẩm không thể cho vào hành lý ký gửi và hành lý xách tay cũng có hạn mức nhất định. Bên cạnh đó, có nhiều quốc gia cấm mang chất lỏng lên máy bay, điển hình như Nhật Bản. Tuy nhiên, quy định này lại loại trừ nước hoa và rượu hoặc các sản phẩm mua từ cửa hàng miễn thuế. Dẫu vậy, bạn cần phải xem xét kỹ lưỡng trước khi mua để tránh cảnh "hàng ơi ở lại mình đi nhé".
Ngoài nước hoa và mỹ phẩm có giá cả phải chăng, các cửa hàng miễn thuế cũng bày bán nhiều socola hoặc đồ lưu niệm. Các sản phẩm cao cấp có thể được mua rẻ hơn rất nhiều so với cửa hàng thông thường vì đã được miễn thuế.
Bạn sẽ tiết kiệm được bao nhiêu khi mua hàng miễn thuế tại sân bay tùy thuộc vào quốc gia, tỷ giá hối đoái và sản phẩm bạn mua.
Ở châu Âu, các cửa hàng miễn thuế không chỉ miễn thuế mà còn giảm cả thuế giá trị gia tăng. Điều này có thể giúp bạn tiết kiệm tới 25% số tiền phải bỏ ra khi mua hàng miễn thuế!
Hãy chắc chắn rằng:
- Bạn sử dụng công cụ chuyển đổi tiền tệ để không bị "hớ".
- Bạn nên sử dụng thẻ tín dụng không có phí giao dịch nước ngoài.
- Nếu được lựa chọn, hãy luôn chọn thanh toán bằng nội tệ (để có tỷ giá hối đoái tốt hơn thông qua công ty phát hành thẻ tín dụng của bạn).
Đặc quyền với tiếp viên hàng không
Có một câu hỏi đặt ra là tiếp viên hàng không hay phi công có được mua hàng miễn thuế không? Câu trả lời là có! Phi hành đoàn được phép mua các mặt hàng miễn thuế khi đang trên chuyến bay.
Trên thực tế, họ thường là những khách hàng "tiềm năng" của các cửa hàng miễn thuế. Đó là một trong những đặc quyền của công việc và các giao dịch giá rẻ là một lý do tuyệt vời để "giữ chân" những người làm nghề trên cao này.
Tất nhiên, vẫn có một số quy định nhằm đảm bảo sự công bằng, không vụ lợi.
Chẳng hạn như:
- Một số hãng hàng không đưa ra quy định về số lượng hàng hóa phi hành đoàn được mua. Điều này nhằm đảm bảo rằng họ không lấy đi nguồn hàng tốt nhất và khách hàng luôn có nhiều sự lựa chọn.
- Phi hành đoàn cũng cần đảm bảo rằng họ khai báo bất kỳ mặt hàng miễn thuế nào khi trở về nước. Tiếp viên hàng không không được miễn các giới hạn hải quan hoặc các quy tắc cụ thể của quốc gia về việc mang theo các mặt hàng.
- Không phải tất cả các chuyến bay đều cho tiếp viên hàng không mua hàng miễn thuế. Một số chuyến bay, đặc biệt là của các hãng hàng không châu Âu hoạt động trong không phận EU, không cho phép điều đó. Một số hãng hàng không thậm chí còn hoàn toàn cấm phi hành đoàn của họ mua hàng miễn thuế. Tuy nhiên, điều này rất hiếm.
Nguồn: Wiki, Investopedia, Flyingbynumbers