Sốt xuất huyết là dịch bệnh hầu như năm nào cũng xuất hiện trải dài từ Bắc vào Nam khiến rất nhiều người lo lắng, nhất là những gia đình có trẻ em nhỏ tuổi. Bởi từ lâu trong tâm lý mọi người đều nghĩ rằng đối tượng dễ mắc sốt xuất huyết nhất chính là trẻ em.
Tuy nhiên, thời gian gần đây thì các ca sốt xuất huyết ở người lớn ngày càng tăng nhanh, thậm chí đã có nhiều trường hợp người lớn tử vong do sốt xuất huyết. Do đó, bên cạnh việc bảo vệ trẻ em trong gia đình thì bản thân mỗi người lớn cũng nên có phương pháp đề phòng muỗi tấn công để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh.
Điển hình theo số liệu thống kê thì trong hơn 10 năm nay, tỷ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết ở người lớn (trên 15 tuổi) xấp xỉ gần 50% trong tổng số ca bệnh được ghi nhận. Như vậy cho thấy số lượng người lớn mắc sốt xuất huyết cũng không ít hơn trẻ em là bao nhiêu.
Và theo thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM thì trong 4 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố đã có gần 21.000 ca sốt xuất huyết, trong đó đã có 3 người tử vong. Cụ thể thì 2 ca người lớn mắc sốt xuất huyết tử vong ở Củ Chi và Bình Tân, ca tử vong còn lại là trường hợp bé nhỏ ở Tân Phú.
Hoặc một trường hợp tử vong khác ở người lớn do sốt xuất huyết là một bệnh nhân nam 36 tuổi ở Vũng Tàu). Nguyên nhân chính gây tử vong là do người bệnh chủ quan và tự ý điều trị tại nhà. Sau 1 tuần thì bệnh trở nặng và người bệnh rơi vào trạng thái nguy kịch như nôn ói, chóng mặt, rối loạn máu đông... dẫn đến sốc sốt xuất huyết và tổn thương đa cơ quan.
Theo các chuyên gia y tế thì ở người trưởng thành, bệnh sốt xuất huyết thường ít gây nguy hiểm cũng như ít biến chứng như ở trẻ em. Tuy nhiên, đa phần người lớn thường có tâm lý chủ quan, lơ là với các dấu hiệu bệnh, không nghĩ mình mắc bệnh nên khi đến bệnh viện khám thì bệnh đã trở nặng.
Thậm chí, nguy hiểm hơn là có nhiều người lớn đã biết mình mắc bệnh sốt xuất huyết nhưng vẫn chủ quan không điều trị kịp thời và đúng cách. Bởi ai cũng cho rằng cơ thể người lớn không yếu ớt như trẻ em, đủ sức đề kháng để chống lại bệnh. Tuy nhiên, việc chủ quan tự ý điều trị bệnh tại nhà lại là một trong những nguyên nhân lớn gây tử vong cao đối với các ca mắc sốt xuất huyết ở người lớn.
Mặc khác, đối với những người lớn sẵn có bệnh nền như xuất huyết dạ dày, các bệnh lý về gan, thận, tim mạch, rối loạn đông máu, béo phì, tiểu đường... thì khi mắc sốt xuất huyết thường có nguy cơ tử vong cao hơn.
Theo các bác sĩ thì điều nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết chính là bệnh chỉ trở nặng sau khi người bệnh đã hết sốt, thông thường khoảng ngày thứ 3 sau khi phát bệnh. Và khi cảm thấy cơ thể hết sốt thì đa phần người bệnh đều nghĩ bệnh đã thuyên giảm nên càng không đi đến các trung tâm y tế khám và chữa bệnh. Tuy nhiên, khi bệnh trở nặng có thể diễn biến rất nhanh gây các triệu chứng nguy hiểm như giảm tiểu cầu, suy thận, suy gan... Do đó, khi vừa mới phát hiện dấu hiệu bệnh như sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn, đau khớp và cơ thì bạn cần đi khám và điều trị nhanh chóng.
Source (Nguồn tham khảo): MSN