Giữa dòng đời xô bồ, ngày ngày phải đối mặt với những deadline, những hợp đồng, rồi những mối lo toan về cơm ăn áo mặc…, con người ta đôi lúc lại ao ước về một cuộc sống bình dị thôi, nhưng tự do tự tại, hoà mình vào thiên nhiên. Thời thanh xuân rồi sẽ qua, có lẽ bởi vậy mà những cuộc sống giản dị, "mình về quê nuôi cá và trồng thêm rau" lại trở thành điều xa xỉ mà nhiều người ao ước có được. Nghĩ rằng từ phố về quê hay lên núi sống thì dễ lắm, nhưng được bao nhiêu người trẻ tuổi có đủ dũng khí và dám làm theo điều mà mình muốn? Có lẽ bởi vậy mà khi có một cô gái tuổi đôi mươi rời khỏi phố thị nhộn nhịp để về ẩn cư ở Sa Pa, người ta bỗng thấy sao mà mạnh mẽ thế, sao mà có đủ dũng khí vậy?
Từ công việc làm thiết kế ở một thành phố lớn, gác lại mọi thứ để lên núi sống, ngày ngày ra ruộng hái rau, lên rừng hái quả, chơi đùa với lũ trẻ vùng cao, cùng đi cấy lúa với người dân bản địa… Cuộc sống đó cứ dần dần gắn với cô gái Tâm An một cách nhẹ nhàng, dần dần trở thành điều quen thuộc như hơi thở.
Tâm An - cái tên bình dị, an yên như chính con người và cuộc sống của cô gái này. Trước đây, Tâm An cũng từng sống một cuộc sống nơi thành phố nhộn nhịp, ngày ngày làm công việc của một designer. Như bao người khác, cô cũng cuốn theo những vòng xoáy deadline, ngày ngày đến công ty, tối về dù trong giấc ngủ vẫn không thôi nghĩ về công việc và sớm mai lại bắt đầu một ngày bận rộn. Thỉnh thoảng cuối tuần thì có thể cùng bạn bè đi xem phim, cà phê tám chuyện...
Thế nhưng một ngày, mọi thứ bỗng rẽ theo một hướng hoàn toàn khác. Từ một lời đề nghị, cô lại quyết định lên Sa Pa.
Rời phố thị lên núi ẩn cư, đâu đó Sa Pa có một cô gái đang ngày ngày làm nên cảm hứng về cuộc sống an yên trong căn bếp trên đỉnh đồi
Sau vài năm lặp đi lặp lại, dù vẫn rất yêu thích công việc thiết kế, nhưng Tâm An luôn đau đáu một suy nghĩ muốn trở về quê hương ở Đắk Lắk để được gần hơn với bố mẹ và khởi đầu một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, là sở thích và cũng là dự định của cô.
Giữa lúc đang chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng cho chuyến trở về, lời đề nghị từ một người bạn bỗng làm Tâm An suy nghĩ lại. Là lời đề nghị lên Sa Pa, nơi còn cách xa quê hương cô hơn cả Hà Nội. Sự băn khoăn nhanh chóng bị vùi lấp bởi những lời của ba. Ba cô nói Tây Bắc đẹp lắm, ba cũng rất yêu Tây Bắc, đi đâu chứ lên Tây Bắc thì ba ủng hộ.
Thế là sau một ngày, Tâm An rẽ hướng đến Sa Pa, một vùng đất còn rất mới mẻ với cô, để bắt đầu một cuộc sống khác: đến gần với thiên nhiên, tự do tự tại, được làm những việc mình thích và chẳng phải nghĩ ngợi gì nhiều…
Nói đến Sa Pa, người ta thường sẽ nghĩ ngay đến một thị trấn nhộn nhịp đang ngày càng phát triển, du khách đến ngày một đông hơn. Thế nhưng, nơi Tâm An đặt chân đến là một bản nhỏ của người H'Mông ở Ý Linh Hồ, xã Lao Chải, huyện Sa Pa. Nơi đó có những ngôi nhà sàn nằm tít trên đỉnh đồi, nhìn xuống thung lung Mường Hoa, nơi con sông Mường Hoa bắt đầu từ những khe suối nhỏ từ đỉnh núi Fansipan chảy xuống…
Ban đầu, cô đến đây với mục đích làm quản gia cho căn homestay nho nhỏ của một người bạn. Lúc mới đến, mọi thứ vẫn còn bỡ ngỡ. Cuộc sống tự cung tự cấp bắt đầu từ đó. Tự ra ruộng hái rau, lên rừng hái quả, rồi tự xới đất trồng rau sau nhà, tự làm đậu để ăn, đến mùa thì cấy lúa ở những thửa ruộng bậc thang phụ giúp dân bản… Thiên nhiên ưu ái con người, núi rừng Tây Bắc ưu ái Tâm An, dần dà, mọi thứ trở thành nếp sống quen thuộc từ lúc nào…
Những clip ghi lại cuộc sống thường ngày của Tâm An sau khi lên Sa Pa sống (Nguồn clip: Bếp Trên Đỉnh Đồi)
Bước vào một cuộc sống mới, dù là cuộc sống thế nào thì cũng không tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ. Và Tâm An cũng vậy… Khi mới lên sống ở Sa Pa, chưa kịp quen biết ai, sự tủi thân nhiều lúc khiến cô có suy nghĩ muốn bỏ về. Những do dự giữa quyết định về hay ở lại cứ quẩn quanh trong đầu liên tục trong những tháng ngày đầu khi cô đến Tây Bắc. Cho đến thời điểm mà dường như mong muốn trở về đã lên rất cao, thì một câu chuyện đã khiến cô đưa ra quyết định 100% là ở lại mà không nghĩ ngợi gì thêm nữa.
Đó chính là nhờ lũ trẻ vùng cao.
Những ngày đầu đến Lao Chải, những người đầu tiên ở đây mà cô quen biết lại chính là tụi nhỏ này. Bọn trẻ xuất hiện, rồi cứ thể ở lại trong cuộc đời Tâm An, tự nhiên như hơi thở của núi rừng.
Đứa 5 tuổi, đứa 3 tuổi, có đứa học lớp 5, lớp 6, có đứa chỉ mới sinh được khoảng 3 tháng… Lũ trẻ con chân chất, mộc mạc như chính bản làng Tây Bắc vậy.
Lúc đó, có lẽ sự xuất hiện của một người lạ là điều thu hút đối với bọn trẻ, khiến chúng tò mò kéo đến. Rồi họ quen nhau. Nói chuyện cùng nhau. Cô Tâm An, người mà lũ trẻ thường gọi bằng cái tên rất mộc mạc: “cô Lang” ngày ngày dạy chúng đàn hát, làm cho chúng các món ăn. Còn bọn trẻ thì quây quần ở đó, coi như nhà mình, coi cô Lang như người thân, khi cô Lang cần gì thì lại giúp đỡ…
Giữa lúc băn khoăn giữa việc ở lại hay trở về nhất, thì bọn trẻ lại xuất hiện như một điều kì diệu. Đó là một buổi tối mùa đông mưa phùn, trời lạnh căm, khi Tâm An cực nhọc ôm những thanh củi từ dưới dốc lên nhà để dùng sưởi trong mùa đông. Cả một xe tải củi được chở đến và sẽ đi ngay trong chiều nên cô buộc phải vận chuyển hết trong tối hôm đó, nếu không củi sẽ bị mưa làm cho ướt hết. Bao nhiêu sự tủi thân được dịp kéo đến.
“Thời tiết Sa Pa lúc ấy lạnh lắm, chỉ khoảng 7 độ C thôi. Sương mù xung quanh dày đặc mà lại còn mưa phùn lâm thâm nữa. Lúc ấy chị tủi thân lắm! Chị tự hỏi là tại sao mình lại lên đây và tại sao mình lại sống một cuộc sống như thế này? Tâm lý đấu tranh và chị đã nghĩ đến chuyện sẽ bỏ về”…
Mới được 3 chuyến mang củi lên thì bọn trẻ đã tụ tập đầy nhà vì hôm nay đến lịch dạy đàn hát cho chúng. Cô Tâm An đành xin dời lịch sang hôm sau bởi những chuyến củi còn đang chờ cô ở dưới con dốc. Lũ trẻ cũng ngậm ngùi ra về…
Thế nhưng, khi Tâm An đi xuống đồi để mang những chuyến củi tiếp theo thì một cảnh tượng đập vào mắt khiến Tâm An tự nhiên oà khóc: giữa con dốc trơn trượt đất bùn, trong cơn mưa lạnh căm căm, cái lạnh cắt da cắt thịt trên đỉnh đồi, bọn trẻ đang ôm những thanh củi từ dưới dốc đi lên, mang vào nhà cho cô. Đứa lớn bê 2 - 3 thanh, đứa nhỏ bê 1 thanh, đến những đứa 3 - 4 tuổi cũng ra giúp đỡ. Sự xuất hiện đột ngột của tụi nhỏ trong cơn mưa phùn mùa đông khiến Tâm An xúc động và bật khóc. Giây phút đó, cô đã thật sự quyết định là sẽ ở lại nơi đây.
“Lúc đó, chị mới cảm nhận được sao tình cảm của tụi nhỏ ở đây ngây thơ quá, trong sáng quá, tốt bụng quá. Rồi lại tự trách mình là chưa kịp hiểu gì về chúng nó. Sự quyết định của chị chính là vào lúc đó”.
Cơ duyên để Tâm An làm nên những clip nấu nướng đậm chất núi rừng cũng rất tình cờ. Khi chuẩn bị lên Sa Pa sống, cô được một người bạn tặng cho chiếc máy ảnh. Thế rồi trong những tháng ngày sống tại đây, cô nảy ra suy nghĩ rằng tại sao mình không dùng chiếc máy ảnh đó để ghi lại cuộc sống hàng ngày của mình, xem như đó là một kỷ niệm.
Nghĩ là làm, bằng những kiến thức của mình khi còn làm công việc thiết kế, rồi tự mày mò tìm hiểu thêm, Tâm An đã cho ra đời những thước phim về hình ảnh cuộc sống giản dị trên đỉnh đồi, với những món ăn do chính tay cô làm, cũng là cuộc sống quen thuộc của cô ở nơi này.
Và thế, kênh youtube với những clip giản dị, mộc mạc, không sắp xếp cầu kì hay dàn dựng hoành tráng được ra đời. Tất cả chỉ đơn giản là: hôm nay làm gì thì đặt máy quay lại. Sau đó, mọi thứ cũng được chính Tâm An tự ghép lại theo cách mà cô tự học được trên mạng.
Cứ thế, người ta dần biết đến một cô gái trẻ với những clip ngày ngày lên rừng hái quả về làm bánh làm mứt, tự làm đậu bằng những dụng cụ do chính mình tạo ra, hay lên rẫy bẻ ngô về làm các món ăn cho tụi nhỏ… Những tưởng rằng câu chuyện về một người trẻ rời thành phố lên núi sống chỉ có trong phim, hay thực hơn là ở những đất nước xa xôi nào đó, nhưng đây, ngay chính lại vùng Tây Bắc này, cũng đang có một cô gái như vậy.
Làm clip nấu ăn giờ đây vừa là niềm vui, vừa là sở thích của Tâm An (Nguồn clip: Bếp Trên Đỉnh Đồi)
Thế rồi vượt xa mục đích ghi lại cuộc sống hàng ngày, đi khỏi mục đích muốn chia sẻ với mọi người về cuộc sống của mình, điều mà Tâm An có lẽ chẳng bao giờ nghĩ tới, đó là sản phẩm của cô lại trở thành niềm yêu thích và tạo nguồn cảm hứng cho người khác.
Khi những bế tắc của cuộc sống cứ tích tụ, áp lực chồng chất lên áp lực, có những người gần như rơi vào trầm cảm, thì việc xem được clip về cuộc sống nơi núi rừng của một cô gái trẻ lại khiến tâm trạng tốt hơn rất nhiều. Rồi có những người tìm đến Tâm An để hỏi han, để chia sẻ những chuyện mà họ đang gặp phải, đơn giản chỉ là được người khác lắng nghe… Người ta thắc mắc vì sao Tâm An có đủ dũng khí để rời khỏi thành phố, vì sao có đủ nghị lực để lên núi sống cuộc sống giản dị như vậy… Lâu dần, những chia sẻ của Tâm An lại trở thành niềm cảm hứng cho rất nhiều người.
Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, rằng có định sống mãi như thế này không hay còn có kế hoạch nào khác, Tâm An chỉ khẽ cười bảo: “Chị chỉ muốn sống cho hiện tại thôi, chưa suy nghĩ gì về tương lai xa xôi”. Rồi cô còn đùa: “Chị thấy những cái dự định chị đặt ra là tôi phải đi đến nơi này, tôi phải làm cái này cái kia thì lại khó thành hiện thực. Sau đấy chị không dự định gì mà cứ thuận theo tự nhiên thì lại thuận lợi”.
Tháng 11/2018, từ khi những thửa ruộng bậc thang còn đang trơ gốc rạ, Tâm An về đó với sự bồi hồi, lạ lẫm. Cho đến khi tất cả được phủ xanh bởi mạ non, rồi lúa chín vàng lúc vào mùa…, cô vẫn ở đó với một tâm hồn trong trẻo đến lạ.
Ở nơi đây, dù không có được sự hiện đại như hồi ở thành phố, dù có đôi lúc thấy nhớ vì sống xa gia đình, xa ba mẹ, nhưng Tâm An lại có được tình cảm của lũ trẻ vùng cao, của bà con H’Mông xung quanh.
“Mấy đứa nhỏ ở đây dễ thương lắm! Có những đứa 3 - 4 tuổi thôi cũng rất thích học hát. Hàng ngày tụi nhỏ lên đây chơi, lên học hát rồi thỉnh thoảng chị nấu ăn cho chúng nó. Khi có việc gì thì tất cả cùng chạy lại: Cô ơi cô có cần chúng con giúp gì không?”…
Rồi bà con hàng xóm xung quanh cũng dần dần gắn kết nhau hơn. Thiếu gạo thì có người mang cho. Lúc ốm thì có bà xuống đánh cảm cho. Mọi người thân thiết và gắn kết với nhau như một gia đình.
“Tình cảm của mọi người là điều khiến chị cảm thấy yêu nơi này nhất. Có thể là núi rừng tươi đẹp, là thiên nhiên hùng vĩ cũng khiến chị thích thú, nhưng quan trọng nhất vẫn là tình cảm của bà con làng xóm và của tụi nhỏ”.
Lại một vụ mùa nữa lại đến, những cánh đồng đang được phủ một màu xanh ngắt của lúa vào đòng, cũng đã 8 tháng mà Tâm An đến sống ở nơi này. Có lẽ, sẽ rất nhiều người đặt ra câu hỏi rằng cô gái này sẽ sống cuộc sống ở núi rừng như vậy được bao lâu nữa. Nhưng kệ đi, bởi cuộc đời này ngắn lắm, sao không sống cho hiện tại như Tâm An. Miễn sao mình cảm thấy hạnh phúc, tâm mình cảm thấy an yên là được, phải không?