Clip: Người phụ nữ nghèo mắc bệnh ung thư vẫn lạc quan với cuộc đời
“May mắn vì mình nghèo nên không có thời gian để nghĩ đến bệnh”
Đường Tam Trinh, một ngày thời tiết không mấy thuận lợi...
Chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thùy Nhung (SN 1991, Hà Nội) - bệnh nhân ung thư hạch cổ. Biết tới chị qua một series trên Tiktok, cảm nhận đầu tiên về chị là tinh thần lạc quan cùng lòng nhân hậu.
Dù những giọt nước mắt vẫn chẳng thể nhịn mà rơi xuống trước nghịch cảnh của bản thân, nhưng từ câu chuyện như việc hai vợ chồng cùng làm sẵn chiếc "giá kê loa" nhỏ - nơi sau này có lẽ sẽ trở thành nơi đặt di ảnh của chị hay về ước mong mỗi ngày chỉ là đi được đơn hàng kiếm phụ chồng đồng rau đồng cháo ngay khi mắc căn bệnh hiểm nghèo... cũng khiến trái tim nhiều người động lòng trắc ẩn.
Để vào tới nhà chị Nhung từ trục đường chính, phải đi qua hai con ngõ. Ngôi nhà nhỏ nằm cuối ngõ, trên một lô đất thổ canh đã được bố mẹ chồng chị Nhung mua lại cách đây không lâu. Đến với gia đình vào giờ cơm trưa, dù mâm cơm chỉ đơn giản với hai món mặn và một món rau nhưng có lẽ, những điều hạnh phúc giản đơn này, lại là động lực để chị Nhung tiếp tục sống một cách thật trọn vẹn.
Phần hạch ở cổ khá lớn khiến chị Nhung không thể nói chuyện một cách dễ dàng. Vậy nhưng, chị vẫn sẵn lòng tâm sự thật nhiều về cuộc sống của mình. Tưởng như mỗi điều nhỏ nhặt từng ngày, đều là những thứ chị muốn lưu lại vĩnh viễn. Chị kể:
"Chồng mình làm xe ôm ở cổng Bệnh viện Bạch Mai, em cũng làm xe ôm nhưng không đi chở người mà đi chở hàng là chính. Chở đồ điện, giấy ăn… hay khi đi qua các cửa hàng mà người ta nhờ là mình chở."
Căn nhà nhỏ của gia đình chị Nhung
Chiếc xe máy vợ chồng chị vẫn đi làm mỗi ngày
Vợ chồng chị Nhung đều làm nghề chạy xe ôm là vậy. Tuy nhiên, do nhà chỉ có duy nhất một chiếc xe máy làm công cụ kiếm sống nên hai vợ chồng phải chia nhau ca sáng ca chiều.
Anh Cường, chồng chị Nhung, năm nay đã 47 tuổi, tất bật với công cuộc mưu sinh từ 5 giờ sáng, đến trưa về lại phải đưa bố mẹ đẻ đi điều trị tiểu đường. Lúc rảnh rỗi, anh lại phụ vợ làm các công việc nhà cửa trông con. Chị Nhung chia sẻ, anh Cường - chồng chị là đầu bếp chính trong nhà.
Nhìn khung cảnh bình dị mà ấm êm của gia đình nhỏ, không ai nghĩ tới chuyện tình của anh chị đã trải qua biết bao biến cố. Anh Cường và chị Nhung là mối tình đầu của nhau. Vậy nhưng, do sự ngăn cấm từ gia đình, hai người buộc phải chia xa. Nhưng rồi sau mười mấy năm gặp lại, sợi dây định mệnh một lần nữa kéo hai anh chị lại thật gần.
Anh Cường là người vẫn ở bên chị Nhung sau tất cả
"Ngày bé, Nhung mười lăm, mười sáu tuổi đã yêu mình. Nhưng bố Nhung cấm không cho lấy nên mình mới đi lấy vợ, Nhung cũng đi lấy chồng. Mười hai năm sau gặp lại thì Nhung bỏ chồng được mấy năm rồi. Vợ cũ của mình cũng vỡ nợ bỏ đi. Thế là lại quay về ở với nhau và có một bé con chung. Nhung có hai đứa con riêng, mình có một đứa riêng” - anh Cường chia sẻ.
Trớ trêu thay, hạnh phúc chẳng tày gang. Chị Nhung phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư quái ác.
“Hôm đầu tiên vợ chồng mình đưa nhau vào viện là tháng 9 năm 2021. Chiều hôm đấy trời mưa lắm. Trong nhà còn 230 nghìn đồng. Bác sĩ bảo nộp như này thì làm mỗi giấy xét nghiệm thôi chứ làm gì được. Vậy nên mình mới gọi cho dì ruột vay 1,5 triệu đồng viện phí.
Sau khi làm xong xét nghiệm máu và đi siêu âm thì mình chuyển thẳng lên tầng 5 khoa ung bướu nằm luôn. Nằm trên đấy khoảng 2 tuần thì mới biết:
“À, thì ra trên này chỉ dành cho những bệnh nhân nằm chờ mất”.”
Bàng hoàng nhận ra căn bệnh quái ác đang ngự trị nhưng với chị Nhung, nỗi lo cơm áo gạo tiền cho bầy con thơ mỗi ngày vẫn quan trọng hơn tất thảy:
“Cũng chỉ biết bệnh ung thư đấy nhưng kệ đi, đi làm đã. Biết bệnh xong không phải có thời gian nghĩ đến bệnh mà ngồi khóc đâu. Hai vợ chồng đều run rẩy chân tay, hoang mang vài giây thôi nhưng nhận ra chiều nay vẫn phải đi làm.”
Đối diện với bệnh tình mỗi lúc một nghiêm trọng, khối u mỗi lúc một sưng to, nỗi đau tựa như "vết bỏng bị dội nước sôi", chị Nhung cũng chỉ có thể nghẹn ngào, gạt tất cả sang một bên bởi cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn chẳng thể cho chị thời gian nghĩ đến cái đau.
Đau đớn về thể xác, khó khăn về kinh tế chồng chất thêm bao nhọc nhằn là vậy, nhưng chị lại nghĩ bản thân "may mắn" chính nhờ cái nghèo này:
"Thật ra nói không đau thì không phải, nhưng mà cuộc sống hàng ngày không cho phép mình nghĩ tới nỗi đau đó. Đau thì mình có thuốc hoặc vào viện tiêm. Cứ uống đỡ đau thì mình lại đi làm. Nên cũng cảm thấy may mắn vì mình nghèo nên không có thời gian để nghĩ đến bệnh nên thôi cũng kệ."
Lạc quan đến mức cảm thấy “may mắn” giữa nghịch cảnh là vậy nhưng khi nghĩ đến những đứa con thơ, chị Nhung chẳng thể ngăn nổi những giọt nước mắt cứ thế lăn dài.
Con gái lớn nhất của chị mới sinh năm 2010 và đã nghỉ học mấy tháng nay. Lý do là bởi bé muốn thật sớm đi làm, thật sớm trưởng thành để có thể tự lo, không chỉ cho chính bản thân mình cho đàn em thơ nhỏ dại nếu mẹ không may qua đời. Chẳng ai có thể nghĩ tới, một đứa bé 13, 14 tuổi, lại suy nghĩ nhiều tới vậy.
"Nghỉ học cứ nghĩ là xin việc làm dễ nhưng bây giờ mới có 13 tuổi, không chỗ nào người ta dám nhận vì cháu chưa đủ tuổi lao động. Cháu hiện ở với bà ngoại bên Tân Mai, chỉ thuê một căn nhà có 9 mét vuông thôi. Hàng ngày cháu vẫn đi chở hàng được. 50.000 - 60.000 đồng gì đó lại đưa bà để đi chợ."
Vài chục ngàn mỗi ngày, chính là điều chị Nhung có thể làm cho đứa con gái nhỏ nhưng đã sớm phải suy tính bao chuyện "cơm ăn áo mặc" mỗi ngày của mình.
Bé thứ hai đang ở với chồng cũ của chị và ông bà nội ở Quốc Oai (Hà Nội). May mắn bé vẫn đi học bình thường, tuy nhiên, chị lại ít có cơ hội được gặp con. Không phải bởi sự ngăn cấm từ nhà chồng mà bởi bản thân chị khi gặp lại chẳng thể mua cho con đồng quà tấm bánh.
“Thằng thứ hai hè năm ngoái đến bây giờ chưa được gặp. Không phải ông bà không cho gặp, chỉ vì hoàn cảnh của mình không có điều kiện. Ví dụ con lên thì mình mua cho con hộp bánh, hộp sữa chẳng hạn. Nhưng vì mình không có tiền nên không bảo bố cháu chở lên thôi...” - chị Nhung khóc nghẹn, chẳng thể nói hết câu.
Ngày biết bệnh, chị Nhung chẳng dám nói cho bố mẹ biết. Theo chị, có nói cũng chỉ khiến mọi người thêm lo lắng và tủi thân vì không có tiền cho con chữa bệnh. Thế nhưng do bệnh tình dày vò, quá đau đớn mà nhà lại neo người, chị đành phải tìm đến mẹ ruột.
Gia đình của chị Nhung
“Khi mình báo bố mẹ, mẹ cũng chỉ biết nắm tay mà khóc thôi chứ không nói được gì cả vì nhà mình quá nghèo. Bố mình chỉ nói bố biết con nằm viện nhưng bố cũng không có tiền. Ngày đấy mình tủi thân lắm.”
May mắn, chị Nhung vẫn còn anh Cường và tình yêu của anh là “liều thuốc” tinh thần giúp chị có thể phần nào vượt qua những nỗi tủi hổ, đắng cay trong đời. Ngay cả khi biết chị đã mắc phải căn bệnh “thập tử nhất sinh”, anh vẫn kiên quyết muốn cùng chị có được danh nghĩa “vợ - chồng” mà xuân thời đã bỏ lỡ.
“Tết vừa rồi, anh ấy dắt mình đi làm đăng ký kết hôn. Thật tâm mình không muốn làm gì cả. Mình biết mình sẽ chết, nếu kết hôn anh ấy sẽ là người phải lấy giấy chứng tử ở phường. Mình không muốn anh ấy có một giấy tờ gì liên quan đến mình cả.
Nhưng anh ấy chỉ nói rằng, giờ em bệnh, anh không lo được gì cho em. Làm giấy đăng ký kết hôn để sau này có thế nào thì khi em mất, anh vẫn có thể đứng lên lo cho em với danh nghĩa người chồng.
Đến giờ mình vẫn cảm thấy rất may mắn mình nghèo như vậy, bệnh như vậy nhưng anh ấy vẫn thương mình.”
Trong buổi gặp mặt ngắn ngùi, chị Nhung liên tục khẳng định mình vẫn khỏe và vẫn có thể lao động. Thế nhưng đằng sau nụ cười gượng và khuôn mặt rạng rỡ ấy là biết bao nỗi niềm lo lắng cho những người ở lại.
“Đến hôm vừa rồi, cách đây khoảng 10 ngày, mình cảm thấy khối u này chèn ra sau gáy rồi đấy, chắc không còn lâu nữa đâu. Mình là giai đoạn 4A rồi. Hôm vừa rồi trị xạ, bác sĩ nói đây là con đường cụt, cơ thể mình không đáp ứng được hoá chất. Nhưng gia đình mình vẫn đến để xin trị xạ đấy chứ.
Mình thì không còn tương lai nữa nhưng không biết tương lai ba mẹ với các con như nào. Mình không còn cơ hội nghĩ đến tương lai các con nữa…”
Chẳng thể lo cho tương lai lâu dài của con, có lẽ chẳng thể chứng kiến các con đến ngày trưởng thành khôn lớn, chị chỉ mong bản thân có thể lo cho những người ở lại một vài thứ thật gần, để cuộc sống đỡ phần nào gánh nặng, cũng coi như hoàn thành một phần tâm nguyện cuối đời.
“Mình chỉ mong đi làm có tiền đóng cho mẹ một năm tiền nhà, thế thôi. Mong các con khoẻ mạnh, ngoan ngoãn. Đỡ đần cho chồng mình một chút. Cứ cố gắng có đơn, đi gửi hàng. Ví dụ hôm nay mình kiếm được 100 nghìn đồng đưa cho chồng là anh ấy đỡ lo được 100 nghìn đồng tiền ăn, như thế là mình mãn nguyện.
Ai cũng có lòng tham, có mong muốn nhưng với bản thân mình bây giờ làm gì có thời gian để tham những điều khác nữa.”
Câu chuyện về chị Nhung cùng gia đình nhỏ chắc chắn sẽ khiến nhiều người thấy nghẹn ngào bởi những điều bế tắc, khó khăn trong cuộc đời. Vậy nhưng, tình yêu, sự lạc quan của chị cho dù phải đối diện với "con đường cụt" phía trước vẫn có thể mang đến biết bao hy vọng, cổ vũ cho chúng ta sống trọn vẹn mỗi ngày.