Chắc chắn bạn đã từng nghe đến làng gốm Bát Tràng, đây là một làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Hà Nội với lịch sử hình thành, phát triển hơn 600 năm tuổi. Nơi đây trở thành một nhân chứng lịch sử, gắn liền với nhiều câu chuyện từ thời xa xưa. Tất cả tạo nên vẻ đẹp rất riêng cũng như ý nghĩa trong từng sản phẩm được làm bởi các nghệ nhân tại làng.
Bát Tràng nổi tiếng với các mặt hàng gốm sứ và đất nung. Tuy nhiên, khi xã hội ngày một phát triển, nhiều công việc, ngành nghề hiện đại ra đời đã ảnh hưởng không nhỏ tới làng gốm Bát Tràng.
Trước tình hình ấy, chị Hà Thị Vinh - con cháu đời thứ 15 thuộc dòng họ làm nghề gốm lâu nhất ở Bát Tràng quyết định xây dựng một công trình được gọi là “trung tâm tinh hoa làng nghề Việt”, để tôn vinh tổ nghiệp quê hương và bảo tồn, giữ gìn những giá trị tinh hoa văn hóa của làng nghề làm gốm. Công trình được chị và gia đình dồn rất nhiều tâm huyết với tổng vốn đầu tư lên đến 150 tỷ đồng và thời gian xây dựng gần 3 năm.
Bảo tàng có diện tích khoảng 3.700 m2, với tầm nhìn ra dòng kênh Bắc Hưng Hải ở thôn 5, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Nơi này nằm khá gần làng gốm Bát Tràng, cách trung tâm Thủ đô khoảng 20km.
Công trình nổi bật bên các tòa nhà cao tầng đơn giản
Khi bước chân vào bảo tàng, điều ấn tượng nhất mà bạn chắc chắn sẽ chú ý chính là thiết kế hình xoắn ốc khổng lồ. Thiết kế này được lý giải rằng: Đây là hình ảnh được lấy cảm hứng từ những chiếc bàn xoay dùng để vuốt và tạo hình các sản phẩm gốm, với những mặt cong đa diện uốn lượn mềm mại, tự do và quấn quýt lấy nhau, tạo thành một “kiệt tác” độc nhất vô nhị, vừa ấn tượng, vừa độc đáo và thể hiện hoàn hảo được cái hồn của thiết kế.
Về tổng thể, bảo tàng có màu nâu đất nung là tone màu chủ đạo, đây cũng là màu sắc đặc trưng của những viên gạch nung, mái ngói cổ truyền, mang đến cảm giác vừa cổ kính lại xen lẫn hiện đại. Với thiết kế độc đáo này, phần khung phải sử dụng bê tông cốt thép sợi tuyến tính mỏng có tải trọng không lớn nhưng lại có thể chịu được lực một cách rất hiệu quả để tạo độ cong mềm mại trong tổng thể. Bên cạnh đó, những sản phẩm đặc trưng của làng gốm Bát Tràng cũng được tận dụng vô cùng hiệu quả để tạo nên những khung cảnh rất riêng.
Về tổng thể, bảo tàng có tổng cộng 3 tầng vô cùng đồ sộ, nên để khám phá hết mọi ngõ ngách trong này, bạn có thể sẽ phải mất khá nhiều thời gian. Cụ thể, tầng 1 là “quảng trường gốm” – nơi dành riêng cho các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng trưng bày những tác phẩm tâm đắc nhất của mình để khách tham quan chiêm ngưỡng. Bên cạnh đó, với thiết kế không gian mở rất rộng nên nơi này cũng có thể tận dụng để tổ chức các chương trình, sự kiện lớn hoặc festival văn hóa cổ truyền,…
Còn tầng 2 và tầng 3 là trung tâm của bảo tàng gốm Bát Tràng. Đây là nơi trưng bày các tác phẩm gốm nghệ thuật gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng gốm Bát Tràng. Khi đến đây, bạn có thể chiêm ngưỡng được đầy đủ các dòng men từ cổ đại đến hiện đại, cảm nhận sự thay đổi về màu sắc, hình dáng cũng như các họa tiết trang trí… Từ đó, bạn sẽ có một cái nhìn tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển của làng nghề Bát Tràng.
Trải nghiệm mua hoặc đấu giá các sản phẩm tại bảo tàng
Để cảm nhận được trọn vẹn cái hồn cũng như sự khó khăn, tâm huyết trong từng sản phẩm gốm thì bạn nhất định phải mua một món đồ về. Bạn có thể mua trực tiếp hoặc tham gia đấu giá để rinh về cho mình được sản phẩm ưng ý và có ý nghĩa.
Đây cũng là cơ hội để bạn hiểu rõ hơn về các sản phẩm gốm Bát Tràng, từ các công đoạn thực hiện đến trang trí và ý nghĩa của những họa tiết đó. Vì vậy, đừng bỏ qua cơ hội tham gia để trải nghiệm.
Thưởng thức cà phê sân thượng
Tầng trên cùng của bảo tàng được thiết kế khá đặc biệt, là một quán cà phê ngoài trời với quy mô khá lớn, yên tĩnh với tầm nhìn vô cùng đẹp. Xung quanh được đặt khá nhiều chậu cây xanh tươi, tạo cảm giác thoải mái, giàu sức sống cũng như điểm nhấn sau khi khách hàng đã tham quan bên dưới.
Đứng từ tầng này, bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng sông Bắc Hưng Hải hiền hòa phía trước, cảm nhận chân thực những làn gió mát lạnh để đánh bay mọi khó khăn, áp lực và mệt mỏi của những ngày qua.