"Các bác ơi, nhà hàng nào xinh xắn ở TP.HCM tổ chức tiệc được khoảng 60-70 người không? Gợi ý giúp tôi, sắp YEP công ty mà tìm đỏ mắt chưa ra!"
"Công ty đang "đòi" ý tưởng YEP, đau đầu quá nên cầu cứu cộng đồng đây ạ!"
"Mọi người biết shop nào bán đồ xinh xắn, giá mềm ở Sài Gòn không? Cuối năm bận bù đầu nhưng đi tiệc không thể xuề xoà được."
Khi những bài đăng "cầu cứu" nhan nhản trên cõi mạng kèm cụm từ YEP (Year End Party), đó là dấu hiệu cho mùa tiệc gói ghém lại một năm cho các công ty thường rầm rộ mỗi tháng 11, 12 và cũng là nguồn cơn cho mọi hỉ nộ ái ố.
"Hỉ" khi đây là dịp để "lên đồ", "lên make-up" sắc lẹm khác với giao diện công sở thường ngày, nhận đãi ngộ hoành tráng của công ty. Song song, "nộ" cũng hiện hình trong loạt tâm trạng từ khâu chuẩn bị đến "trẩy hội" khiến cả HR lẫn nhân viên đều "xanh xao" mặt mày với những khoảnh khắc mệt mỏi chẳng ai muốn nhắc tới, đúc kết trong câu nói "Rất sợ đi YEP công ty!" hoặc trong hành động tìm kiếm 1001 lý do để không tham dự.
"Vắt não" nghĩ ý tưởng sự kiện chỉ là một phần bé trong loạt "tam tai" của hội văn phòng mùa kết năm. Vẫn còn nhiều những tình huống dở khóc dở cười khác khó gỡ rối hơn việc nặn ra ý tưởng rất nhiều lần được hội nhân viên chia sẻ ngay trong "tâm bão" YEP.
Đa phần hội nhân viên công sở cùng chung ý nghĩ: Thứ khiến chúng ta mệt mỏi nhất về YEP chính là… văn nghệ. Thông thường trong YEP, mỗi phòng ban đều được giao chuẩn bị một tiết mục, thi để giành giải với nhau, nhưng "thế khó" bất chấp tuổi tác, cấp bậc chính là ít ai muốn trình diễn trên sân khấu trước mặt đồng nghiệp. Chính điều này biến những cuộc thảo luận, chuẩn bị trước YEP mất đi mục đích gắn kết mà trở thành nơi châm ngòi cho ấn tượng không tốt giữa các thế hệ nhân viên trong công ty.
Phương Quỳnh (SN 1999, nhân viên biên dịch tại TP.HCM) cho biết: "Mình từng nói chuyện phiếm với đồng nghiệp về sở thích nhảy cổ động (cheerleading). Thế là tự nhiên trong buổi họp thảo luận YEP cùng công ty, mình được chị trưởng phòng HR giao nhiệm vụ chuẩn bị văn nghệ. Trình diễn với đội chuyên của mình là cảm giác khác hoàn toàn với việc diễn trước các đồng nghiệp trong công ty. Ngại lắm! Đã từ chối khéo nhưng không được, cảm giác nếu mình từ chối hơn nữa thì mình sẽ tự làm khó mình."
Quỳnh kể rằng trong công ty, không chỉ có YEP mà các dịp như tiệc sinh nhật, tiệc tổng kết quý… những nhân viên trẻ thường được đề xuất "gồng gánh" các tiết mục cây nhà lá vườn vì được mặc định là "trẻ là phải sung". Nhận thì cảm giác như bị ép, cũng không dám cãi lại ý kiến của các anh chị lớn hơn. Kết quả là những buổi tập như phần trách nhiệm không công mà còn khó làm hơn công việc ở công ty: "Các bạn trẻ khác trong công ty vừa ít, vừa chưa hiểu nhau nên quá trình tập không mấy vui vẻ. Cảm giác như một hội "hướng nội" bất đắc dĩ phải vào vai hướng ngoại để biểu diễn trước hàng chục, hàng trăm người ấy. Từ sau đợt này mình cũng không dám nói nhiều về sở thích của bản thân nữa luôn." - Quỳnh nói.
Chuyện tương tự cũng xảy ra với Minh Ngọc (SN 2003, thực tập sinh PR tại TP.HCM). Với bạn, việc phải dành thời gian ở lại công ty mỗi ngày và thậm chí là vào cuối tuần cực một phần, thì nghe đánh giá của đồng nghiệp lại cực gấp mười lần:
"Vì các anh chị lớn bận công việc quan trọng hơn nên thực tập sinh được giao phần lên ý tưởng và biên bài văn nghệ kịch. Mình ngại diễn trước mọi người lắm nhưng vẫn bỏ tiền túi thuê đạo cụ vượt ngoài budget và đi tập đến 9 giờ 9 rưỡi tối. Kết quả là từ phần tập đến phần diễn, ý tưởng bị feedback tơi bời bởi cả những người tham gia và người xem. Mình có cảm giác bị tủi thân dù đã hoan hỉ chấp nhận việc không ai muốn làm."
Phương Thu (SN 1997, nhân viên nhân sự tại TP.HCM) xác nhận: "Gu của các bạn trẻ bây giờ không phải là văn nghệ ì đùng nữa mà là nghỉ dưỡng. Cũng là lý do vì sao dạo gần đây các mô hình workshop vẽ tranh, làm gốm, cắm hoa cho doanh nghiệp, hay tắm hơi Hàn Quốc (jimjilbang) phát triển đến thế. Vai trò của HR là cố gắng dung hòa nhu cầu giữa nhiều thế hệ trong văn phòng, nhưng không phải lúc nào trình lên cũng được chấp nhận."
Họp bàn ý tưởng, luyện tập văn nghệ, hậu cần cho sự kiện đều phải được hoàn thành song song với công việc chính, trùng hợp với mùa cao điểm báo cáo tổng kết khiến dân công sở không khỏi than trời.
"Một tiết mục văn nghệ vỏn vẹn 7 người mà mãi chưa tập được vì một nửa bận đi "chữa lành" cuối năm ở Đà Lạt, người thì phải đi công tác triền miên vì mùa bận cuối năm mà. Thế là sau áp lực công việc lại còn có áp lực không biết bao giờ mới tập xong bài đây?" - Phương Thu kể lại về tình hình thực tế chuẩn bị cho YEP. Vì người muốn tham gia đã ít, nên để vận động họ toàn tâm toàn ý luyện tập thực sự là bài toán khó.
"Công ty mình đã tranh thủ tổ chức YEP sớm vào cuối tháng 11 để "né" lúc campaign Giáng Sinh lên sóng, cũng làm vào giữa tuần để cho nhân viên nghỉ ngơi. Xui rủi thế nào đúng lúc đang làm campaign…Tết cho khách hàng và các công ty khác vẫn trong tâm thế làm việc. Ngày hôm đó, bàn tiệc 10 người thì phải có đến 4-5 người tranh thủ cầm máy ra check mail feedback từ "thượng đế." - Hà Thư (SN 2001, nhân viên thiết kế tại Hà Nội) kể về khung cảnh dở khóc dở cười tại tiệc.
Với bạn, việc này phần nào khiến cảm giác tận hưởng YEP không được trọn vẹn. "Thành thật mà nói, làm vậy cũng chẳng hay và sếp cũng không ép, nhưng không xong công việc, thì tâm lý chung đều là bất an cơ mà!" - Bạn chia sẻ thêm.
Về phía Phương Thu, bạn đúc kết: "Cứ như vậy, tinh thần mọi người mang đến YEP không còn là để tham dự tiệc, thư giãn chốt lại một năm ở công ty nữa, mà như bị "quần" cho đau đầu nhức óc từ những task nội bộ đến task bên ngoài. Những hoạt động giao lưu công ty như thế này vốn đã "kén" vì chỉ dành cho những công ty có văn hoá gắn kết ngay từ đầu. Dưới góc độ của HR, mình thấy những năm gần đây cũng đầy rẫy những nơi bỏ tổ chức YEP, thay bằng phong bì, rất hợp cho những doanh nghiệp bận rộn. Hoặc là tổ chức dưới dạng gala dinner, thuê được đội tổ chức chuyên nghiệp thì sẽ phần nào giảm tải cho nhân viên".