Rạp chiếu phim đã mở lại, nhưng sự lên ngôi của Netflix giữa mùa Covid-19 vẫn khó có cửa khiến điện ảnh “lụi tàn"!

Hạnh Moon - Minh Trang, Theo Trí Thức Trẻ 09:42 11/05/2020

Khán giả có thể tạm quên rạp chiếu phim trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng họ không thể nào từ bỏ hoàn toàn một trải nghiệm chất lượng, hoành tráng mà chỉ rạp chiếu phim mới có thể mang lại.

Ngày 09/05, các rạp chiếu phim trên cả nước đã chính thức hoạt động trở lại sau đợt cách ly toàn xã hội để phòng chống Covid-19. Mặc dù “người người nhà nhà" háo hức được trở lại cuộc sống bình thường với những buổi hẹn hò nơi đông người, nhưng liệu rạp chiếu phim có thực sự “hồi sinh" nhanh đến thế? Nhất là khi hàng loạt những tác phẩm bom tấn bị dời lịch chiếu, nỗi e sợ về việc virus Corona bùng phát vẫn còn len lỏi trong lòng nhiều khán giả và Netflix thì lên ngôi mạnh mẽ.

Netflix lên ngôi giữa mùa Covid-19, “ngày tàn” của điện ảnh đã cận kề?

Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng nổ trên toàn thế giới, kéo theo hàng loạt những hệ quả nghiêm trọng không chỉ về sức khỏe con người, mà còn là sự ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và mọi hoạt động kinh tế. Từ ngày 15/3, Việt Nam đã thực hiện cách ly toàn xã hội và đóng cửa tất cả các tụ điểm giải trí, trong đó có các rạp chiếu phim trên cả nước. Theo thống kê của CGV, tháng 3/2019, hệ thống rạp cả nước thu hút 5 triệu lượt khách với doanh thu 350 tỷ đồng nhưng tới tháng 3/2020, hệ thống rạp cả nước chỉ còn 1 triệu lượt khách với doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn 75 tỷ đồng.

Ở Mỹ, một trong những “vùng đất hứa" của điện ảnh thế giới với số lượng rạp chiếu phim lớn nhất nhì, cũng không thể tránh khỏi sự ảnh hưởng của virus Corona. Tháng 3 vừa qua, Performance Research - một công ty nghiên cứu về sự kiện của Mỹ đã thực hiện cuộc khảo sát với 1000 khán giả. 44% người được hỏi cho biết họ sẽ hạn chế đến rạp chiếu phim và 47% đồng ý rằng việc đi đến các địa điểm công cộng, sự kiện giải trí đã khiến họ lo sợ trong một thời gian dài. Chưa dừng lại ở đó, có đến 66% người được khảo sát cho biết dù đại dịch Covid-19 lắng xuống, họ cũng không có ý định đến rạp chiếu phim thường xuyên như trước.

Sáu tháng tiếp theo chắc chắn sẽ là sáu tháng khó khăn nhất trong lịch sử rạp chiếu phim vì trong chiến tranh chúng ta vẫn có thể quay phim, khán giả vẫn đi xem phim. Nhưng trong dịch bệnh, chúng tôi bắt buộc phải ngồi yên.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Phó Tổng giám đốc Công ty BHD

Rạp chiếu phim phải đóng cửa, ngành điện ảnh cũng phải “chịu trận” và cùng đứng yên giữa đại dịch. Những phim Việt dự kiến ra mắt trong năm nay như “Bí Mật Của Gió", “Chị Mười Ba", “Trạng Tí", “Lật Mặt 5”... đều đồng loạt dời lịch chiếu. Phim trong nước đã vậy, phim bom tấn trên thế giới cũng không “khá khẩm" hơn là mấy khi “Black Widow", “Wonder Woman 1984” và “The Eternals" đều chưa thể ra rạp. Thêm vào đó, diễn biến phức tạp của virus Corona cũng khiến lịch quay phim không thể diễn ra như dự kiến ban đầu của nhà sản xuất nên việc khan hiếm phim khi phòng vé hoạt động trở lại sẽ trở thành điều tất yếu.

Eric Han, một nhà phân tích của MKM Partners cho biết: “Chưa bao giờ xảy ra tình trạng như thế này”; “Nỗi sợ hãi của những điều chưa biết trước không bao giờ có lợi cho giá cổ phiếu cả. Chúng tôi sẽ trở lại trạng thái bình thường vào một lúc nào đó, nhưng ngay khi chúng tôi đánh bật được nỗi sợ này, thì một nỗi đau gần ngay trước mắt sắp ập đến”.

Phim Việt hay phim bom tấn đều chịu chung số phận bị hoãn chiếu, dời lịch.

Những nhà đầu tư nhất trí rằng, trong nửa đầu tháng 3, các công ty kiểm soát chuỗi 5 rạp chiếu phim lớn nhất Bắc Mỹ đã mất hơn một nửa giá trị thị trường. Cổ phiếu của công ty AMC Entertainment đã sụt giảm 58%. Cineworld - công ty sở hữu chuỗi rạp Regal và thu mua Cineplex ở Canada - cũng đã rớt giá cổ phiếu gần 76%. Những công ty khác gắn liền với phát hành phim cũng trải qua thiệt hại tương tự: Imax đã giảm 41% và công ty quảng cáo điện ảnh National CineMedia cũng đã bị tụt giá 60%. Hàng trăm triệu đô tiền vé xem phim đã bị thất thu trên toàn thế giới.

Trong khi ngành điện ảnh và rạp chiếu phim bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh Covide-19, Netflix - một trong những nền tảng xem video trực tuyến, bao gồm phim ảnh và các chương trình truyền hình lại lên ngôi. Không thể ra ngoài đi làm hay đi chơi, trong những ngày “work from home", tất cả mọi người đã “đổ xô" đi tìm cho mình một tài khoản Netflix để “cày” phim. Chưa bao giờ, khái niệm “Netflix and chill" lại được phổ biến rộng rãi đến thế, trong khi trước đây, mức phí từ 180 - 260 nghìn đồng cho một tài khoản Netflix đối với người dùng Việt Nam vẫn còn khá lớn.

Không thể ra ngoài đi làm hay đi chơi, trong những ngày “work from home", tất cả mọi người đã “đổ xô" đi tìm cho mình một tài khoản Netflix để “cày” phim.

Cine | Kenh14

Netflix có phải một trải nghiệm đáng tiền đến mức khán giả sẽ bỏ quên rạp chiếu phim?

Theo phân tích của Nielsen, lượt xem trên các dịch vụ streaming của khách hàng ở Mỹ đã tiếp tục tăng trưởng trong tháng 3 này. Vào 3 tuần đầu tiên của tháng 3/2020, tổng số phút stream trên TV ước tính lên đến 400 tỷ, tăng 85% so với giai đoạn 3 tuần tương ứng trong năm 2019. Netflix có tỷ lệ chia sẻ video trực tuyến lớn nhất trên TV trong số các dịch vụ, chiếm 29% tổng số phút phát trực tuyến được xem trong tuần từ ngày 16/3, theo sau là Youtube với 20%, Hulu ở mức 10% và Amazon Prime Video ở mức 9%. Giữa “tâm dịch", khi hàng loạt công ty lớn nhỏ lao đao vì vấn đề tài chính, Netflix chiếm lĩnh thị trường với mức tăng trưởng ổn định và thu hút thêm hàng nghìn khách hàng mới bấm nút “sign in" mỗi ngày.

Rich Greenfield, người sáng lập công ty nghiên cứu truyền thông LightShed Partners đã dự đoán rằng tình hình gián đoạn hiện tại sẽ đẩy nhanh tốc độ của dịch vụ phát trực tuyến: “Hành vi của người xem đã hoàn toàn thay đổi, nhưng điều này lại là một cú đạp nhấn ga tăng tốc. Hiện nay, các hãng phim đang nghĩ nhiều hơn về lý do tại sao họ đang phải phụ thuộc vào bên thứ 3 trong việc phân phối nội dung như vậy”.

Phong phú về thể loại, chất lượng hình ảnh tốt, cập nhập nhanh chóng hầu hết những bộ phim đình đám nhất, Netflix đã từng bước chiếm trọn niềm tin của người dùng.

Cine | Kenh14

Trên mạng xã hội, các fanpage lớn bắt đầu chuyển sang “review" những bộ phim đáng xem trên Netflix, trong khi cộng đồng mạng cũng sôi nổi bàn tán về các series đình đám. Nếu như trước đây, việc dành thời gian để xem hết một series phim lên đến 2, 3, mỗi mùa lại thêm cả chục tập là điều bất khả thi đối với nhiều người thì giữa mùa Covid-19, những series như “Money Heist", “Sex Education"... đã chiếm trọn vị trí Top Trending trên Netflix Việt Nam. Thời gian cách ly xã hội cũng là thời điểm vàng để khán giả xem lại những phim truyền hình Hàn Quốc chưa bao giờ hết “hot" như “Reply 1988” hay “Hạ Cánh Nơi Anh", “Tầng Lớp Itaewon"...

Phong phú về thể loại, chất lượng hình ảnh tốt, cập nhập nhanh chóng hầu hết những bộ phim đình đám nhất, Netflix đã từng bước chiếm trọn niềm tin của người dùng. Khác với rạp chiếu phim sẽ bị ảnh hưởng bởi khán giả không thể ra ngoài, hay không có phim điện ảnh mới để công chiếu trên màn ảnh lớn, Netflix có nhiều sự lựa chọn đa dạng hơn: phim cũ, phim mới và thậm chí là phim đoạt giải Oscar, Cannes. Không cần phải đắn đo mua một tấm vé thì chọn phim nào cho xứng đáng, Netflix như một bàn tiệc đa sắc màu, bày sẵn mọi thứ và trao cho khán giả quyền lựa chọn thỏa thích qua một thao tác “click chuột" quá đơn giản, gọn nhẹ.

Ở Netflix, những trải nghiệm mới luôn rộng mở và khán giả có quyền được thử tất cả các thể loại mà trước đây họ chưa từng xem.

Cine | Kenh14

Tác giả Richard Newby của tờ Hollywood Reporter chia sẻ: “Tôi nghĩ đa số chúng ta sẽ nhận ra được rằng tình trạng này dễ chịu hơn rất nhiều nếu cho bản thân mình cơ hội học hỏi điều mới mẻ, tận dụng thói quen xem phim của mình như một cách thức mở rộng cho bản thân. Việc quyết định mình sẽ xem gì ở một nền tảng trực tuyến như Netflix không nhất thiết phải giống như một điều mệt mỏi phải làm hằng ngày. Và bạn vẫn có thể cảm thấy thoải mái khi xem “The Avengers” (2012) tới 19 lần”.

“Xem một cái gì đó mới mẻ sẽ làm giảm thiểu việc tiếp xúc xã hội và giúp chúng ta tránh được chuyện phát điên lên khi ở nhà. Bây giờ là lúc tốt nhất để chúng ta xem hết những gì bị trì hoãn trước đó, từ một lễ trao giải kéo dài 3 tiếng đến một bộ phim bom tấn được quảng cáo và phê bình dở tệ. Việc xem phim, cho dù là xem một mình, cũng chính là một cuộc trò chuyện mà ở đó, chúng ta trao cơ hội cho nội tâm mình và nhìn nhận lại thị hiếu cá nhân của mỗi người" - Mike Barnes, phóng viên của New York Times bình luận.

Bên cạnh đó, Netflix không đơn thuần là một nền tảng xem trực tuyến, phát lại những bộ phim được chiếu trên TV mà còn trực tiếp sản xuất hàng loạt bộ phim chất lượng. Một số bộ phim thuộc dòng “Netflix Original” (bản gốc Netflix, độc quyền bởi Netflix) đã trở thành siêu phẩm được nhiều người quan tâm như “Extracurricular”, “Black Mirror", “Stranger Things"... Ở Netflix, những trải nghiệm mới luôn rộng mở và khán giả có quyền được thử tất cả các thể loại mà trước đây họ chưa từng xem.

Ở Netflix, những trải nghiệm mới luôn rộng mở và khán giả có quyền được thử tất cả các thể loại mà trước đây họ chưa từng xem.

Cine | Kenh14

Không thể phủ nhận những lợi ích của Netflix và cơ hội phát triển mà nền tảng này mở ra cho điện ảnh. Netflix đã tạo cơ hội cho những tác phẩm hay nhưng không có nhiều cơ hội ở phòng vé đến gần hơn với khán giả. Giống như nhận định của Giám đốc điều hành hãng phim Amazon: “Có một cơ hội to lớn cho những thể loại phim khác, như những bộ phim hò hẹn buổi đêm đầy gợi cảm nhưng bị “lép vế” trong ngành điện ảnh, như bộ phim “No Way Out” hay “Basic Instinct”.

Tuy nhiên, những bộ phim được phát sóng trên Netflix vẫn chủ yếu là phim truyền hình và điện ảnh độc lập, không có quá nhiều bom tấn. Và thực chất một số tác phẩm trên Netflix vẫn được sản xuất theo dạng “direct-to-video”, nhắm thẳng đến nhu cầu thưởng thức tại nhà. Khán giả không thể nào có một trải nghiệm tuyệt vời và đầy cảm xúc nếu chỉ xem “Avengers: Endgame" trên màn hình TV hay máy tính, điện thoại của mình.

Netflix mở ra một cơ hội to lớn cho những thể loại phim bị “lép vế” trong ngành điện ảnh.

Cine | Kenh14

Rạp chiếu phim đã trở thành một văn hoá lâu đời, một trải nghiệm khó thay thế

Mặc dù được ưu ái nhờ những tiện ích tuyệt vời như vậy, Netflix vẫn không đủ sức thay thế hoàn toàn rạp chiếu phim. Điện ảnh có thể đang chao đảo giữa “tâm bão" Covid-19, nhưng đó chỉ là một giai đoạn tạm thời để các nhà làm phim có cơ hội nhìn ra xu hướng của thị trường, để họ chuẩn bị kỹ càng hơn cho tác phẩm của mình. Khán giả có thể tạm quên đi rạp chiếu phim trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng họ không thể nào từ bỏ hoàn toàn một trải nghiệm chất lượng, hoành tráng mà chỉ rạp chiếu phim mới có thể mang lại.

Xuất hiện từ năm 1949, rạp chiếu phim đã trải qua lịch sử hình thành và phát triển kéo dài hơn 70 năm và dần trở thành một văn hóa không thể thiếu trong đời sống của con người. Không đơn thuần là một nơi để công chiếu những bộ phim điện ảnh, rạp chiếu phim còn là một địa điểm hẹn hò lý tưởng cho các cặp đôi, là nơi những người trẻ gặp gỡ mỗi dịp cuối tuần. Việc thưởng thức một bộ phim với hàng chục đến hàng trăm người xung quanh, cùng màn hình lớn và bắp rang bơ vẫn là một trải nghiệm không thể nào thay thế hay biến mất hoàn toàn.

Cuối năm 2019, một cuộc khảo sát do NATO (Hiệp hội các chủ sở hữu rạp chiếu phim) được ủy quyền bởi công ty tư vấn thống kê và kinh tế định lượng EY, cho thấy những người đến rạp thường xuyên nhất cũng chính là những “streamer” hoạt động tích cực nhất. Liệu rằng giới trẻ không thích xem phim trực tiếp và ghét việc dành ra hàng giờ đồng hồ trong một khán phòng mà ở đó mình không được phép sử dụng điện thoại để nhắn tin? Thực ra thì nó hoàn toàn ngược lại.

Rạp chiếu phim đã mở lại, nhưng sự lên ngôi của Netflix giữa mùa Covid-19 vẫn khó có cửa khiến điện ảnh “lụi tàn! - Ảnh 14.

Khán giả có thể tạm quên đi rạp chiếu phim trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng họ không thể nào từ bỏ hoàn toàn một trải nghiệm chất lượng, hoành tráng mà chỉ rạp chiếu phim mới có thể mang lại.

Cine | Kenh14

Ông Corcoran - chủ một rạp chiếu phim tại Mỹ nhận định: “Giới trẻ muốn được trải nghiệm. Họ muốn điều gì đó thú vị và vui vẻ. Khách hàng tiềm năng nhất của chúng tôi đó là những người trong độ tuổi từ 18 đến 34, đặc biệt là từ 18 đến 24 tuổi. Họ đến rạp thường xuyên nhất bởi vì họ có cuộc sống kết giao xã hội. Giới trẻ đi ra ngoài. Còn người lớn tuổi thì lại ở nhà".

Bên cạnh đó, tác giả Richard Newby chia sẻ: “Ngay khi tôi đang viết bài báo này thì tin tức “Black Widow” bị hoãn đã tràn lan khắp các mặt báo. Tôi nhận ra rằng trải nghiệm mà chúng ta dần mất đi sẽ không được tìm thấy lại trong một thời gian dài sắp tới. Các rạp chiếu phim đã bị đóng cửa và những chiếc máy thổi bỏng ngô đã nguội lạnh. Cũng giống như nhiều người khác, tôi không muốn đến rạp chiếu phim và thật sự lo lắng đến việc mình “mang” virus Corona về nhà. Nhưng tôi cũng không hề muốn xem những bộ phim mới ra nóng hổi qua video trong phòng ngủ của mình”.

Giống như những buổi concert, liveshow trực tiếp, rạp chiếu phim cũng là một nơi được thiết kế để đẩy mọi cảm xúc của người xem lên cao nhất, khiến họ tập trung vào tác phẩm đang được trình chiếu và đôi khi, để cảm xúc bị ảnh hưởng bởi những “reaction" (phản ứng) của những người xung quanh. Mua một tấm vé, xem phim tại rạp vẫn khiến chúng ta phấn khích, hào hứng hơn là khi ngồi một mình trên sô pha, hay nằm dài trên giường và uể oải theo dõi một bộ phim có thể bấm-nút-tắt bất kỳ lúc nào trên Netflix.