Chị Thu Hà (Hà Nội) kể, nghe truyền thông, báo đài nói nhiều về chuyện uống thuốc bừa bãi có thể nhập viện vì bệnh cúm nhưng không thực sự để ý, cho đến khi nhà mình có chuyện.
"Đây là sự cố đã xảy ra với em trai mình trong mấy ngày vừa qua. Mình chia sẻ lại câu chuyện để cảnh báo cho mọi người trong mùa cúm đang hoành hành", chị Hà cho hay.
Đống thuốc khiến em Hà run lẩy bẩy, phải nhập viện sau khi uống. (Ảnh: NVCC)
Những viên thuốc trong hình có thể quen thuộc với nhiều hay bị ho, sốt, sổ mũi. Cứ có hiện tượng như vừa kể là họ chạy ngay ra hiệu thuốc mua uống. Em trai chị Hà cũng vậy, ra hiệu thuốc gần nhà kể bệnh và được kê những loại như hình trên.
Nào ngờ, "thanh niên trai tráng khoẻ mạnh, uống thuốc xong thì run lẩy bẩy toàn thân, choáng váng phải đi viện cấp cứu". May mắn, đến hiện tại, tình trạng của cậu đã ổn.
"Mình đã nhờ bác sĩ xem giúp đống thuốc em đã uống. Bác sĩ bảo "uống chỗ thuốc này không thủng dạ dày là may", nghe xong hú hồn hú vía" , chị Hà nhớ lại.
Theo những gì bác sĩ phân tích cho chị Hà thì 5 loại thuốc trên hình gồm:
1. Dextromethorphan: Dextromethorphan hydrobromide là thuốc giảm ho có tác dụng lên trung tâm ho ở hành não. Nó có công thức hoá học giống như Morphine - thuốc thuộc nhóm giảm đau opioid, dùng để điều trị các cơn đau nặng.
2. Deflucol: Trong loại thuốc này chứa 3 thành phần:
- Dextromethorphan: Dùng cùng với loại thuốc thứ nhất có thể dẫn đến quá liều khi sử dụng.
- Paracetamol: Giảm đau, hạ sốt.
- Phenylephin: Làm co mạch máu, tăng huyết áp và chậm nhịp tim.
3. Mibelexin: Trong loại thuốc này chứa:
- Cephalexin: Kháng sinh.
4. Predsantyl: Loại thuốc này có:
- Methy prednisolone: Kháng viêm thuộc nhóm corticoid, đứng thứ 3 về độ mạnh trong nhóm corticoid, chỉ kém Dexa và Beta.
5. Viên màu hồng ( SINTASONE): Chứa 2 thành phần:
- Betamethason 0,25 mg: Corticoid hạng nặng.
- Dexchlorpheniramin maleat: Kháng histamin thế hệ 1, giảm các triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi.
Có thể người bán thì muốn bán cho bệnh nhân những loại liều cao để nhanh dứt các triệu chứng. Còn bệnh nhân thì cứ có bệnh là ra hiệu thuốc mua uống thay vì đi thăm khám cụ thể. Nghe bác sĩ phân tích, chị Hà rút ra bài học từ chính trường hợp là em trai mình: Đúng là dục tốc bất đạt!
Chị cũng muốn nhắn nhủ đến mọi người: "Đừng tự ý sử dụng thuốc khi bị ốm mà không hiểu về thuốc hoặc không có ai tư vấn!".
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo:
1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm, mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
6. Tiêm vắc-xin cúm mùa định kỳ hàng năm - biện pháp phòng ngừa cúm hiệu quả nhất.
7. Chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện ho, sốt, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu,... cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu được xác định mắc cúm cần được cách ly, đeo khẩu trang phòng lây nhiễm cho người khác.