"Dừng chiếu", "hoãn chiếu", "cấm chiếu", "đắp chiếu"... từ nào hầu như cũng mang nghĩa tiêu cực và cảm giác không vui vẻ lắm với các tác phẩm giải trí. Ở đây chúng ta tập trung vào phim. Phim bị dừng chiếu hay cấm chiếu tất nhiên là không phải chuyện vui rồi. À, trừ một số phim chưa kịp chiếu mà đã gây chướng tai gai mắt thì lại là chuyện khác. Còn lại gần như khi một bộ phim nào đó vướng phải tình trạng "... chiếu" này thì đúng thật là có nhiều chuyện để nói, nhiều thứ để viết.
Mùa hè năm nay đối với các khán giả Việt Nam mình sôi động hơn hẳn cũng là bởi hai sự vụ dừng chiếu này. Từ phim ngoại đến phim nội, vụ nào cũng ầm ĩ và kéo theo hàng loạt những thị phi không đáng có.
Có thể nói Quỳnh Búp Bê là một phim truyền hình đáng chú ý của Việt Nam trong năm nay. Đề tài gai góc, táo bạo khi tiếp cận thẳng thừng nạn mại dâm và khai thác cuộc sống sinh tồn bên trong những động chứa. Đáng lẽ đây đã là một bộ phim chất lượng, mới lạ và đầy tính thời sự, thậm chí có thể gây được tiếng vang, nếu nó không được chiếu trên một kênh thời sự ở khung giờ vàng.
VTV1 từ xưa đến nay đã được nhìn nhận mặc định là kênh truyền hình thời sự, nghiêm túc và có ảnh hưởng đến xã hội, cộng đồng. Thế nên việc Quỳnh Búp Bê - một bộ phim mang vấn đề thời sự - được phát sóng trên đài VTV1 đã vô tình trở thành một vấn đề. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng suy ra thì vẫn có cái lý của riêng nó. Khán giả xem đài chủ yếu là những người trung niên, quan tâm chuyện xã hội, chính trị, đạo đức nên việc họ "dị ứng" với cuộc đời cô gái mại dâm được đưa lên làm nữ chính cũng đúng thôi. Phim lại còn được phát sóng vào khung 21h đêm, giờ mà cả nhà sẽ ngồi trước tivi cùng với nhau, có cả trẻ em, nên sự phản ứng từ các bậc phụ huynh càng thêm dữ dội.
Suốt thời gian 3 tuần phát sóng (6 tập phim), có không ít lần khán giả lên tiếng về nội dung của Quỳnh Búp Bê quá nhạy cảm, nhiều chi tiết không phù hợp phát sóng trên giờ vàng ở một kênh thời sự. Nhà đài không thể cứ nhắm mắt bịt tai mà xem như không có trong thời đại internet thế này, chưa kể trách nhiệm về nội dung trên đài, nên đã ra quyết định tạm dừng phát sóng Quỳnh Búp Bê.
Ngay lập tức, thông tin trở thành tâm điểm và phân luồng dư luận. Bên "cánh hữu" tất nhiên ủng hộ việc bộ phim bị dừng phát sóng vì những lý do đã từng nêu. Thậm chí phe này còn mong muốn bộ phim bị cấm phát sóng. Trong khi đó phe "cánh tả", những người ủng hộ giá trị điện ảnh của bộ phim, bày tỏ sự luyến tiếc và kêu gọi một cách giải quyết khác.
Công bằng mà nói, bản thân Quỳnh Búp Bê không có tội. Nó giống như một đứa bé bị sinh nhầm chỗ, vừa chui ra khỏi bụng mẹ đã gặp sóng gió nên phải lật đật... chui ngược vào. Quan trọng vẫn là ở chỗ người mẹ có chịu đứng lên và tìm chỗ sanh khác chấp nhận dung chứa đứa con mình hay không mà thôi. Và những người sản xuất Quỳnh Búp Bê đã không bỏ cuộc. Họ đã chấp nhận rút lui, kiên nhẫn chờ đợi một cơ hội khác cho bộ phim.
Mới đây, Quỳnh Búp Bê đã được xác nhận sẽ trở lại truyền hình vào ngày 3/9, ngay khi một bộ phim khác kết thúc, vào lúc 22h trên VTV3. Có thể nói đây là một quyết định đúng đắn khi di dời bộ phim sang kênh chuyên dành cho giải trí, ở một khung giờ muộn hơn. Nếu như từ đầu Quỳnh Búp Bê chiếu khung giờ này, như Người Phán Xử đã từng, có lẽ đã không ồn ào.
Tuy nhiên, sự vụ đáng tiếc trên cũng đã mang đến một lượng khán giả "cơ hội" rất lớn cho bộ phim. Chắc chắn giờ đây nhiều người đã biết đến Quỳnh Búp Bê, tìm hiểu và xem thử vài tập đầu về nó để chuẩn bị đón chờ cho ngày được tái phát sóng. Rõ ràng đây không phải một chiêu bài PR của nhà sản xuất vì chẳng ai dám dại mà đùa với sóng truyền hình quốc gia cũng như cả một bộ phận xã hội. Chẳng qua sự cố này đã được xử lý êm đẹp, hoá dữ thành lành, ngẫm ra lại có lợi cho bộ phim.
Trái ngược với Quỳnh Búp Bê, Diên Hi Công Lược từ khi bắt đầu được mua bản quyền để phát hành ở Việt Nam chưa từng khiến người khác nghĩ sẽ có ngày bộ phim bị rơi vào tình trạng dừng chiếu.
Một tác phẩm cực "hot" ở Trung Quốc, bùng nổ ở Việt Nam chỉ sau vài ngày và nhanh chóng trở thành "cơn sốt" toàn quốc, lôi kéo rất nhiều những người chưa từng xem phim cung đấu vào cuộc. Có thể nói Diên Hi Công Lược như một phim truyền hình ngoại nhập chưa từng có tiền lệ, nhất là ở chỗ bộ phim được mua bản quyền và phát song song với Trung Quốc, khắc phục tình trạng tìm kiếm link lậu như những phim trước đó.
Thế nhưng càng chiếu, bộ phim càng gặp nhiều drama. Từ vụ tranh chấp tốc độ phát hành giữa hai đơn vị mua - bán ở Việt Nam đến việc Trung Quốc tăng thời lượng phát vì bị lộ kịch bản. Cứ mỗi một tuần trôi qua, Diên Hi Công Lược lại khiến người ta xào xáo vì lịch phát sóng. "Có tập mới chưa?", "Xem ở đâu là nhanh nhất?" chính là những câu hỏi nghe đến nhẵn tai khi nhắc đến bộ phim này.
Nhưng đỉnh điểm của mọi chuyện chính là lúc đài truyền hình HTV7 xuất hiện và phát sóng bản lồng tiếng, sau khi bản phụ đề đã phát được 3 tuần trên các kênh trực tuyến. Lấy lý do đồng bộ với diễn biến trên truyền hình, TKL - đơn vị giữ bản quyền gốc - đã quyết định dừng đăng tải những tập phim trực tuyến trên YouTube và các ứng dụng liên quan đã mua bản quyền như FPT Play, ZingTV.
Đang yên đang lành được xem phim phà phà ngang hàng nước bạn, tự dưng phải chờ đến 3 tuần mới được xem tiếp, phản ứng của khán giả nói chung tất nhiên là giận dữ. Thế là một cơ số người đã lên tiếng "ném đá" HTV chơi xấu, thậm chí là kéo vào Fanpage của nhà đài để... đánh sập!
Sự hung hãn của số đông luôn là thứ khó kiểm soát nhất, đặc biệt là khi bị đụng chạm quyền lợi. Quyền lợi ở đây chính là khi tất cả đang xem phim ngon lành như một thói quen, còn là xem hợp pháp thì bị giật mất "tô cơm" kia. Còn được dặn dò rằng cố ôm bụng đói mà chờ 3 tuần nữa sẽ được cho ăn tiếp. Kể cả là lý do gì, thì việc số đông phẫn nộ là có thể lý giải.
Nhưng lý giải được không có nghĩa là đúng. Đám đông phẫn nộ đến mờ lý trí, chửi nhà đài mà không biết mình đang chửi... bậy, rốt ráo tìm những nguồn phim lậu để xem cho đỡ thèm mà không biết là mình đang tiếp tay cho những hành động trái pháp luật được thuận tiện diễn ra. Nhưng, nhà phát hành gốc (ở đây là TKL) cũng có trách nhiệm khi không truyền đạt thông tin chính xác đến khán giả, dẫn theo một hệ luỵ tiêu cực từ những thông tin sai lệch.
Rất nhiều người đang cho rằng HTV7 là đơn vị mua bản quyền phim sau cùng, nhưng lại thích chơi xấu, cấm cản những đơn vị khác phát phim. Trong khi ngay từ đầu, TKL mua bản quyền Diên Hi Công Lược về Việt Nam là để chiếu trên HTV7, như cách mà họ vẫn hợp tác hơn 20 năm nay. Chẳng qua khâu lồng tiếng mất thời gian nên để đón đầu cơn sốt biết chắc sẽ nổ ra, TKL đã phát phim trực tuyến trong lúc chờ truyền hình lên sóng, cũng như bán quyền phát sóng ở những ứng dụng xem phim cho các bên liên quan. Cả làng cùng xem, ai thích lồng tiếng thì bật tivi, ai thích phụ đề thì xem trực tuyến.
Sẽ chẳng có vấn đề gì xảy ra nếu phía Trung Quốc không tăng lịch phát sóng lên 12 tập/tuần. Thế là tốc độ phát trực tuyến ở Việt Nam cũng phải chạy theo, trong khi lịch phát sóng trên truyền hình thì không thể nhanh hơn. Nhìn cả thế giới bàn tán về Diên Hi Công Lược, nhà đài đã sốt ruột, yêu cầu phía TKL hãy dừng phát sóng trực tuyến để truyền hình không mất đi độ hot.
Việc TKL nhượng bộ HTV7, gỡ phim khỏi các "địa hạt" trực tuyến là quyết định trong nội bộ, liên quan đến mua bán, làm ăn mà chúng ta không thể can thiệp. Nhưng, HTV7 không làm sai về nguyên tắc, TKL hay FPT Play cũng như thế. Vậy, chúng ta có thể phẫn nộ vì phim tạm dừng phát trực tuyến, nhưng đừng đem mọi việc suy diễn sai cách rồi đổ tội bậy bạ.
Mà suy diễn bậy bạ là vì đâu? Là vì chính những đơn vị mua bán không có sự thống nhất trong truyền thông để khán giả hiểu được bản chất vụ việc. Người thì muốn im lặng phô quyền, người thì tỏ vẻ thiệt thòi, người lại đứng giữa mà không có cách truyền đạt thoả đáng. Chuyện này chồng chuyện kia, dẫn đến náo loạn rồi trở thành một sự vụ khủng hoảng truyền thông ầm ĩ. Thậm chí kéo theo những thông tin xằng bậy nổ ra như phim bị cấm chiếu vĩnh viễn. Tất cả cũng chỉ vì cách im lặng không đúng lúc của những người có trách nhiệm, khiến đám đông đang đói khát thông tin phải tự bịa ra những lý do để thoả cái bực tức trong lòng.
Hiện tại, phía TKL đã xác nhận phim vẫn chiếu trên HTV7 theo lịch mỗi ngày 2 tập lúc 17h từ thứ Hai đến thứ Sáu. Còn các tập phim đã phát trực tuyến sẽ tạm thời gỡ bỏ để giải quyết các nguồn phát lậu, cũng như chờ sự đồng bộ với truyền hình.
Nói tóm lại thì bực dọc mà khán giả say mê Diên Hi Công Lược đang mang sẽ chưa thể mất đi trong nhất thời, khi mà họ vẫn phải nhịn cái cơn thèm phim lại. Chỉ hy vọng đợt khủng hoảng này mau chóng qua đi, khán giả cũng hiểu rõ hơn về các vấn đề khuất tất mà chờ đợi cách giải quyết hợp lý trong thời gian tới. Nói chung là mùa hè năm nay thật lắm thị phi xoay quanh phim ảnh, từ màn hình mà biến thành những vấn đề thời sự nóng bỏng tay.