Có hàng trăm bài viết, bài báo nói về vấn đề "sinh tồn nơi công sở". Và cái cốt lõi của việc sinh tồn thích nghi ấy chính là cách mà chúng ta đối nhân xử thế, là phép lịch sự. Nắm được cái "đuôi" của mỗi con người, chúng ta cứ yên tâm mà lao động, còn việc thị phi thì xin phép bước ra khỏi cửa.
Cái người ta nói nhiều là phép lịch sự giao tiếp, là cách làm việc, là teamwork, là cách tiếp nhận và trao đổi thông tin giữa nhân viên và sếp. Người ta nói hoài, nói mãi về vấn đề này, nên bây giờ mọi người cũng khéo léo cư xử với nhau hơn.
Tuy nhiên, có một phép lịch sự khác cần được cân nhắc nhưng lại ít người để ý. Đó là "phép lịch sự ăn trưa văn phòng", hay còn gọi nhanh là quy tắc lò vi sóng.
Cụ thể ra sao thì hãy theo dõi câu chuyện của tôi.
***
Lại một buổi sáng xinh đẹp của một ngày giữa tuần không có gì đáng để đợi trông, trong khi các đồng nghiệp nữ khác sẽ dậy thật sớm, băn khoăn nghĩ xem hôm nay mình sẽ mặc gì, đánh son màu gì, buộc tóc hay thả tóc, tôi cố gắng nằm thêm chút nữa và tự giữ mình bình tĩnh bằng ý nghĩ: mình chẳng có cái sự hào hứng đó với việc đi làm.
Công việc thì ngày nào chẳng lặp đi lặp lại như thế. Thức dậy, vệ sinh cá nhân, thay quần áo, trèo lên xe vật lộn với cơn tắc đường để đến công ty. Mở máy tính lên check mail, check tin nhắn Whatsapp và các ứng dụng phục vụ cho công việc khác trong khi chờ shipper mang cà phê và đồ ăn sáng tới.
Trong một chuỗi những hoạt động vô vị lặp đi lặp lại nơi công sở đó, có một câu hỏi duy nhất khiến tôi và không ít người đồng nghiệp khác phải băn khoăn.
Đó không phải là "Hôm nay người sếp khó tính đeo cà vạt màu gì, đi làm sớm hay muộn."
Mà phải là: "Hôm nay các anh chị phòng bên cho mình ăn mùi gì?".
Một trong những luật bất thành văn ở những nơi công cộng, bao gồm công sở, văn phòng là tối kị làm ảnh hưởng đến người khác bằng bất kỳ hình thức nào. Chúng ta nghe điện thoại ở nơi riêng tư chứ không phải oang oang giữa phòng. Chúng ta cố giữ mình không được có mùi lạ khi tiếp xúc với nhân loại. Và trên cả, chúng ta không hành hạ người khác bằng bất cứ mùi vị gì mang tính náo loạn khứu giác.
Tuy nhiên, công sở đang dần trở nên thân thiện, và nhiều người ngày càng yêu nơi công sở như ngôi nhà thứ hai của mình. Thế nên mặc xác các quy tắc, họ muốn tận hưởng sự thoải mái như đang có một day off ở chính nhà mình.
Một cô đồng nghiệp bàn bên hồn nhiên mang nửa quả sầu riêng đến tặng mọi người, quà từ chuyến đi miệt vườn của cô. Không phải tự nhiên mà người ta cấm mang cái thức quả này lên máy bay hay xe khách. Sầu riêng rất ngon, nó có vị trí nhất định trên bản đồ ẩm thực, nhưng tuyệt nhiên không phải văn phòng, hay công viên, hay một buổi gặp mặt nào đó với những người không mấy quen thân.
Nơi văn phòng cao ốc làm gì có cửa sổ để mà "mở ra cho thoáng"? Quanh năm suốt tháng bật điều hoà, cái mùi sầu riêng cứ quyến luyến chẳng rời cho đến tận mấy ngày sau đó, khi các cô nhân viên vệ sinh hì hục phun xịt trong sự cáu bẳn vì chẳng hiểu sao người ta lại đem sầu riêng lên văn phòng cho được.
Nhưng đây vẫn chưa phải là nỗi ác mộng kinh hoàng, vì nhiều người vẫn ý thức được quả sầu riêng nên thuộc về ngăn tủ lạnh cá nhân tại nhà.
Ác mộng thật sự phải nằm ở cái lò vi sóng.
Mời tua nhanh thời gian khắc Ngọ, khi các anh, các chị bắt đầu hì hục giở đồ ăn trưa đã chuẩn bị ở nhà để nạp lại năng lượng sau vài giờ làm việc mệt mỏi. Họ thay phiên nhau đi đến lò vì sóng, vì ai cũng muốn thưởng thức món ăn nóng hổi. Sự lạnh lẽo, nguội ngắt khiến họ cảm thấy chán chường với cuộc đời ngổn ngang giấy bút tài liệu. Và bữa tiệc của những mùi hương bắt đầu.
Thịt chưng mắm tép, cá khô, mực xào măng(? - tôi không hiểu tại sao họ có thể mang mực lên văn phòng), lâu lâu có cả chân giò giả cầy, rồi đến cả xôi chim, xôi xéo rắc đầy hành phi - mang về từ những bữa cỗ bàn cũng góp mặt trong chiếc lò vi sóng chung của văn phòng.
Thật tuyệt vời khi bạn đang bù đầu với đống báo cáo cùng hàng trăm con số đang nhảy tưng tưng trên bán cầu não trái thì các đồng nghiệp ngay lập tức vỗ về bạn bằng nồi cá kho.
Không chỉ đánh thức khứu giác và sự khó chịu của tất cả mọi người, cái mùi đó còn bám vào lò vi sóng - tài sản chung của cả phòng suốt một quãng thời gian dài sau đó và ảnh hưởng tới đồ ăn của những người khác.
Tôi hỏi bạn, bạn có khó chịu không khi đĩa su su luộc của bạn cũng đầy mùi giềng vì một chị đồng nghiệp nào đó thích ăn giả cầy?
Đó là chưa kể những người đã mất tiền đi ăn ở ngoài để giữ cho không gian làm việc được thoải mái, khi quay trở lại để tranh thủ chợp mắt 5 10 phút trước khi vào làm ca chiều, điều đầu tiên họ hỏi là: "Cái mùi gì thế?". Và cái mùi ấy sẽ ám bạn cho đến tận khi rời văn phòng, nhiều ngày sau đó nữa.
Chúng ta đón tiếp đối tác trong sự hân hoan của mực xào.
Chúng ta ký gia hạn hợp đồng dưới sự chứng kiến của cá khô, hay thịt chưng mắm tép.
Hoặc họp hành đốc thúc công việc bên một mâm cỗ đủ các món trên trời dưới biển chẳng liên quan gì nhau.
Ai cũng có cuộc sống riêng của mình, nhưng cái câu đó nên được thốt ra sau 6h chiều, khi tan sở và bạn không có nghĩa vụ ở trên văn phòng. Còn một khi đang sinh hoạt chung với hàng trăm con người khác, bạn nên biết kìm nén.
Cho tôi xem bạn mang gì đến văn phòng ăn trưa, tôi sẽ cho bạn biết tính cách của bạn.
Ăn uống bừa bãi, không dọn dẹp vì nghĩ đã có các cô lao công làm tất. Hay ăn đồ ăn có mùi (trong khi không phải ai cũng thích mùi đó), hay mang những bữa trưa sơn hào hải vị đến để hành hạ cái lò vi sóng nhưng đến công đoạn vệ sinh thì đúng là... lò chung không ai thèm dọn.
Cứ nghĩ đến việc đã có người từng bức xúc như thế khi ngửi thấy mùi đậu sốt cà chua hay sườn nướng mình đã từng mang đến công ty ăn, tôi quyết định... ra ngoài ăn cho tiện.
Tốn tiền một chút, nhưng chẳng may sắp đến giờ ăn trưa, có ai đó kêu lên: "Mùi quá!", tôi có thể thản nhiên rung đùi: "Không phải mình!".
Sau đây là một số Tip cho việc ăn trưa nơi công sở:
1. Không mang bất cứ cái gì có mùi lên văn phòng nếu văn phòng của bạn không có phòng ăn riêng biệt.
Thế thôi, hết rồi.