*Bài viết thể hiện quan điểm nuôi dạy con cái nhận được nhiều sự đồng tình của một phụ huynh ở Trung Quốc
Một đứa trẻ học lớp ba trong gia đình họ hàng của tôi đang theo học năm lớp học thêm cùng lúc: Tiếng Anh New Concept, piano, bóng rổ, guitar và vẽ. Cuối tuần của cháu được sắp kín lịch, không học ở lớp thì cũng đang trên đường đến lớp học thêm.
Mỗi lớp học đều tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ. Nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng "dốc cạn gia tài" để đầu tư cho giáo dục con cái, thậm chí có người rơi vào cảnh kiệt quệ tài chính. Nhưng liệu đây có phải là một lựa chọn sáng suốt? Trong giáo dục con cái, việc giành lợi thế sớm có thể mang lại thành công nhất thời, nhưng hậu quả tiêu cực có thể kéo dài suốt đời.
Ngày nay, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngày càng nhiều, dẫn đến quan niệm phổ biến rằng "bằng cấp đại học thông thường không còn đủ, các trường đại học danh tiếng là tiêu chuẩn, còn học thạc sĩ hay tiến sĩ mới là con đường thành công". Giáo dục không chỉ là việc học mà còn phải học giỏi hơn người khác.
Cuộc đua giáo dục ngày càng khốc liệt. Cha mẹ không chỉ muốn con có thành tích vượt trội mà còn phải đa tài. Vì thế, toán học nâng cao, tiếng Anh, văn hóa cổ truyền là những môn không thể thiếu; còn piano, bơi lội, vẽ, chế tạo mô hình hàng không, múa, lập trình là những kỹ năng "tô điểm" bắt buộc phải có.
Có thể nói, thế hệ trẻ ngày nay là những đứa trẻ giàu kỹ năng nhất, có lượng kiến thức phong phú nhất và tầm nhìn rộng nhất, nhưng đồng thời cũng là thế hệ có ít tự do nhất, ít niềm vui nhất và tuổi thơ ít trọn vẹn nhất.
Những năm qua, nhiều người đã vươn lên nhờ vào bằng cấp và hưởng lợi từ sự bùng nổ của thời đại. Nhiều bậc phụ huynh tin rằng chính giáo dục đã thay đổi vận mệnh của họ, giúp họ thăng tiến về địa vị xã hội. Nhưng thực tế, họ đã nhầm lẫn giữa lợi ích của thời đại và lợi ích của giáo dục.
Nhiều phụ huynh tin rằng chỉ cần con cái học hành chăm chỉ, chúng sẽ đạt được thành công như họ đã từng. Họ sợ rằng nếu con không nỗ lực, chúng sẽ bị đẩy xuống tầng lớp thấp hơn trong xã hội. Vì vậy, họ ép con học tập, không tiếc tiền đầu tư vào giáo dục.
Tuy nhiên, giáo dục phụ thuộc rất lớn vào tố chất và năng lực cá nhân của mỗi đứa trẻ. Không phải cứ đầu tư nhiều tiền là sẽ có kết quả tốt. Nếu một đứa trẻ có năng lực trung bình, dù cha mẹ có "ép học" thế nào, kết quả có thể chỉ mang lại sự thất vọng lớn hơn.
Sự thành công của thế hệ trước phần lớn đến từ lợi thế của thời đại, chứ không phải hoàn toàn từ giáo dục. Nhiều cha mẹ mong muốn sao chép con đường thành công của mình cho con cái, nhưng thời thế đã thay đổi, kinh nghiệm cũ không còn phù hợp.
Có gia đình bỏ ra hàng trăm triệu cho con đi du học, nhưng khi về nước chỉ kiếm được mức lương rất bình thường, thậm chí có thể không đủ để bù lại khoản tiền học phí đã bỏ ra. Giáo dục cần sự đầu tư, nhưng không phải cứ đầu tư càng nhiều là càng tốt. Cha mẹ cần đầu tư có chừng mực, "dốc cạn gia tài" vào giáo dục con cái là một quyết định sai lầm.
Ngày nay, trẻ em ngồi trong lớp học từ 7-8 giờ sáng đến 5h30 chiều, buổi tối làm bài tập đến 11h30. Cuối tuần lại bị các lớp học thêm chiếm hết thời gian. Không chỉ trong một ngày, mà là suốt 12 năm trời!
Nhiều bậc cha mẹ vì muốn con "chiếm lợi thế ngay từ vạch xuất phát", nên đã cho con đi học thêm từ khi mới 2-3 tuổi, hy sinh toàn bộ những năm tháng vô ưu của con, kéo dài thêm gánh nặng học hành lên đến 12 năm hoặc hơn.
Vì một khẩu hiệu "thắng từ vạch xuất phát", biết bao cha mẹ đã tiêu hết tiền bạc, tước đi thời gian vui chơi của con cái.
Họ tin rằng nếu bắt đầu sớm, chạy nhanh hơn, con sẽ có lợi thế. Nhưng thực tế, dùng chiến thuật chạy nước rút để thi đấu marathon chỉ khiến thất bại càng thêm cay đắng.
Một phụ huynh từng chia sẻ:
"Con tôi không tham gia học trước chương trình, nhưng vẫn đỗ vào lớp chọn của trường cấp ba danh tiếng. Tôi tận mắt chứng kiến những học sinh từng rất xuất sắc ở tiểu học và trung học cơ sở dần bị con tôi vượt qua. Những đứa trẻ vốn rất tự hào về thành tích của mình bỗng trở nên rụt rè, mất tự tin. Học trước chương trình có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ, dễ dẫn đến trầm cảm. Vì vậy, cha mẹ nên biết điểm dừng, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến con cái suốt đời".
Nhiều bậc cha mẹ sợ con mình "tụt lại phía sau", nên liên tục bắt con "chạy trước". Nhưng những đứa trẻ học trước càng sớm, lại càng dành nhiều thời gian cho việc học thuộc lòng, tích lũy kiến thức một cách máy móc. Điều này làm giảm khả năng tưởng tượng, tư duy sáng tạo, logic và đọc hiểu – những kỹ năng quan trọng nhất để thành công trong tương lai.
Trẻ học trước có thể tạm thời giành chiến thắng trong giai đoạn đầu, khiến cha mẹ cảm thấy tự hào. Nhưng đến một thời điểm nào đó, trẻ sẽ đánh mất niềm vui học tập và sự phát triển tự nhiên của mình. Khi đến độ tuổi cần học kỹ năng tự lập, chúng bận rộn với việc chơi đàn, đánh cờ, nhảy múa; khi cần phát triển kỹ năng giao tiếp, chúng lại chỉ biết chạy đua giữa các lớp học thêm; khi cần hình thành thế giới quan và mở rộng tầm nhìn, chúng chỉ lo giành giật điểm số và học bổng.
Hệ thống giáo dục này đang tạo ra nhân tài hay đang hủy hoại thế hệ trẻ? Câu trả lời có lẽ ai cũng biết.
Cha mẹ đầu tư cho con cái là điều đúng đắn, nhưng cần có sự cân nhắc và giới hạn hợp lý. Dốc cạn tài sản để đầu tư vào giáo dục con không phải là quyết định sáng suốt.
Việc nuôi dạy con cái cần tuân theo quy luật tự nhiên. Giành lợi thế sớm có thể giúp thắng nhất thời, nhưng hậu quả tiêu cực có thể kéo dài cả đời.