Chuyện về Trung Quốc và các hệ thống trí tuệ nhân tạo nhận diện khuôn mặt được lắp đặt khắp nơi đã không còn xa lạ, được công khai và đưa vào sử dụng từ lâu. Không chỉ được dùng để quản lý hành vi công dân, chúng cũng được dùng như những công cụ bình thường trong các nhu cầu quen thuộc như chấm công mỗi lần đến công ty để đi làm.
Những tưởng đó chỉ là một thao tác đơn giản hàng ngày và chẳng xảy ra sai sót gì được, thế nhưng đôi khi hiện đại quá cũng thành "hại điện", làm khổ anh chàng dở khóc dở cười sau đây.
Tuần vừa rồi, một người đàn ông tên Wang - nhân vật chính của câu chuyện - vẫn tới công ty đi làm chăm chỉ, dĩ nhiên là có chấm công bằng máy nhận diện khuôn mặt. Thay vì vân tay, khuôn mặt đã trở thành tiêu chuẩn mới cực kỳ phổ biến ở Trung Quốc từ lâu. Xui rủi thế nào, thanh niên Wang vừa không được máy công nhận, lại còn bị... nhầm sang tất cả những nhân viên khác một cách khó hiểu và chập mạch.
Máy chấm công bằng khuôn mặt liên tục nhầm Wang sang các đồng nghiệp khác khi ảnh đối chiếu của họ hiện lên một cách rối loạn trên máy.
Tất nhiên, Wang không có tội tình gì và cũng có thể được xác minh hộ ngay sau đó bởi bảo vệ hoặc đồng nghiệp xung quanh. Chỉ có điều, câu chuyện này đã trở thành một chủ đề bàn tán không ngớt trên mạng xã hội Trung Quốc, hầu hết đều rộ lên tin đồn đùa vui về một anh chàng có "mặt đại trà" quá mức, tới nỗi máy móc cũng nhầm loạn cả lên, không thể phân biệt nổi.
Bình luận về điều này, Viện Tiêu chuẩn Công nghệ Hoa Kỳ (NIST) cho biết chất lượng của những công cụ nhận diện khuôn mặt phổ biến ngày nay đã ổn hơn rất nhiều so với quá khứ. Trung bình, tốc độ của công nghệ hiện tại đã nhanh hơn 20 lần so với thời điểm năm 2014. Được biết, NIST chính là nơi sản sinh ra thước đo tiêu chuẩn chung cho các phát minh liên quan, trong đó Trung Quốc là một trong những nước được đánh giá cao nhất.
Công cụ nhận diện khuôn mặt đã được áp dụng lên hầu hết các con phố lớn ở Trung Quốc.
Dù vậy, không phải mọi thứ luôn hoàn hảo 100%. "Kể cả những bộ máy hay thuật toán nhận diện cao cấp cũng có lúc gặp sự cố, chẳng hạn như khi xử lý ảnh chất lượng kém, gặp trường hợp sinh đôi hay khuôn mặt lão hoá dần theo tuổi," trích lời đại diện NIST.
Các trường hợp tự hào về công nghệ nhận diện khuôn mặt để rồi "muối mặt" sau đó cũng không lạ lẫm trên toàn thế giới. Chẳng nói đâu xa, chính chiếc iPhone X vẻ vang của Apple khi mới ra mắt, hàng loạt các vụ Face ID nhận nhầm đồng nghiệp, người nhà cũng được báo cáo liên tục. Ở một diễn biến khác, công nghệ nhận diện của ông lớn Amazon cũng từng cả gan nhận nhầm gương mặt của 28 thành viên Quốc hội Mỹ thành các nghi phạm...
Được biết, máy chấm công nhận diện khuôn mặt ở công ty Wang được sản xuất bởi ZK Teco, với hàng loạt các sản phẩm tương tự rải rác ở tầm giá 30-450 USD. Phải chăng chiếc máy của công ty Wang hơi rẻ tiền và lạc hậu một chút nên mới dễ xảy ra lỗi trục trặc vậy nhỉ?