Qua thời “chỉ nghĩ đến thù lao”, nhiều dân văn phòng chấp nhận nghỉ việc, nhận mức lương thấp hơn tưởng tượng nếu đi làm nhưng không thấy niềm vui

Nguyệt, Theo Nhịp sống thị trường 10:02 12/07/2024
Chia sẻ

Giữa bão sa thải, nhiều người trẻ vẫn chấp nhận nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội phù hợp hơn.

“Đừng nghỉ việc lúc này” là lời khuyên mà nhiều dân văn phòng nhận được giữa bối cảnh bão sa thải diễn ra khắp nơi và kinh tế còn khó khăn. Song vẫn có những người đi ngược “xu hướng”, chọn cách rời khỏi công ty hiện tại, bất chấp mức lương có thể sụt giảm. Đặc biệt hơn, lý do khiến họ kiên quyết rời khỏi vị trí cũ không phải từ mức lương mà là không phù hợp với văn hóa và cách làm việc.

Chán cảnh đi làm nhưng không thấy niềm vui

Minh Hiền (26 tuổi, Hà Nội) nhớ lại, thời điểm cuối năm ngoái, cô nàng giống như biết bao dân văn phòng khác, chấp nhận ở lại công ty làm nốt vì muốn nhận lương thưởng tháng 13. Sau khi nhận thưởng Tết, cô kiên quyết nộp đơn xin nghỉ việc, mặc dù những người xung quanh đều khuyên nhủ Minh Hiền cần cân nhắc kỹ lưỡng với quyết định của mình.

Hiện, Minh Hiền đã bắt đầu làm việc ở công ty mới, với vị trí tương đương công ty cũ nhưng có mức lương thấp hơn. Song cô nàng hài lòng với lựa chọn này. Nhớ lại quyết định nộp đơn xin nghỉ việc ở chỗ làm cũ, Minh Hiền bày tỏ: “Thời điểm nghỉ việc, mình nhận ra bản thân không phù hợp với văn hóa công ty. Mình chán cảnh đi làm nhưng không tìm thấy niềm vui khi hợp tác cùng đồng nghiệp, sếp. Mình mệt mỏi với những cuộc nói chuyện xã giao và đấu đá ngầm ở công ty, cũng như các buổi đi ra ngoài uống rượu tiếp khách.

Bên cạnh đó, mình nhận ra người sếp hiện tại không giúp đỡ bản thân thăng tiến được chuyên môn. Do đó, dù có mức lương ổn định, mình vẫn sẵn sàng nộp đơn xin nghỉ việc luôn”.

Qua thời “chỉ nghĩ đến thù lao”, nhiều dân văn phòng chấp nhận nghỉ việc, nhận mức lương thấp hơn tưởng tượng nếu đi làm nhưng không thấy niềm vui - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Đồng quan điểm là Phạm Hân (29 tuổi, TP.HCM), một nhân viên ở tập đoàn đa quốc gia, từng kiếm được 25 triệu đồng/tháng ở công ty cũ. Cô nàng chia sẻ, môi trường ở công ty cũ khá tốt, song cô nàng ít nhận được động lực thăng tiến từ phía sếp. Do đó, kể cả phải chuyển sang môi trường có mức lương thấp hơn, Phạm Hân vẫn sẵn sàng rời bỏ vị trí ổn định đã gắn bó từ lâu, để tìm kiếm cơ hội mới.

Phạm Hân chia sẻ: “Ở công ty cũ, mình nghỉ việc vì… nhàn quá (cười). Đây là lời nói đùa mình chia sẻ cùng bạn thôi. Còn thực tế, mình đã gắn bó với công ty đủ lâu nên có thể hoàn thành công việc khá nhanh chóng, nên có nhiều thời gian rảnh. Sếp mình cũng không tạo sức ép lên nhân viên, do đó mình đi làm khá thoải mái, cứ 5h30 chiều là đóng máy đi về và ít khi phải trả lời tin nhắn công việc sau giờ hành chính.

Tuy nhiên, công việc thoải mái nhưng đổi lại là mình không nhìn thấy con đường thăng tiến về sau này. Tức kể cả 5 năm sau, nếu vẫn còn gắn bó ở công ty thì khả năng là công việc của mình chỉ dừng ở mức lương hiện có, hoặc cùng lắm là tăng vài ba triệu đồng, theo sự tăng của giá cả chung. Mình nghĩ đã gần 30 rồi và muốn tìm hướng đi riêng cho bản thân. Do đó, mình nghỉ việc, dù có phải chuyển sang công ty khác bắt đầu lại từ đầu. Bù lại là khả năng chuyên môn được đào tạo sâu hơn”.

Một trường hợp khác, Yến Vân (27 tuổi, TP.HCM) cũng mới xin nghỉ việc ở công ty cũ vào tháng 4/2024 để tìm kiếm cơ hội mới phù hợp hơn. Mức lương của cô nàng sau khi chuyển sang công ty mới giảm rõ rệt, từ lương 22 triệu/tháng, giảm còn 14 triệu/tháng. Tuy nhiên với Yến Vân, tiền lương cao không phải là yếu tố quan trọng nhất mà cô nàng dùng để đánh giá môi trường làm việc.

Qua thời “chỉ nghĩ đến thù lao”, nhiều dân văn phòng chấp nhận nghỉ việc, nhận mức lương thấp hơn tưởng tượng nếu đi làm nhưng không thấy niềm vui - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Cô nàng chia sẻ về lý do xin nghỉ việc: “Dạo trước mình liên tục chạy deadline xuyên đêm, nhưng lúc ấy mình vẫn cứ làm tiếp. Bởi mình nghĩ ngành truyền thông quảng cáo nó vậy. Dù nhiều khi, deadline đập mình liên tục, thức trắng mà các phòng ban khác hối mình làm tưởng như ‘điên’ lên. Thêm vào đó, mình cảm thấy dù làm nhiều đến đâu, trong mắt cấp trên thì sự nỗ lực của mình là hiển nhiên, không đáng được công nhận.

Khi làm ở công ty cũ, mình kiệt quệ cả về sức lực và tinh thân. Thế nên mình xin nghỉ ở công ty này luôn, chuyển sang môi trường khác. Tiền lương không nhiều nhưng tích cóp đủ dùng. Sau này mình làm đủ thôi, ít ăn ít tiêu thì sẽ sống tốt với mức lương này, không mải miết chạy theo thời cuộc nữa”.

Tiền lương không phải yếu tố quan trọng nhất

Phạm Hân bày tỏ, đi làm thì ai chẳng muốn đem nhiều tiền về nhà. Song để đánh giá một môi trường công sở tốt mà chỉ dùng yếu tố tiền lương thì sẽ phiến diện và cảm tính.

Cô nàng nhận định, bản thân từng gặp áp lực đồng trang lứa khi so sánh tiền lương với nhiều người bạn, đặc biệt là người cùng tuổi quen biết trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cô nghĩ cần hiểu rõ lộ trình thăng tiến cá nhân, đồng thời xác định "mỗi người một hoàn cảnh" thì áp lực tâm lý sẽ vơi bớt nhiều hơn. Với cô nàng, cơ hội thăng tiến và một người sếp tốt mới là điều quan trọng hơn cả khi đi làm, chứ không phải tiền lương.

Bên cạnh đó, Phạm Hân cũng cho rằng dù ở mức lương nào thì người trẻ cũng nên bắt đầu học cách kiểm soát tài chính và đầu tư hiệu quả từ sớm. Như thế, bạn sẽ bớt phụ thuộc vào tiền nong khi muốn đi kiếm môi trường làm việc phù hợp.

Qua thời “chỉ nghĩ đến thù lao”, nhiều dân văn phòng chấp nhận nghỉ việc, nhận mức lương thấp hơn tưởng tượng nếu đi làm nhưng không thấy niềm vui - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Yến Vân cho biết thêm, mức lương cao có được khi đi làm cũng chỉ để phục vụ nhu cầu cuộc sống. Do đó, nếu thấy sức khỏe của bản thân bị ảnh hưởng bởi việc kiếm ra tiền thì đó cũng là lúc, bạn nên nộp đơn xin nghỉ việc.

Cô nàng bày tỏ quan điểm: “Cá nhân mình cho rằng tiền lương không phải yếu tố quan trọng nhất. Suy thoái kinh tế là thực trạng chung và các công ty cắt giảm lương là yếu tố khiến nhiều người chùn bước khi có ý định chuyển sang môi trường mới.

Mình không khuyên mọi người chuyển sang công ty mới với mức lương thấp hơn. Song để đảm bảo cuộc sống, bạn hãy đặt tiền lương lên cùng các yếu tố khác là môi trường văn hóa, điều kiện làm việc, thứ bạn cần đánh đổi để có được thu nhập cao (thời gian rảnh rỗi, sức lực cá nhân,...). Và một đồng lương xứng đáng là mức thu lao mà bạn sẵn sàng để đánh đổi những thứ của bản thân cho công việc, mà không gây ảnh hưởng tiêu cực cho mình và người khác”.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày