Dạo gần đây, Threads trở thành "hầm trú ẩn" để nhiều người trẻ nói lên tâm sự, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau trong mọi lĩnh vực từ tình cảm, cuộc sống cho đến tiền nong. Và mới đây, lại có thêm một trải lòng khác của GenZ về việc dù đi làm chăm chỉ nhưng không thể mua được nhà nhận được nhiều chú ý.
Cụ thể, anh chàng này chia sẻ sinh năm 2005, đã sống một thời gian ở Hà Nội. Sau khi tiếp xúc với những người đã sống ở Hà Nội lâu năm, chàng trai ngâm ngùi phát hiện: "Sẽ có 1 thế hệ không mua được nhà. [...] Làm văn phòng bình thường gần như không thể mua được nhà. Nhiều lúc mình trầm tư, tự hỏi phải học bao nhiêu, làm bao nhiêu nữa mới đủ,..."
Bài đăng của chàng trai GenZ trên Threads đang nhận được nhiều quan tâm
Hiện bài đăng này của chàng trai vẫn thu hút nhiều chú ý, thậm chí được chia sẻ lại trên nhiều nền tảng MXH khác, vượt xa sự thảo luận của 1 bài đăng cá nhân ở Threads. Lý do vì sao bài đăng nhận về nhiều quan tâm bởi chật vật mua nhà là câu chuyện không của riêng ai.
Có ý kiến cho rằng chàng trai này suy nghĩ còn phiến diện và tiêu cực về viễn cảnh mua được nhà. Họ còn khuyên anh chàng còn trẻ, đường sự nghiệp còn dài nên nếu cứ cố gắng chăm chỉ, ngày mua được nhà có thể không còn xa.
Song chiếm đa số bình luận là những lời đồng cảm "mình cũng nghĩ vậy". Giữa thời điểm giá bất động sản cao chót vót, vượt xa thu nhập của dân văn phòng thì để mua được nhà, họ cần phải nỗ lực và chật vật lắm. Thậm chí, nhiều người thừa nhận đã từ bỏ ước mơ mua nhà ở thành phố lớn vì mệt mỏi trên hành trình theo đuổi bất động sản cho riêng mình.
- "Mới lên Hà Nội 1 năm mà sao bạn suy nghĩ thiển cận vậy? Cứ cố gắng rồi đâu sẽ vào đó".
- "Mình thấy bạn này nói đúng. Hai vợ chồng mình 38 tuổi, làm văn phòng hơn chục năm nay nhưng làm gì đã mua nổi nhà nếu không có bố mẹ hỗ trợ. Mấy bạn trẻ kinh doanh thì không bàn tới, chứ chỉ làm công ăn lương thì khó. May ra nếu bạn tiết kiệm được thì có thể mua được căn chung cư xa vùng tâm là cùng. Không thì để nếu mua được nhà, bạn cũng phải vay nợ với lãi suất cao". "
- "Lương 100 triệu/tháng và làm cật lực trong 5 năm mới mua được nhà TP.HCM ở vùng ven quận 2 và quận 9 nha. Chứ giờ mình thấy nhà ở trung tâm TP.HCM toàn 5-7 tỷ đồng rồi. Còn mình thì làm ngày làm đêm chỉ đủ tiền thuê nhà thôi. U30 ập tới với bao nhiêu gánh nặng tiền bạc, chứ nói gì đến chuyện mua nổi nhà.
- "Mình cũng từng học ở Hà Nội rồi về quê sống. Vì hồi đó mình làm ở Hà Nội 10 năm trời nhưng nhận thấy không bao giờ tích đủ tiền mua nhà. Về quê mua đất vườn cất nhà, còn hơn cứ giữ mãi suy nghĩ bám trụ ở thành phố"
- "Ba mẹ mình (thế hệ 7x) có chia sẻ là hồi tầm 20-30 năm trước, đồng tiền chưa mất giá. Hiểu nôm na là lương cơ bản của bạn mua được nhà và xe, không khó khăn như bây giờ. Thế nên, mình cứ kiếm tiền rồi dành dụm được nhiều, từ đó đi đầu tư vào nhiều kênh khác nhau. Thời đại của mình lại khác rồi. Bây giờ bạn đi làm, lương 20 triệu đồng mà tính toán mua được căn nhà vài ba tỷ đồng là khó khăn lắm".
Giá nhà cao chót vót so với mức thu nhập của nhiều dân văn phòng (Ảnh minh hoạ)
Bài đăng của chàng trai cũng là một trong những nỗi lòng của nhiều người trẻ khi muốn mua nhà ở thành phố lớn. Chuyên gia bất động sản Giang Huỳnh đã có những chia sẻ về câu chuyện người trẻ mua nhà tại TP Hồ Chí Minh: " Nếu không nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ gia đình, mức thu nhập tối thiểu cần có để mua nhà là từ 30-45 triệu đồng hàng tháng. Đây được coi là mức có thể tích lũy được một khoản tiền trả trước và trả thêm lãi ngân hàng".
Thu Nguyệt (24 tuổi, làm trong lĩnh vực truyền thông) từ một vùng quê ở Đà Nẵng vào TP Hồ Chí Minh để học tập và làm việc đến nay đã được 5 năm. Với thu nhập khoảng 15 triệu/tháng, cô bạn gần như không nghĩ đến chuyện mua nhà. "Bởi vì việc chi trả cho cuộc sống hiện tại, mình còn phải chắt chiu. Khả năng tài chính của mình không cho phép nghĩ đến chuyện mua nhà rồi trả tiền lãi ngân hàng mỗi tháng".
Theo Thu Nguyệt, thu nhập trung bình của người trẻ hiện tại khoảng 10-15 triệu đồng, trong khi đó bất động sản tại thành phố lớn như TP.HCM vẫn có mức giá "trên trời", gần như không thể nào mua được.
"Nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình, người trẻ rất khó mua nhà vì thông thường đến năm 30 tuổi mới có thể đạt được mức lương 30-40 triệu/tháng. Trong khoảng thời gian đi làm đó mình cũng khó tiết kiệm được số tiền lớn đủ mua đứt nhà. Mặt khác, từ khi ra trường đến năm 30 tuổi, giá đất và nhà có thể tăng nhanh, không chỉ dừng ở 3 tỷ mà còn tăng lên 8 - 10 tỷ".
Một trường hợp khác, Phong (29 tuổi, Hà Nội) cho biết anh kết hôn được 5 năm. Mỗi tháng hai vợ chồng kiếm được khoảng 40 triệu đồng nhưng cũng không dám mua nhà. Vợ chồng anh đã tham khảo các căn hộ 2 phòng ngủ nằm ở trung tâm Hà Nội thì có mức giá 2-3 tỷ đồng. Cặp đôi cũng nhắm tìm hiểu những căn nhà ở quận ngoại thành Hà Nội, giá 2,5 - 3 tỷ đồng cho căn nhà 40-45m2.
"Giờ mình chọn mua nhà ở vùng trung tâm hay ngoại thành đều cần vay 1-1,5 tỷ đồng. Nếu vay nợ rồi chi hết tiền mua nhà thì hết sạch vốn làm ăn.
Do đó, hiện mình vẫn đang thuê nhà vài năm, dồn tiền tạo ra thu nhập thụ động để đỡ áp lực tài chính. Nếu đầu tư thuận lợi thì mình sẽ có cơ hội mua nhà sớm hơn, giảm gánh nặng có thể đối diện nếu phải trả nợ. Nhưng đầu tư cũng rủi ro, nếu vợ chồng mình mất trắng thì coi như phải làm lại từ đầu. Giá nhà ở thì khó mà giảm nên chỉ mong mình kiếm được tiền nhanh chóng, thắng được tốc độ tăng giá của bất động sản", Phong nói.
Ảnh minh hoạ
Đối với nhiều người trẻ, mua được 1 căn nhà từng là cột mốc tài chính phải đạt được. Song, giá nhà tăng cao khiến họ mất động lực cố gắng. Chẳng hạn như Thu Hường (25 tuổi, nhân viên văn phòng) đã không còn đặt nặng áp lực nhất định phải mua được nhà. "Mình hiện tại đang sống cùng bố mẹ. Mình nghĩ rằng kế thừa lại căn nhà của gia đình cũng đã là có nhà, không nhất thiết phải tự mua đứt một căn nhà", cô nàng nói.
Một trường hợp khác, Duy Đức (27 tuổi) làm trong lĩnh vực y tế với mức lương 13-15 triệu đồng/tháng. Anh chàng chia sẻ, bản thân đã từ bỏ ước mơ mua nhà ở vùng trung tâm Hà Nội vì thu nhập không cao. Anh không muốn mua nhà rồi dành hàng chục năm trời để tính toán chuyện trả hết nợ vì bất động sản.
"Mình đang có 2 phương án. Một là chấp nhận về quê sống trong nhà ngoại thành cùng gia đình. Hàng ngày đi đi về về giữa nhà ở và cơ quan tốn khoản 2 tiếng. Hai là mình tiếp tục duy trì thuê nhà ở vùng trung tâm như hiện nay. Sau này đến 55 tuổi, mình nghỉ hưu thì sẽ chuyển hẳn về quê sinh sống. Hà Nội 'đất chật người đông' nên không chỉ riêng mua nhà, các chi phí khác của cuộc sống cũng bị độn lên rất cao", Duy Đức bày tỏ quan điểm.