Bất chấp cuộc đua DxOMark đầy tranh cãi, bất chấp doanh số èo uột so với Apple hay Samsung, những chiếc Pixel chắc chắn vẫn giữ một vị thế quan trọng trong trái tim của nhiều tín đồ Google: với họ, Pixel là smartphone chụp ảnh đẹp nhất thế giới.
Bên trong những bức ảnh đó là một bước ngoặt quan trọng: công thức của Google không chỉ có phần cứng. Google không chỉ chạy đua cảm biến mà còn chạy đua cả thuật toán AI trên những con chip ISP (xử lý tín hiệu ảnh số) độc quyền trên Pixel. Cảm biến thì ai ai cũng có thể mua từ Sony hay Samsung, nhưng thuật toán thì không ai copy dễ dàng được cả. Ai muốn có ảnh đẹp như Google, hãy học cách làm AI như Google đã.
Mà Google thì dẫn đầu thế giới về AI. Một cách áp đảo.
Phép màu của kẻ dẫn đầu
Tuyên ngôn "chơi ngông" của Google: Dùng cam đơn thách thức cả binh đoàn cam kép.
Năm ngoái, phép màu AI của Google được thể hiện một cách vô cùng đặc biệt trên Pixel 2. Trong lúc tất cả các đối thủ - bao gồm cả những chiếc máy Trung Quốc tầm trung - đều đã đặt chân vào thời đại cam kép, Google thản nhiên tung ra 2 mẫu smartphone sử dụng cam đơn.
Điểm đặc biệt: 2 chiếc smartphone cam đơn này có thể chụp ảnh bokeh "như thật". Không phải là ảnh xóa phông nhòe nhoẹt như smartphone Trung Quốc, mà là ảnh bokeh... như thật.
Một tính năng đáng kinh ngạc. iPhone 7, iPhone 8 không có cam kép không chụp được ảnh chân dung bokeh, những chiếc smartphone khác cũng vậy (trừ khi dùng hiệu ứng nhòe nhoẹt "bẩn" mắt). Với Pixel 2, Google đã vượt qua giới hạn vật lý này bằng thuật toán AI, điều mà trước đó chưa có ai nghĩ đến, chưa có ai làm được cả.
Chính những chiếc smartphone này khiến người ta phải nhận ra rằng, khác với máy ảnh, khác với bất kỳ một loại thiết bị chụp hình nào khác, tương lai của nhiếp ảnh smartphone không nằm ở các yếu tố vật lý. Xét cho cùng, smartphone đã quá mỏng nhẹ, chỗ đâu mà gia tăng kích cỡ cảm biến cho camera nữa?
Khi iPhone bắt kịp
Pixel 2 chính là tiếng chuông mở đầu kỷ nguyên nhiếp ảnh điện toán.
Những tưởng Pixel sẽ mãi mãi là đại diện cho phép màu ấy. Nhưng đến năm nay, trong một bước đi đầy bất ngờ, Apple bỗng dưng lại ra mắt một chiếc iPhone XR chỉ có cam đơn với giá "hấp dẫn" (750 USD). Trên chiếc iPhone KHÔNG phải là cao cấp nhất, Apple tái hiện lại chính phép màu của Google: dùng AI, dùng thuật toán để tạo ra ảnh bokeh "như thật".
Một tháng sau, Google ra mắt Pixel 3 và Pixel 3 XL. Không nhân nhượng trước các đối thủ, bộ đôi Pixel mới lại có thêm một loạt tính năng AI cho camera. TopShot sẽ quay lại một đoạn video gồm nhiều hình ảnh độ phân giải cao và độ phân giải thấp để "dựng" ra bức ảnh đẹp nhất. Photobooth sẽ tự chọn lấy khoảnh khắc "chuẩn" nhất để chụp hình. Subject Tracking AF tự động theo dõi và lấy nét theo chủ thể bức ảnh. Đặc biệt, Super Res Zoom sẽ dùng AI để tạo ra các chi tiết "nhân tạo", nhét vào bức hình bị zoom số mờ nhạt để tăng độ nét một cách ảo diệu.
Liệu Apple, Samsung , Huawei hay bất kỳ một gã khổng lồ nào khác có thể tạo ra những tính năng "ảo diệu" như Super Res Zoom? Bằng bất cứ biện pháp nào, liệu các đối thủ này có thể đoạt ngôi của Pixel 3 về chất lượng ảnh chụp?
Câu trả lời có thể là không. Thậm chí, iPhone XR còn không qua mặt nổi Pixel 2 .
iPhone XR là tuyên ngôn của Apple rằng, cam đơn dùng AI để tạo bokeh KHÔNG chỉ của riêng Pixel hay Android.
Trở lại vào đám đông
Nhưng điều đó không có nghĩa rằng Google nên mỉm cười thắng cuộc. Hãy nhìn vào tất cả những tính năng "AI Camera" của Google ngày hôm nay và đặt ra câu hỏi, có tính năng nào trong số chúng có thể gây kinh ngạc như những bức ảnh bokeh AI của năm ngoái? Có tính năng nào có thể tạo ra cảm giác trầm trồ đầy nhiệm màu, thách thức những gì người dùng đã biết về "nhiếp ảnh"?
Câu trả lời vẫn là không. Và đó là vấn đề, bởi đã từ rất lâu, tất cả những chiếc smartphone đầu bảng đều đã tạo ra những bức ảnh "đẹp". Với nhiều người, như vậy đã là đủ. Apple không cần đoạt ngôi của Apple, Apple chỉ cần đứng vào chung một đám đông với Google mà thôi.
Năm ngoái, Pixel 2 tách khỏi đám đông bằng bokeh AI, một "phép màu" buộc người ta phải hiểu rằng các thuật toán rất riêng có thể còn quan trọng hơn các cảm biến ai ai cũng mua được. Nhưng đến năm nay, bằng chiếc iPhone KHÔNG phải là cao cấp nhất, Apple đã kéo tụt Pixel 3 trở lại vào đám đông mang tên "chụp ảnh đẹp".
Cả một hội trường hờ hững, bởi Google năm nay không có cây kiếm thánh nào có thể thổi tung đám đông cả.
Trong đám đông ấy, Top Shot, PhotoBooth hay thậm chí là SuperRes Zoom cũng sẽ chỉ là những từ khóa dễ nghe, dễ quên như Live Focus hay True Tone. Chúng sẽ không "nổi bần bật" như Pixel 2 với thông điệp ngắn ngủi "lens đơn, vẫn có bokeh". Google sẽ mất rất nhiều thời gian để giải thích với người dùng TopShot và PhotoBooth là gì, và liệu chúng có đáng để từ bỏ Apple hay Samsung và đến với Pixel hay không.
Nhưng nếu ngay cả khán giả trong sự kiện Pixel 2018 cũng chỉ có thể dành cho Google vài tràng vỗ tay gượng gạo, bao nhiêu người có đủ thời gian để tìm hiểu về AI trên camera Pixel 3 cơ chứ? Ai có thể nhìn qua cặp tai thỏ xấu xí và rõ ràng là học từ Apple kia để nhận ra rằng, Google vẫn đang vượt tất cả các đối thủ về AI?
Có lẽ là không ai cả. Người ta có lẽ sẽ nói về cặp tai thỏ trên Pixel 3 nhiều hơn là về bộ AI Camera. Giấc mộng đạp đổ iPhone, có lẽ là phải để dành sang năm tới.