Dừa là loại cây ăn trái phổ biến ở khí hậu miền Nam, nhất là những tỉnh thành vùng phía Tây. Nếu đã có bao giờ có cơ hội ngồi thuyền xuôi dọc một con sông vùng đồng bằng sông Cửu Long thì hẳn bạn sẽ thấy, hai bên bờ thường thường rợp bóng dừa. Phần lớn những cây dừa đó không phải do ai trồng, chẳng ai biết chúng có đó từ khi nào, nhưng do thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp mà dừa ở đây sinh trưởng rất tốt. Chính vì thế mà quả dừa là thứ không thể thiếu trong các món ăn ngày tết miền Nam.
Dừa trong Tết miền Nam xuất hiện thật sớm trước những vài tuần đến một tháng cơ, vì đây là lúc người ta bắt đầu thu hoạch dừa làm mứt chuẩn bị cho Tết. Dừa có mặt ở nhiều nơi, nhiều tỉnh miền Nam song nổi tiếng nhất phải kể đến dừa Bến Tre. Cứ mỗi đầu tháng 11 âm lịch đến cuối tháng 12 âm lịch hằng năm, người dân Bến Tre sẽ tổ chức sản xuất khoảng 2000 tấn mứt dừa để bán cho người dân Việt Nam dịp Tết Nguyên Đán. Muốn làm mứt dừa ngon thì phải chọn quả to để cắt được sợi dài, phơi khô, đập bỏ lớp vỏ cứng để lấy phần cơm, bào mỏng, sên với đường. Vậy là ta có một món mứt truyền thống ngon miệng của người miền Nam. Đến chơi nhà một gia đình người miền Nam vào dịp Tết, hầu như bạn sẽ luôn thấy mứt dừa hiện hữu trong tất cả mọi khay mứt.
Ngoài mứt dừa, người miền Nam còn dùng cả quả dừa trên mâm ngũ quả. Người miền Nam phát âm "dừa" và "vừa" tương tự nhau, vậy nên quả dừa nghiễm nhiên trở thành đại diện của chữ "vừa" trong câu "cầu vừa đủ xài". Mâm ngũ quả miền Nam chú trọng giản dị, thành kính, câu cầu vừa đủ xài thể hiện sự khiêm tốn trong mong ước, chẳng mơ gì vàng bạc đầy nhà, chủ yếu là gia đình khoẻ mạnh, còn đâu thì tiền bạc "đủ xài", "không thiếu" là được. Vậy nên quả dừa giản dị hệt như ước muốn của người dân Nam Bộ vậy đã trở thành "chủ chốt" trong mâm ngũ quả nhiều năm qua.
Không chỉ dùng để chưng mâm, làm mứt, quả dừa còn cho đi phần nước ngon ngọt - nguyên liệu làm nên vị đặc trưng của thịt kho tàu. Nhiều nhà còn kho thịt với nước dừa hoàn toàn chứ không pha với nước thường để có vị ngon ngọt nhất. Đa phần các gia đình người miền Nam thích vị ngọt trong nhiều món ăn, vậy nên để không phải dùng quá nhiều đường khiến món ăn không lành mạnh và có vị ngọt gắt thì nước dừa là lựa chọn hoàn hảo.
Nhiều gia đình người miền Nam trước khi gói nếp và đậu làm bánh, sẽ xào phần nếp đó với nước cốt dừa, để nếp sau khi nấu chín có vị béo bùi, thơm ngậy. Cách này thường được người dân Cần Thơ áp dụng làm cùng bánh tét lá cẩm, sau đó trở nên phổ biến khắp các tỉnh miền Nam. Bánh tét có nếp xào cốt dừa mềm ẩm, béo và thơm hơn hẳn. Ngoài ra, thay vì lá chuối, nhiều nơi còn dùng lá dừa để gói bánh tét cũng như một số loại bánh truyền thống khác.