Phụ nữ muốn mang thai có nên tiêm vắc xin AstraZeneca?

Ngọc Minh, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 20:48 08/07/2021

"Nếu tôi đang có ý định mang thai thì có nên tiêm vắc xin Covid-19?" - đây là câu hỏi được rất nhiều chị em phụ nữ quan tâm trước khi quyết định tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Chưa có nhiều nghiên cứu trên phụ nữ mang thai

Trả lời thắc mắc trên, BS. Nguyễn Lê Nga, Quản lý Y khoa vùng, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho hay, hiện nay, vắc xin Covid-19 chưa có những thông tin chính thức có ảnh hưởng tới thai nhi như thế nào. Tuy nhiên, trong hướng dẫn tiêm chủng mới nhất Bộ Y tế đã khuyến cáo nhóm phụ nữ đang mang thai, cho con bú nên tạm hoãn tiêm chủng.

Do vậy, các trường hợp đang mang thai hoặc dự kiến mang thai trước khi tiêm vắc xin Covid-19 nên chia sẻ với bác sĩ để bác sĩ có những cân nhắc cần thiết. Với vắc xin Covid-19, để phòng bệnh tốt nhất cần phải tiêm đủ 2 liều cách nhau từ 4-12 tuần. Như vậy, sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin, sức khỏe bình thường thì chị em phụ nữ vẫn có thể mang thai như bình thường.

Phụ nữ muốn mang thai có nên tiêm vắc xin AstraZeneca? - Ảnh 1.

Với vắc xin Covid-19, để phòng bệnh tốt nhất cần phải tiêm đủ 2 liều cách nhau từ 4-12 tuần.

Còn theo ThS. BS. Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bản thân bác sĩ cũng đã từng gặp trường hợp tiêm vắc xin Covid-19 sau 1-2 tháng thì biết mình mang thai. Sau đó, trường hợp này đã rất băn khoăn, lo lắng không biết có ảnh hưởng tới thai nhi hay không, có nên đình chỉ thai kỳ hay không?

"Cho tới nay, cơ sở khoa học nghiên cứu vắc xin trên nhóm phụ nữ mang thai chưa nhiều. Nếu sau tiêm cơ thể người phụ nữ hoàn toàn khỏe mạnh, không xảy ra biến cố trong 4 tuần sau tiêm thì hoàn toàn có thể mang thai như bình thường.

Đối với những người tiêm vắc xin Covid-19 về và phát hiện mình đã có thai cũng không nên quá lo lắng. Vì quyết định đình chỉ thai kỳ sẽ là rất nặng nề trong khi đó hiện nay có rất nhiều phương tiện chẩn đoán trước sinh.

Trong quá trình mang thai cần đi khám thai kỳ bình thường để sàng lọc bất thường thai nhi và mẹ theo khuyến cáo của sản khoa. Nếu tuân thủ đúng thì sản phụ vẫn có thể giữ thai thi mà không nhất thiết phải đình chỉ thai kỳ", BS. Khiêm nói.

Tiêm vắc xin Covid-19 không bị tác dụng phụ: Liệu vắc xin có tác dụng?

Bên cạnh những trường hợp viêm vắc xin Covid-19 gặp tác dụng không mong muốn như sốt, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi… thì cũng có những trường hợp không gặp bất cứ phản ứng gì sau tiêm. Điều này cũng khiến người tiêm có những băn khoăn cho rằng vắc xin không có tác dụng.

Bác sĩ Lê Nga lý giải, tất cả các phản ứng sau tiêm là những phản ứng không mong muốn của nhà sản xuất. Một người sau tiêm vắc xin Covid-19 không gặp bất cứ phản ứng gì là một điều rất tốt.

Hiện nay, các nhà khoa học khi nghiên cứu vắc xin vẫn hướng tới nghiên cứu các loại vắc xin ít tác dụng phụ nhất. Do đó, một người sau khi tiêm vắc xin Covid-19 về không có tác dụng phụ thì vẫn có kháng thể.

Liên quan tới vấn đề người cao tuổi trên 65 tuổi và có bệnh lý nền có nên tiêm vắc xin Covid-19 hay không, bác sĩ Nga nêu quan điểm, người cao tuổi nếu kiểm soát tốt các bệnh lý nền trong vòng 3 tháng trở lại đây thì vẫn có thể tiêm chủng được.

"Lưu ý đối với người có bệnh lý nền khi đi tiêm nên mang theo mang theo hồ sơ bệnh án, thuốc đang sử dụng. Trong quá trình thăm khám, nếu bệnh lý của trường hợp tiêm đang ở trong giai đoạn cấp sẽ phải trì hoãn tiêm", BS. Nga nói.

Cũng theo bác sĩ Khiêm, ngay cả các trường hợp có cơ địa dị ứng, máu khó đông vẫn có thể tiêm được vắc xin Covid-19. Đối với nhóm đối tượng có cơ địa "đặc biệt" này sẽ được bác sĩ khám, xem xét cân nhắc trước khi tiêm.

Sau khi tiêm, để đảm bảo an toàn, người dân không nên uống bất cứ loại thuốc gì nếu như chưa có chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý dùng thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.

Ví dụ như về việc mọi người mách nhau uống thuốc Aspirin để phòng hiện tượng huyết khối sau tiêm vắc xin AstraZeneca, bác sĩ Khiêm khẳng định điều này vô tác dụng và có thể gây nguy hiểm, đau dạ dày, viêm loét - chảy máu dạ dày…