Giáo dục trẻ em không chỉ là trách nhiệm của thầy cô mà còn cần sự đồng hành của cha mẹ. Khi cả hai cùng phối hợp chặt chẽ, trẻ mới có thể phát triển toàn diện và trưởng thành một cách tốt nhất. Nếu thiếu sự phối hợp đó, trẻ dễ cảm thấy lạc lõng giữa trường học và gia đình, điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển sau này.
Thế nhưng, hiện nay không ít phụ huynh lại có thái độ quá mức khác biệt với giáo viên trong cách dạy trẻ. Sự việc xảy ra tại một trường học ở Thâm Quyến, Trung Quốc là ví dụ điển hình.
Theo đó, một giáo viên đã đánh nhẹ vào tay ba học sinh nghịch ngợm, trong đó có con của một phụ huynh vô cùng "nhiệt tình" bảo vệ trong việc con cái. Người cha này không chỉ phản ánh mà còn kiên trì khiếu nại suốt 37 ngày liên tiếp. Hậu quả là các thầy cô trong lớp mất tinh thần, dạy học kiểu đối phó, không còn để tâm đến việc rèn kỷ luật hay giao bài tập. Cuối cùng, phụ huynh phải tự xoay xở kèm con học, thậm chí đôn đáo cho con đi học thêm. Cả phụ huynh lẫn học sinh đều rơi vào trạng thái căng thẳng và kiệt sức.
Phụ huynh liên tục khiếu nại giáo viên suốt 37 ngày vì lỡ đánh nhẹ vào tay con của mình. (Ảnh minh hoạ)
Thấy tình trạng này không ổn, một phụ huynh khác đã thẳng thắn bày tỏ trong nhóm chat: "Càng phàn nàn, giáo viên càng chán, cuối cùng người khổ vẫn là con chúng ta. Nếu không chịu được, tự đưa con về dạy, đừng làm ảnh hưởng đến những đứa trẻ khác!". Nhiều người đồng tình rằng, dù việc giáo viên đánh học sinh là không đúng, nhưng khiếu nại quá mức chỉ khiến mọi thứ tệ hơn.
Thực ra, giáo viên phạt học sinh không phải vì ác ý. Cô chỉ muốn răn đe những đứa trẻ nghịch ngợm và cải thiện kỷ luật lớp học. Dĩ nhiên, phương pháp này có chút thiếu tinh tế và không phù hợp với quy định hiện hành. Nhưng nếu phụ huynh phản ánh một cách thiện chí, cùng giáo viên và nhà trường ngồi lại, mọi chuyện sẽ dễ dàng giải quyết: giáo viên nhận lỗi, điều chỉnh phương pháp và phụ huynh giúp con sửa sai. Tuy nhiên, việc khiếu nại tới 37 ngày chỉ khiến giáo viên chán nản và không còn muốn quản lý học sinh nữa.
Khi giáo viên không còn nghiêm khắc, không đặt kỳ vọng hay giúp học sinh sửa chữa hành vi, trẻ sẽ không tiến bộ, tính cách ngày càng khó bảo. Liệu đây có phải là điều phụ huynh mong muốn khi bảo vệ con quá mức? Một lỗi nhỏ của giáo viên liệu có đáng để đánh đổi môi trường học tập của cả lớp?
Phụ huynh và giáo viên nên cùng nhau trao đổi để tìm hiểu rõ vấn đề. (Ảnh minh hoạ)
Khi gặp tình huống như vậy, phụ huynh nên gặp giáo viên để tìm hiểu rõ vấn đề, hoặc báo cáo với nhà trường để thảo luận. Nếu giáo viên sai, họ cần xin lỗi và rút kinh nghiệm. Nếu con trẻ là người gây rối, cha mẹ cũng nên dạy con nhận lỗi và sửa sai. Thay vì biến sự việc thành cuộc tranh cãi, cha mẹ nên để trẻ có cơ hội học cách đối mặt với sai lầm và trưởng thành. Một cách tiếp cận cứng rắn nhưng nhân văn sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho cả trẻ và môi trường học tập.