Ẩn mình sau Nhà nguyện Sistine tráng lệ, Stanza delle Lacrime – "Phòng Nước Mắt" – là một trong những không gian riêng tư và thiêng liêng nhất của Vatican, dù ít ai biết đến. Căn phòng nhỏ, đơn sơ và không hề trang trí này là nơi Đức Giáo hoàng mới đắc cử lui vào ngay sau khi chấp nhận chức vị, chỉ vài phút trước khi chính thức ra mắt công chúng tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
Tên gọi “Phòng Nước Mắt” bắt nguồn từ cảm xúc mãnh liệt thường trào dâng trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy: sự choáng ngợp, khiêm nhường, kính sợ – thậm chí là nỗi sợ hãi – khi một con người đối diện với trách nhiệm dẫn dắt hơn 1,4 tỷ tín hữu Công giáo trên toàn thế giới.
Ảnh: Vatican media
Nhiều giáo hoàng đã bật khóc tại đây. Giáo hoàng Leo XIII, khi được bầu vào năm 1878, đã rơi lệ vì cho rằng mình đã quá già để đảm nhận sứ mệnh nặng nề. Trong khi đó, Giáo hoàng John XXIII, được bầu năm 1958, lại chọn cách đối mặt với giây phút ấy bằng một nụ cười hài hước khi thấy bộ lễ phục không vừa với mình.
Chính tại căn phòng này, vị tân giáo hoàng cởi bỏ chiếc áo choàng đỏ của hồng y để khoác lên mình chiếc áo choàng trắng – biểu tượng tối cao của giáo hoàng. Ba bộ lễ phục với ba cỡ khác nhau – nhỏ, vừa và lớn – cùng giày và trang phục cần thiết đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Trong cuốn hồi ký Hope xuất bản năm 2025, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chia sẻ trải nghiệm tại căn phòng này: ngài nhớ rõ khoảnh khắc nhìn thấy chiếc nhẫn giám mục của mình trong túi áo, lựa chọn không mặc chiếc áo choàng nhung đỏ truyền thống (mozzetta) hay đi giày đỏ – một quyết định giản dị, gắn với hoàn cảnh cá nhân: “Tôi đi giày chỉnh hình; bàn chân tôi khá bẹt,” ngài viết.
Bên trong Phòng Nước Mắt còn có những chiếc mũ sọ (zucchetto) với đủ kích cỡ, loại mũ truyền thống dành cho giáo sĩ, riêng giáo hoàng dùng màu trắng. Một dây stola nghi lễ – khăn choàng thêu chỉ vàng tượng trưng cho quyền bính – cũng được chuẩn bị sẵn, tuy nhiên chưa được đeo ngay tại đây. Trước hết, tân giáo hoàng sẽ dành chút thời gian cầu nguyện và suy niệm – đôi khi một mình, đôi khi với người chủ lễ.
Trước khi bước ra ban công thánh đường, giáo hoàng sẽ được dành đôi phút im lặng để cầu nguyện và suy ngẫm – đôi khi một mình, đôi khi cùng vị chủ lễ.
Một tấm bảng đặt trong phòng nhắc lại cội nguồn tên gọi "nước mắt": “Trong căn phòng này, bắt đầu từ thời Giáo hoàng Gregory XIV, người đã xúc động rơi lệ tại đây vào ngày 5 tháng 12 năm 1590, ngay sau khi được bầu làm Giáo hoàng và khoác lên trang phục của chính mình.”
Sự chuyển đổi của giáo hoàng trong căn phòng này không chỉ là về trang phục, mà còn là về nội tâm sâu sắc. Như Marco Agostini – chủ lễ của Giáo hoàng – từng chia sẻ với hãng tin Ý Agenzia Nuova: “Chính tại nơi này, Giáo hoàng nhận thức được mình đã trở thành ai. Việc thay đổi trang phục nói lên sự thay đổi sâu sắc trong cuộc sống – rằng từ giây phút ấy, chức vụ sẽ quan trọng hơn con người.”
Sau khi thay trang phục, vị giáo hoàng mới tiến đến phía sau ban công trung tâm của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Tại đây, Hồng y Trưởng đẳng phó tế bước ra trước, xuất hiện trước đám đông tín hữu tụ họp tại Quảng trường Thánh Phêrô và trang trọng tuyên bố: “Habemus Papam!” – “Chúng ta đã có Giáo hoàng”. Ông công bố tên rửa tội và tông hiệu mới của vị giáo hoàng vừa được bầu.
Tiếp đó, tân giáo hoàng xuất hiện trước công chúng. Các phụ tá sẽ khoác lên ngài chiếc stola đỏ – biểu tượng thiêng liêng của quyền lãnh đạo và sứ mạng mục vụ. Ngài giơ tay ban phép lành Urbi et Orbi – “cho thành Rome và toàn thế giới” – đánh dấu giây phút lịch sử mở đầu cho một triều đại giáo hoàng mới.
Nguồn: Vatican News, CV News