Hai ông bố Sơn (NSƯT Trung Anh) - Luật (NSND Hoàng Dũng) trong Về Nhà Đi Con đại diện cho hai trường phái dạy con khác nhau. Đúng kiểu cha giàu - cha nghèo trong những quyển sách dạy con làm giàu thường hay nhắc tới.
Ông Luật và ông Sơn là hai kiểu làm cha đối lập trong Về Nhà Đi Con. Ông Luật là người cha kinh doanh, tức là cha giàu, người lúc nào cũng tỉnh táo và giữ đầu óc lạnh. Ngược lại, ông Sơn là người cha tình cảm. Ông dạy dỗ các con bằng tình thương, sự ấm áp của người cha. Mỗi người một kiểu, và "thành quả" của cả hai ông gặp nhau ở cuộc hôn nhân của Thư (Bảo Thanh) - Vũ (Quốc Trường).
Không phải chê ông Sơn nghèo, mà ở đây đang muốn nói ông Sơn là người cha dạy con theo kiểu cảm tính. Ông dạy con chủ yếu dựa trên tình cảm. Khi Dương nổi loạn rồi bỏ nhà đi, ông dùng tình cảm ấm áp của người cha để chứng minh cho Dương thấy, cô bé không phải là con rơi, con ghẻ trong gia đình.
Đối với Thư và Huệ, bố Sơn xoăn luôn là chỗ dựa bình yên, an toàn sau mỗi sóng gió ngoài cuộc sống. Cứ sau khi hai cô gặp khó khăn, ông Sơn đều là bờ vai vững chắc, an toàn cho các con gái dựa vào. Ông còn rất chịu khó tạo dành thời gian cho các con. Gia đình ông Sơn luôn có những bữa cơm gia đình, khi cả nhà ngồi lại ăn uống cùng nhau.
Ông Sơn luôn là người cha dịu dàng.
Nhờ cách đối xứ gần gũi với các con, ông Sơn tạo được một mối quan hệ gần gũi với các cô con gái. Thế nhưng, mặt trái trong cách dạy con của bố Sơn xoăn đó là ông quá cảm tính và đôi khi, ông chỉ nghe theo suy nghĩ của mình. Khi Dương "nổi loạn", ông mất một thời gian dài để nhận ra tâm tình của con. Trước đó, ông chỉ cho rằng Dương là một đứa ngổ ngáo. Khi Huệ bị hiểu lầm ngoại tình với người yêu cũ, ông còn không cho con gái về nhà và bắt Huệ phải trở về đối mặt với gã chồng vũ phu. Gần đây nhất, khi phát hiện Vũ ngoại tình, ông liền lao sang nhà thông gia để xin con về.
Đầu phim, ông Sơn luôn có thành kiến với Dương, con út.
Chỉ mới phát hiện Vũ ngoại tình, ông Sơn lao ngay sang nhà thông gia đòi con mà không cần biết Thư muốn gì.
Trái ngược với ông Sơn, bố của Vũ là một người lạnh lùng và duy lý. Ông vốn là người dân làm ăn, nên những giá trị quan trọng đối với ông là những giá trị thực tế. Đó là điều duy nhất ông muốn truyền lại cho con. Khi bà Giang (NS Ngân Quỳnh) muốn dạy dỗ Vũ, ông Luật không can thiệp. Ông chỉ lên tiếng khi câu chuyện có liên quan đến kinh doanh. Một trong những lần hiếm hoi ông Sơn ra mặt dạy dỗ Vũ là khi ông chỉ ra cho Vũ thấy rằng, khi anh lẫn lộn chuyện kinh doanh và tình yêu. Đó là "Ngu!".
Ông Luật lúc nào cũng chửi mắng con.
Vậy đó, ông Luật dạy con một cách nghiêm khắc, và phần lớn chỉ tập trung xoay quanh chuyện kinh doanh. Ngay cả khi Vũ đang lén lút hẹn hò với Nhã, ông cũng chỉ đưa ra lời khuyên về... kinh doanh.
Tiếp thu rất tốt lời dạy của bố, Vũ là người nhạy bén trong kinh doanh. Anh thành công trong việc mua bán của riêng mình và ngành kinh doanh chung của công ty Luật - Giang. Chỉ duy nhất một lần Vũ cãi lời bố, đó là khi ông Luật đưa ra lời cảnh báo, con trai ông đừng nên lẫn lộn giữa tình cảm và công việc.
Ngay cả khi bản hợp đồng kinh doanh giữa Vũ và Thư bị lộ, ông Sơn tức tốc đến nhà thông gia xin con gái về. Ngược lại, ông Luật vẫn tỉnh táo chỉ ra rằng, Thư đã đánh đổi mọi thứ, gia đình, con cái và cả hôn nhân khi quy tất cả ra tiền. Trong những lời tâm sự với con dâu, ông Luật chỉ ra vị trí hiện tại của Thư trong mọi chuyện. Cô đang ở ngay điểm chơi vơi giữa tiền bạc, hôn nhân và gia đình. Nhưng ông Luật vẫn không lạnh lùng tới mức phải đòi Thư đền hợp đồng như bao gã doanh nhân máu lạnh. Ông chỉ ra lỗi sai của Thư chỉ để cho cô hiểu rõ hơn tình hình hiện tại của mình. Đó chính là điểm thể hiện sự nhân tính và sự đáng yêu của ông Luật. Vẫn luôn tỉnh táo trong mọi tình huống, nhưng vẫn quan tâm và đầy yêu thương.
Chỉ có duy nhất một lần ông Luật nói chuyện tình cảm, đó là với cô con dâu của mình.
"Thành quả" giáo dục của cả ông Sơn và ông Luật gặp nhau ở một mối hôn nhân. Ở đây là Thư và Vũ. Cả hai người chính là kết quả cho cách dạy con của hai ông bố. Một người đầy cảm tính và một người lạnh lùng đôi khi quá xa cách, người còn lại thì quá cảm tính và thiếu lý trí. Vậy mà cả hai đều có điểm chung trong cách dạy con, đó là không ai biết lắng nghe và thực sự quan tâm xem con cái mình đang cần gì. Thư thì lúc nào cũng vậy, quá tự tin vào cách giải quyết của mình. Vũ lại tham lam, đắm chìm trong những suy nghĩ ích kỷ và xem phụ nữ như một món "phụ kiện" về mặt tình cảm.
Cặp đôi Thư - Vũ là thành quả của cách nuôi dạy con khác nhau nhưng có chung điểm yếu của hai ông bố.
Cả hai người gặp nhau và cuộc hôn nhân giả tạo, ở một khía cạnh nào đó chính là thành quả nuôi dạy của hai ông bố. Thư thì chỉ cần không làm bố khổ, thì việc gì cũng chấp nhận, kể cả ngậm đắng nuốt cay sống ở nhà chồng cũng không bao giờ mở miệng tâm sự với bố một câu. Vũ thì là người "nảy ra" ý tưởng, quy hôn nhân, tình yêu và con cái thành một cái hợp đồng che mắt bố mẹ.
Có lẽ, nếu ông Sơn chịu hỏi han và thực lòng quan tâm đến tâm tư của con cái hơn, Thư sẽ chịu mở lòng tâm sự và không bao giờ thực hiện dại dột như "bán" đi chính cuộc hôn nhân của mình với giá 3 tỷ. Tương tự, nếu ông Luật chịu lắng nghe con mình, gần gũi với Vũ hơn thì có lẽ anh đã học được bài học về giá trị của người phụ nữ. Và mọi thứ không thể giải quyết bằng một hợp đồng ràng buộc với những điều khoản quy định chi li từng chút.
Thực ra thì chẳng có ông bố bà mẹ nào hoàn hảo cả. Người ta chỉ cho rằng, mình luôn biết điều gì là tốt nhất cho con cái, chẳng ai muốn con mình đưa ra quyết định sai trong cuộc đời. Nhưng đến lúc nào đó, những đứa trẻ sẽ lớn lên và chúng cần cha mẹ chuẩn bị đủ hành trang để đưa ra quyết định sống, dù là sai. Chứ không phải cần cha mẹ quyết định cho chúng mọi thứ trong cả cuộc đời. Nhưng cha mẹ vẫn sẽ là cha mẹ, ai nấy đều cũng sẽ lo sốt vó lên khi chúng ta, những đứa con phải đối mặt với cuộc đời. Lo lắng rằng con cái mình sẽ không thể chịu được hậu quả của một bước đi sai. Bởi vậy mới có chuyện để nói, và ông Sơn - ông Luật phải có kiểu nuôi dạy con cái như vậy, khán giả mới có phim để xem. "Về Nhà Đi Con" có lẽ cũng mang hàm ý về một lời nói của cha mẹ, rằng cha mẹ có thể không hoàn hảo, có thể cách nuôi dạy của họ khiến chúng ta vấp ngã trong cuộc sống, nhưng họ luôn có mái nhà để chúng ta trở về, phục hồi và lại tiếp tục tiến bước. Về nhà đi Thư, về nhà đi Vũ, để có thời gian để nhìn lại chính mình rồi lại lần nữa đối mặt với cuộc đời.
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Về Nhà Đi Con sẽ tiếp tục lên sóng phục vụ khán giả vào lúc 21h các ngày thứ 2 - 6 hàng tuần.