Anh có kế hoạch cho các tình nguyện viên trẻ tuổi phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 trong những tuần tới nhằm nghiên cứu thêm về việc virus này ảnh hưởng tới con người như thế nào và hiệu quả của các loại vaccine đang được thử nghiệm. Đây là lần đầu tiên nghiên cứu thử thách ở người, còn được gọi là thử nghiệm lây nhiễm có kiểm soát ở người được tiến hành với dịch bệnh Covid-19.
Hình thức nghiên cứu này cũng đã được các cơ quan ở Anh thông qua và dự kiến sẽ bắt đầu vào giữa tháng 3. Tuy nhiên, việc thử nghiệm này cũng đặt ra nhiều câu hỏi, trong đó có phương pháp chữa trị đối với những người tham gia có tình trạng bệnh diễn biến nghiêm trọng.
Nghiên cứu thử nghiệm ở người là gì?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, những nghiên cứu như vậy đặc biệt có giá trị với việc thử nghiệm các loại vaccine bởi những người tham gia cần được tiêm chủng để đánh giá hiệu quả và mức độ an toàn của vaccine, cũng như thúc đẩy sự phát triển của hệ miễn dịch.
Các nghiên cứu thử nghiệm ở người cũng có thể được sử dụng để thu thập thông tin về một dịch bệnh nào đó, chẳng hạn như khả năng gây bệnh của virus, các tác nhân khiến một người bị mắc bệnh và các bằng chứng về cách thức cơ thể tạo ra miễn dịch nhằm phản ứng trước dịch bệnh. Các tổ chức nghiên cứu ở Anh cho biết kiểu nghiên cứu này đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ với các dịch bệnh như sốt rét, thương hàn, tiêu chảy, cúm và những bệnh do norovirus gây nên.
Kế hoạch nghiên cứu của Anh
Khoảng 90 người trưởng thành trong độ tuổi từ 18 - 30 sẽ được lựa chọn để thực hiện 2 khía cạnh trong nghiên cứu này, thông báo hôm 17/2 của chính phủ Anh cho hay. Khía cạnh đầu tiên sẽ là xem xét mức độ tập trung của virus để xác định lượng virus nhỏ nhất cần thiết để gây bệnh cũng như tạo ra phản ứng miễn dịch.
Các nhà tổ chức cho biết nghiên cứu này sẽ giúp xác định các tác nhân ảnh hưởng đến sự lây lan của virus như thế nào, trong đó có việc làm thế nào để một người mắc Covid-19 có thể lây nhiễm các phân tử virus gây bệnh ra môi trường. Sau đó, các loại vaccine Covid-19 đã được chứng minh an toàn trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng sẽ được cung cấp cho các nhóm tình nguyện viên bị phơi nhiễm trước virus SARS-CoV-2. Việc này giúp xác định phản ứng miễn dịch cần thiết để bảo vệ mọi người không bị tái nhiễm cũng như xác định các loại vaccine hiệu quả nhất.
Ai là người tiến hành nghiên cứu?
Nghiên cứu trên do một nhóm gồm Lực lượng điều phối vaccine của chính phủ Anh, Cao đẳng Hoàng gia London, Quỹ Royal Free London NHS Foundation Trust và công ty nghiên cứu lâm sàng hVIVO phối hợp thực hiện. Anh đang đầu tư 33,6 triệu bảng Anh (tương đương 47 triệu USD) cho nghiên cứu này. Sau khi bị phơi nhiễm virus, các tình nguyện viên sẽ được cách ly 2 tuần ở bệnh viện và theo kế hoạch mỗi người sẽ được trả khoảng 4.500 bảng Anh (tương đương 8.287 USD).
Các nhà nghiên cứu cho biết những người tình nguyện viên này cũng được đền bù về mặt thời gian trong quá trình họ tham gia nghiên cứu.
Các biện pháp phòng ngừa nào đang được thực hiện?
Không có nghiên cứu nào tuyệt đối không có rủi ro nhưng các nhà nghiên cứu cho biết sự an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Nghiên cứu về đặc tính của virus sẽ sử dụng chủng virus SARS-CoV-2 ở Anh từ tháng 3/2020, vốn được cho là có mức độ "rủi ro thấp" ở những người trẻ tuổi, chính phủ cho biết.
Một nhóm chuyên gia sẽ "giám sát chặt chẽ ảnh hưởng của virus lên các tình nguyện viên và sẽ sẵn sàng chăm sóc cho họ 24/24h". Các nhà nghiên cứu cũng hợp tác chặt chẽ với Bệnh viện Royal Free Hospital và Mạng lưới Chăm sóc Tích cực cho người trưởng thành North Central London để đảm bảo nghiên cứu sẽ không ảnh hưởng đến những bệnh nhân mắc Covid-19 khác.
Các tiêu chí với tình nguyện viên tham gia nghiên cứu là: không có tiền sử mắc hoặc có triệu chứng của Covid-19, không có bệnh lý nền và không có các tác nhân khiến tình trạng bệnh tồi tệ hơn như tim mạch, tiểu đường hoặc béo phì. Những người tham gia mắc Covid-19 sẽ được điều trị bằng thuốc chống virus remdesivir của Gilead Sciences sau khi được xác nhận đã mắc bệnh.
Những nguy cơ từ nghiên cứu thử nghiệm trên người
WHO đã thành lập một nhóm cố vấn vào năm ngoái để xem xét về kiểu nghiên cứu này trong đại dịch Covid-19. Trong một báo cáo hồi tháng 12, nhóm chuyên gia này đã nhấn mạnh đến một số mối lo ngại, chẳng hạn như sự phức tạp của các trường hợp tụ máu hay việc thiếu các phương pháp điều trị hiệu quả và đáng tin. Một số người đã nêu ra mối lo ngại về những ảnh hưởng lâu dài của Covid-19 đối với người mắc bệnh
Báo cáo của WHO cũng thận trọng đánh giá các thử nghiệm trên người có thể dẫn tới sự hiểu nhầm trong công chúng, dẫn đến lo sợ gia tăng và thái độ ngần ngại tiêm vaccine, đặc biệt nếu một người tham gia mắc bệnh nặng hoặc tử vong.
"Bối cảnh hiện nay vô cùng nhạy cảm do sự phân cực sâu sắc trong đại dịch và việc lạm dụng nghiên cứu trên người trong lịch sử", báo cáo trên cho hay.