Người Mỹ giảm 1 năm tuổi thọ vì dịch COVID-19

Hoàng Trang, Theo Báo Tin tức 23:12 18/02/2021
Chia sẻ

Theo báo cáo của Chính phủ Mỹ, tuổi thọ trung bình của người dân nước này đã giảm 1 năm trong 6 tháng đầu năm 2020. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, cho thấy hậu quả nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.

Tuổi thọ là thước đo cơ bản nhất để đánh giá sức khỏe của dân số. Sự sụt giảm nghiêm trọng về tuổi thọ trung bình trong thời gian ngắn như trên là điều hết sức nguy cấp. Trước đó, nước Mỹ đã có nhiều lần sụt giảm về tuổi thọ trung bình nhưng ở mức độ thấp hơn do tình trạng gia tăng sử dụng ma túy quá liều.

Theo tờ New York Times, dữ liệu của Chính phủ Mỹ đã cung cấp bức tranh đầy đủ đầu tiên về ảnh hưởng của đại dịch đối với tuổi thọ của người Mỹ, giảm từ 78,8 năm vào năm 2019 xuống còn 77,8 năm trong 6 tháng đầu năm 2020.

Tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với tuổi thọ của các chủng tộc và sắc tộc ở Mỹ cũng có sự khác biệt. Tuổi thọ trung bình của người da đen giảm 2,7 năm ở nửa đầu năm 2020, xóa bỏ thành tựu đạt được trong 20 năm qua. Khoảng cách tuổi thọ giữa người Mỹ da đen và da trắng vốn đang được thu hẹp, lại nới rộng ra ở mức 6 năm, khoảng cách lớn nhất kể từ năm 1998. Dịch COVID-19 tác động tiêu cực hơn đến cộng đồng người da đen và người Mỹ Latinh so với người da trắng ở Mỹ.

Những người tử vong vì dịch COVID-19 ở Mỹ ở hai nhóm đầu thường trẻ tuổi hơn, dẫn đến tuổi thọ trung bình của hai nhóm này giảm sâu hơn. Tỷ lệ thương vong đối với người da đen ở độ tuổi 35 đến 44 gấp 9 lần so với người da trắng ở cùng độ tuổi, theo như số liệu thống kê từ tháng 2 - 7/2020.

Người Mỹ giảm 1 năm tuổi thọ vì dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Tuổi thọ trung bình ở Mỹ bắt đầu tụt giảm so với các nước phát triển khác từ thập niên 1980 (Ảnh: CNN)

Chuyên gia nghiên cứu liên bang và là người thực hiện báo cáo trên, bà Elizabeth Arias nhận xét về sự bất bình đẳng chủng tộc: “Tôi biết khoảng cách sẽ rất lớn nhưng khi nhìn thấy những con số đó, tôi vẫn phải thốt lên: ‘Ôi Chúa ơi’”. Còn đối với sự sụt giảm tuổi thọ trung bình của toàn dân Mỹ, bà nói: “Chúng tôi chưa thấy sự sụt giảm nào ở mức độ đó trong nhiều thập kỷ”.

Sụt giảm tuổi thọ do tử vong vì sử dụng ma túy quá liều thường kéo dài và phức tạp. Còn sụt giảm lần này phần lớn do COVID-19 gây ra, sẽ không có khả năng kéo dài vì tình trạng tử vong do dịch bệnh đang giảm bớt và người dân bắt đầu được tiêm vaccine phòng ngừa. Lần gần đây nhất một đại dịch gây ra sự suy giảm lớn về tuổi thọ là vào năm 1918, khi có hàng trăm nghìn người Mỹ chết vì dịch cúm Tây Ban Nha. Tiến sĩ Arias cho biết tuổi thọ trung bình đã giảm 11,8 tuổi từ năm 1917 đến năm 1918, kéo tuổi thọ trung bình xuống 39 tuổi. Tuy nhiên, tuổi thọ trung bình đã phục hồi hoàn toàn vào năm sau khi số người chết giảm bớt.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng ngay cả khi sự phục hồi như vậy diễn ra ở thời điểm hiện nay, các tác động xã hội và kinh tế của COVID-19 sẽ kéo dài và gây hệ lụy tiêu cực hơn đối với cộng đồng người da màu. Điều này diễn ra trong bối cảnh tuổi thọ trung bình của người dân Mỹ mới chỉ phục hồi ngắn sau đại dịch ma túy. Một vài nhà nghiên cứu cho rằng số lượng người tử vong vì ma túy, bắt đầu tăng vào năm 2019 và 2020, có thể tiếp tục kéo giảm tuổi thọ người dân Mỹ xuống.

Tiến sĩ Mary T. Bassett, Giáo sư y tế và nhân quyền tại Đại học Harvard, nói rằng nếu nước Mỹ không giải quyết tốt hơn tình trạng bất bình đẳng, tuổi thọ của người dân có thể không được cải thiện trong thời gian tới.

Bà lưu ý rằng tuổi thọ ở Mỹ bắt đầu tụt giảm so với các nước phát triển khác từ thập niên 1980 - sự khác biệt khiến các nhà nghiên cứu bối rối. Một giả thuyết cho rằng chênh lệch kinh tế ngày càng tăng cũng tác động đến sức khỏe của người Mỹ. Những người có điều kiện sống khó khăn sẽ bị tác động tiêu cực hơn bởi COVID-19. Ví dụ, những người lao động có lương thấp phải ở nhà chật chội và không có phương tiện bảo vệ khỏi virus sẽ dễ bị lây nhiễm bệnh dịch.

Tuổi thọ trung bình tượng trưng cho số năm trung bình mà một trẻ sơ sinh sẽ sống nếu tỷ lệ tử vong hiện tại không thay đổi. Sự suy giảm tuổi thọ trung bình báo hiệu các vấn đề xã hội nghiêm trọng. Sự sụt giảm ở các nước phát triển là rất hiếm nhưng Mỹ đã trải qua điều này từ năm 2014 đến năm 2017 khi chất gây nghiện Opioid hoành hành. Trước đó, các nhà nhân khẩu học đã không chứng kiến sự sụt giảm hoàn toàn nào kể từ năm 1993, trong thời kỳ đại dịch AIDS.

Các nhà nghiên cứu cho rằng số liệu của chính phủ cung cấp về tuổi thọ trung bình của người dân Mỹ là rất quan trọng vì phản ánh mức độ tác động của dịch COVID-19 hiện tại. Những con số trên không thể hiện xu hướng về tuổi thọ người dân Mỹ trong tương lai, nhưng phản ánh quy mô những thiệt hại mà các cộng đồng dân cư Mỹ phải chịu đựng hiện nay.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày