Phim Việt có âm thanh, lời thoại trụy lạc bị phạt 40 đến 50 triệu đồng

Ngọc Ánh, Theo Tiền Phong 11:49 04/01/2023
Chia sẻ

Đó là một trong những quy định xử phạt hành vi vi phạm về điện ảnh được nêu trong Nghị định 128 sửa đổi, bổ sung một số quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, có hiệu lực từ ngày 15/2/2023.

Nghị định số 128/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt sửa đổi và bổ sung trong lĩnh vực điện ảnh.

Theo đó, mức phạt từ 40 tới 50 triệu đồng áp dụng với các trường hợp phim có nội dung: xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc, thể hiện không đúng, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.

Mức phạt cao nhất cũng áp dụng với phim kích động bạo lực, hành vi tội ác, gây tổn hại đến các giá trị văn hóa, lợi ích quốc gia, dân tộc, truyền bá tệ nạn xã hội, phá hoại văn hóa, đạo đức xã hội.

Phim thể hiện chi tiết hình ảnh, âm thanh, lời thoại dâm ô, trụy lạc, loạn luân hoặc kích động, chống đối việc thi hành Hiến pháp, pháp luật cũng bị phạt từ 40-50 triệu đồng.

Hình phạt bổ sung đối với các phim vi phạm là đình chỉ sản xuất, phát hành, phổ biến, quảng bá và xúc tiến phát triển điện ảnh từ 1 đến 3 tháng.

Phim Việt có âm thanh, lời thoại trụy lạc bị phạt 40 đến 50 triệu đồng - Ảnh 2.

Năm 2019, nhà sản xuất phim Ròm đã nhận án phạt hành chính vì phát hành phim khi chưa được phép phổ biến.

Về hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh, Nghị định 128/2022/NĐ-CP áp dụng mức phạt 10 đến 50 triệu đồng tùy từng hành vi.

Theo nghị định 128, hành vi vi phạm quy định về phổ biến phim và quy định về lưu chiểu, lưu trữ phim, liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim áp dụng mức phạt cao nhất lên tới 100 triệu đồng nếu không bảo đảm về quy chuẩn kỹ thuật rạp chiếu phim theo quy định, không bảo đảm một trong các điều kiện thực hiện phân loại phim, không gỡ bỏ phim vi phạm, không ngăn chặn truy cập phim vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định...

Bên cạnh Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 131/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh để đồng thời có hiệu lực với Luật Điện ảnh sửa đổi từ 1/1/2020.

Nhiều nội dung được đề cập trong Nghị định như quy định tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam, khung giờ chiếu phim Việt Nam, thời lượng và khung giờ chiếu phim cho trẻ em phổ biến trong rạp chiếu phim, khung giờ phát sóng phim Việt Nam, phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng...

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày