Phim truyền hình miền Nam đương đại: Đâu rồi một thời vàng son!?

Ngân Long, Theo Trí Thức Trẻ 11:00 09/09/2017

"Đất phương Nam", "Con nhà nghèo" hay "Một thời ngang dọc" là những bộ phim gắn liền với ký ức vàng son một thời của phim truyền hình miền Nam. Thế nhưng, ký ức đó dường như đã trở thành duy nhất trong hiện tại.

Như một truyền thống lâu đời: những sản vật phương Nam luôn rất đa dạng, phong phú. Và điều đó đúng với cả phong cách làm phim của những hãng phim miền Nam. Sau những năm 2000, phim truyền hình miền Nam đã bùng nổ. Sự đa dạng được thể hiện trong bối cảnh, thể loại của những bộ phim được làm ra. Tuy nhiên, "lượng biến" vẫn chưa thể dẫn đến "chất biến", ngay cả khi người miền Nam đang cố công làm phim về thời xa xưa của Nam bộ.

Thực ra nói phim truyền hình miền Nam lấy chủ đề thời xa xưa không có phim hay là sai. Năm 1998, bộ phim Đất Phương Nam dựa trên tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi đã gây tiếng vang và trở thành một huyền thoại trong lòng khán giả Việt.

Chú bé An ngây thơ nhưng dũng cảm, anh "Võ Tòng" khí phách hiên ngang, thầy Bảy dùng mê tín kêu gọi nhân dân và vô vàn những nhân vật của xứ Nam Kì đã trở thành một kí ức đẹp trong lòng người hâm mộ.

Phim truyền hình miền Nam đương đại: Đâu rồi một thời vàng son!? - Ảnh 1.

Một bộ phim mang cả hồn "đất" và "người" phương Nam.

Sau đó một chút, là một loạt tác phẩm dựa trên tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh: Con nhà nghèo (sản xuất năm 1998 với sự tham gia của các nghệ sĩ : Hồng Vân, Lê Vũ Cầu ..) hay Nợ đời (có sự tham gia của Việt Trinh, Mỹ Quyên, Thanh Hoàng…).

Với kịch bản dựa trên cốt truyện của nhà văn Hồ Biểu Chánh, những bộ phim kể trên đã thực sự đem lại những giá trị to lớn cho người xem: sự đồng cảm với những thân phận trong xã hội phong kiến nửa thực dân, sự thích thú khi được tìm hiểu văn hóa sinh hoạt của cha ông qua những chiếc xe ngựa, những tà áo dài hay những câu vọng cổ.

Phim truyền hình miền Nam đương đại: Đâu rồi một thời vàng son!? - Ảnh 2.

Cảnh trong phim Con nhà nghèo

Tuy nhiên, chủ đề Nam Bộ xưa dần trở nên đuối sức và không còn thu hút khán giả. Chẳng hạn như bộ phim Một thời ngang dọc với Quyền Linh đóng vai chính. Các nhà làm phim đã tổng hợp những tình tiết từ các truyện ngắn, tiểu thuyết của nhà văn Sơn Nam để kể về cuộc đời của Ba Lành. Từ một nông dân chất phác, vì mối thù với địa chủ mà Ba Lành cùng anh em đứng lên khởi nghĩa để rồi bị đàn áp trong biển máu.

Nhà văn Sơn Nam là một tác giả lớn trong làng văn học miền Nam, những tác phẩm của ông có sự đa dạng về thể loại và miêu tả chân thực những góc cạnh trong đời sống người dân Nam Bộ. Tuy nhiên, có lẽ do một số yếu tố khách quan mà bộ phim Một thời ngang dọc đã không thể diễn tả hết được cái hay của những tác phẩm ấy.

Phim truyền hình miền Nam đương đại: Đâu rồi một thời vàng son!? - Ảnh 3.

Cảnh trong phim Một thời ngang dọc

Vào nửa sau của thập niên 2000, cơn sốt làm phim truyền hình Việt bùng nổ. Người xem thích thú với Bỗng dưng muốn khóc, Mùi ngò gai, Gọi giấc mơ về... Và sau đó là sự gia tăng về chủng loại: ngoài phim truyền hình "cổ điển", đã có thêm sit-com như Dù gió có thổi, Bà mẹ nhí… Thể loại phim về thời xưa của miền Nam cũng dần ít lại.

Nhưng rồi chủ đề "thời xa vắng" đã trở lại cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của văn hóa cổ điển phương Nam. Trong âm nhạc, đó là những chương trình ca nhạc Bolero, những chương trình hài kịch kết hợp giữa kịch - cải lương - Hồ Quảng - tân nhạc và tận dụng triệt để bối cảnh phương Nam những ngày xưa.

Điện ảnh cũng không nằm ngoài trào lưu này, một loạt các phim với chủ đề Nam Bộ ngày xưa được cho ra đời.

Gần đây nhất thì có Ải mĩ nhân sản xuất năm 2016 với sự tham gia của Thúy Diễm, Lương Thế Thành.

Phim truyền hình miền Nam đương đại: Đâu rồi một thời vàng son!? - Ảnh 4.

Nghệ sĩ Thanh Điền, Lương Thế Thành, Thúy Diễm trong Ải mĩ nhân

Không những bối cảnh cổ xưa, mà bản thân bộ phim cũng có một cốt truyện "không thể cũ hơn": Chuyện tam thê tứ thiếp của người cha, con riêng đoạt quyền, mưu mô của những người vợ lẽ. Có thể nói Ải mĩ nhân không khác gì những bộ phim tình cảm làng nhàng của điện ảnh miền Nam, chỉ khác ở phục trang và cách ăn nói của nhân vật trong phim.

Có "chất" hơn một chút là bộ phim Tơ đồng vương vấn kể về cuộc đời của cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu, người đã sáng tác khúc Dạ cổ hoài lang bất hủ. Tuy bộ phim có điểm thêm thông tin về cuộc đời nhạc sĩ Cao Văn Lầu và sự chuyển biến của loại hình nghệ thuật cải lương, nhưng đọng lại sau khi xem phim vẫn là số phận bi đát của những con người phương Nam trong một xã hội bất công.

Phim truyền hình miền Nam đương đại: Đâu rồi một thời vàng son!? - Ảnh 5.

Cảnh trong phim Tơ đồng vương vấn

Có thể thấy sự trở lại không mấy ấn tượng của dòng phim mang chủ đề "Nam bộ xưa" là một điều tất yếu. Đó là kết quả của việc những nhà làm phim thiếu đi một cốt truyện đủ thu hút khán giả. Việc chọn chủ đề "Nam bộ xưa" đơn thuần là một động tác "chữa cháy" khi mà khán giả đã quá chán ngán những bộ phim tình cảm có nội dung dễ đoán chỉ gói gọn trong những đại gia, chân dài, hay những bộ phim hình sự còn non tay cả về dựng phim lẫn biên kịch.

Thử nhìn vào một nền điện ảnh thân quen với khán giả Việt, chúng ta sẽ thấy đẳng cấp của kịch bản mới là thứ quyết định thành công của tất cả các loại chủ đề. Đó chính là điện ảnh Hong Kong - Trung Quốc với một bộ phim lấy chủ đề "Trung Quốc xưa": Bến Thượng Hải.

Phim truyền hình miền Nam đương đại: Đâu rồi một thời vàng son!? - Ảnh 6.

Bến Thượng Hải: một bộ phim về "ngày xưa" nhằm thể hiện sức mạnh của "hôm nay"

Những biên kịch Hồng Kong đã đóng góp rất nhiều cho nền văn hóa của người Trung Hoa khi tạo ra một bức chân dung xã hội Trung Quốc những năm 30 thế kỉ trước: đó là Hứa Văn Cường, một người trí thức yêu nước văn võ song toàn, hay Phùng Kính Nghiêu, kẻ tư sản mại bản bất chấp tất cả, và cả Đinh Lực, biểu tượng của những người nghèo tại Trung Quốc: ngây thơ, nghĩa khí… Giữa một Thượng Hải hoa lệ, rồng rắn lẫn lộn, những người Trung Quốc ấy đã yêu, hận, đấu tranh, hi sinh, phản bội, và khiến cho khán giả phải lạnh người vì những cung bậc cảm xúc họ đem lại.

Và dĩ nhiên, điện ảnh Hồng Kong những năm 1980 chẳng thiếu chủ đề. Họ có những bộ phim hài tình cảm gia đình, những bộ phim tâm lí xã hội về cảnh sát, doanh nhân, luật sư… Bộ phim Bến Thượng Hải được làm ra ngoài việc đem lại lợi nhuận, còn là một cách thể hiện niềm tự hào dân tộc của họ.

Phim truyền hình miền Nam đương đại: Đâu rồi một thời vàng son!? - Ảnh 7.

Một Hứa Văn Cường quyết liệt hơn qua diễn xuất của Huỳnh Hiểu Minh trong Tân Bến Thượng Hải

Chính vì thế mà năm 2010, người Trung Quốc đã dựng lại bản phim truyền hình Tân Bến Thượng Hải với Huỳnh Hiểu Minh, Tôn Lệ… Và trong bộ phim này, khí chất hiên ngang, tinh thần dân tộc của nhân vật Hứa Văn Cường còn mạnh mẽ hơn, tạo nên một hình tượng có phần bất khuất và quyết liệt hơn hình tượng lãng tử của Châu Nhuận Phát.

Hơn 20 năm, Thượng Hải vẫn "vàng son" dù Hứa Văn Cường đã chuyển từ Châu Nhuận Phát sang Huỳnh Hiểu Minh.

Trong khi đó cũng hơn 20 năm, Nam Bộ xưa vẫn phải ôm chân cậu bé An và leo lét trong những bộ phim nhạt nhòa dẫu cho kinh tế đã đi lên, nhiều thứ đã thay đổi trong nhận thức lẫn văn hóa.

Hi vọng rằng những nhà làm phim của Việt Nam sớm ngày tìm được một kịch bản đủ hay để Nam Bộ thực sự sống lại huy hoàng trong đó. Bởi vì tin chắc với những khán giả phía Nam, những người dân Nam Bộ thuần túy, khi nhìn thấy Người phán xử hay Sống chung với mẹ chồng rộn rã như thời gian qua, sẽ có chút chạnh lòng.