Có thể thấy bộ phim "Người vợ cuối cùng" và một vài phim Việt Nam gần đây được đầu tư trang phục, điều này góp phần giúp khán giả hiểu rõ hơn về quá trình tái hiện những giá trị truyền thống đầy ấn tượng.
Bộ phim "Người vợ cuối cùng" của đạo diễn Victor Vũ mới ra rạp ngày 3/11 vừa qua đang thu hút được nhiều sự quan tâm, dẫu kịch bản chưa được đánh giá cao, mà chỉ nằm ở mức an toàn, nhưng bộ phim lại gây được ấn tượng về phục trang của từng nhân vật, có khán giả còn đánh giá rằng: "Phục trang trở thành nội dung quan trọng cho phim Người vợ cuối cùng".
Trước khi ra mắt phim, diễn viên kiêm nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp chia sẻ:"Toàn bộ những bộ cổ phục đều được may đo riêng cho từng diễn viên. Hàng trăm diễn viên là hàng trăm bộ đồ, hàng nghìn mét vải".
Cô cũng chia sẻ thêm rằng: Giám đốc Mỹ thuật Ghia Ci Fam của phim "Người vợ cuối cùng" là một người rất chỉn chu và cầu toàn trong từng chi tiết. Một bộ trang phục thời xưa thường có từ 3 đến 4 lớp, và dù cho những lớp bên trong không được nhìn thấy đi chăng nữa thì Ghia Ci Fam vẫn yêu cầu diễn viên mặc đầy đủ để cảm nhận được hết giá trị mà bộ quần áo này mang đến.
Cụ thể, khi nhìn vào phục sức của người vợ cả (NSƯT Kim Oanh đóng vai), trang phục được lựa chọn thường là tông màu nóng, thường là đỏ hoặc nâu đậm trên nền vải đơn giản. Điều này thể hiện cá tính nghiêm khắc và có phần nóng nảy của nhân vật khi đây là "nữ chủ" của gia đình, luôn phải lo liệu việc trong việc ngoài hơn là dành thời gian điệu đà váy áo.