Đau gót chân
Đau gót chân là một triệu chứng của các bệnh như: xương gót bị thoái hóa mọc gai xương, viêm lớp đệm gót, viêm gân gót, suy tĩnh mạch, suy thận, lưu thông máu kém,… hoặc một số nguyên nhân khác.
Bệnh thường bắt đầu với những cơn đau chân nhẹ. Nếu chủ quan không được chữa trị kịp thời, cơn đau sẽ ngày càng lan rộng và nghiêm trọng hơn.
Bệnh tuy không nguy hiểm hoặc ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh nhưng lại gây ra cảm giác đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân và có thể tái đi tái lại nhiều lần nếu không chữa trị triệt để.
Tê chân
Bị tê hai chân thường là dấu hiệu rối loạn ngoại vi hệ thần kinh, đa phần gây ra bởi bệnh tiểu đường, chứng nghiện rượu mãn tính hoặc hiệu ứng của hóa trị. Nếu chỉ bị tê một chân, có thể là dây thần kinh bị ép chặt ở chân, mắt cá và lòng bàn chân, thông thường do mang giày quá chật trong thời gian dài.
Móng chân vàng
Móng chân thường bị vàng tự nhiên khi lớn tuổi hoặc sơn móng chân trong một thời gian dài. Tuy nhiên, nếu kèm theo hiện tượng giòn, dễ gãy hoặc dễ bong tróc, đó có thể là dấu hiệu bị viêm nhiễm do nấm, có thể dùng giấm để làm nhạt bớt.
Thường xuyên bị chuột rút
Mất nước thường làm cơ bắp bị chuột rút, vì vậy, nên uống đủ nước. Đồng thời cũng nên bổ sung thêm kali, magiê và canxi. Để giảm nhẹ, ngâm chân trong nước ấm và duỗi chân hướng lên mũi, không hướng xuống. Nếu không bớt nên đi khám.
Da bàn chân khô, nứt nẻ
Những hoạt động thường xuyên tạo áp lực lên bàn chân như chạy nhảy hoặc đi bộ trên chân trần cũng có thể khiến hình thành các vết chai. Da bàn chân khô nứt còn có thể gây ra bởi một số bệnh như viêm da, vảy nến, eczema, chứng dày sừng, nhiễm nấm.
Ngoài ra, khi bàn chân có mùi thì có thể đây là dấu hiệu bị nhiễm nấm. Phần da giữa các ngón chân và gan bàn chân có thể bị ngứa, cảm giác châm chích nhức nhối, nứt nẻ và khô. Nấm sinh sôi nhiều ở những môi trường nóng ẩm, nhiều mồ hôi, trong đó có bể bơi.
Xuất hiện màu xanh hoặc màu tím trên da chân
Mọi người có lẽ đã nhận thấy khi ở trong môi trường thời tiết lạnh, làn da của bạn có thể chuyển sang màu xanh. Nhưng có những trường hợp ngón chân của bạn có thể thay đổi màu sắc, ngay cả khi thời tiết môi trường ấm áp, chân không bị lạnh.
Hội chứng ngón chân xanh xảy ra khi các mạch máu bị chặn. Do đó, nếu chân xuất hiện các vết thâm màu xanh hoặc tím thì nên kiểm tra tình trạng mạch máu của bạn.
Xuất hiện những vết bầm tím không rõ nguyên nhân ở chân
Tất cả chúng ta nghĩ rằng bản thân mình có thể đã va vào một cái gì đó và bị bầm tím, nhưng có những trường hợp bạn bỗng nhìn thấy các đốm thâm tím hoặc xanh xuất hiện ngẫu nhiên mà không có bất kỳ nguyên nhân va đập nào và lưu lại trong một thời gian dài trên da của bạn.
Tình trạng này có nghĩa là cơ thể bạn có thể đã mắc một số bệnh như: bệnh gan, một số bệnh tự miễn, viêm mạch máu, rối loạn chảy máu.
Tê và phù chân
Trong cuộc sống hằng ngày, không ít chị em bị tê hoặc đau nhức toàn bộ chân, đó có thể đơn giản là đau sinh lý do tác động từ công việc, dẫn đến máu kém lưu thông nhưng cũng có thể là đau bệnh lý, bao gồm cả ung thư.
Các triệu chứng ban đầu của ung thư cổ tử cung thường không rõ ràng, nhưng nếu bạn bị tê bì, sưng tấy ở chân lâu ngày mà không có lý do, hãy đến bác sĩ sớm nhất có thể. Bởi vì dấu hiệu này thường xuất hiện ở giai đoạn cuối của ung thư cổ tử cung, khi khối u chèn ép các động mạch chính của cơ thể, ung thư đã di căn đến chân, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu ở chân, gây tê, sưng và đau chân.
Đau gan bàn chân
Nguyên nhân gây ra đau gan bàn chân thường do các chấn thương, chân bị áp lực khi đi lại hoặc phải đứng trong một thời gian dài làm chân bị kéo căng. Ngoài ra, đi giày không đúng kích thước cũng có thể làm đau gan bàn chân.
Bệnh thường phổ biến trong độ tuổi từ 40-60, tỷ lệ xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Những người làm nghề vận động viên hay công việc phải chạy nhiều có tỷ lệ mắc bệnh rất cao. Ngoài ra, người thừa cân, béo phì cũng dễ bị đau gan bàn chân.
Đau cổ chân
Khớp cổ chân là bộ phận phải chịu áp lực của toàn bộ trọng lượng cơ thể. Do đó, những hoạt động mạnh như chạy, nhảy, chơi thể thao, tập luyện, vận động mạnh... đều có khả năng làm tổn thương cổ chân, gây ra viêm, sưng, đau nhức kéo dài.
Đau khớp cổ chân không chỉ xảy ra với người lớn tuổi mà còn ở cả người trẻ tuổi. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như giảm khả năng đi lại hoặc gây tàn phế. Rất nhiều người vì chủ quan, xem nhẹ bệnh mà phải hối hận về sau.
Nguyên nhân đau khớp cổ chân có thể do chấn thương, gout, cân nặng, lối sống,… Để khắc phục tình trạng này, bạn cần thay đổi thói quen ăn uống lành mạnh, vận động nhẹ nhàng kết hợp với điều trị qua bác sĩ.