Hóa thạch này chỉ là một phần nhỏ của con gấu trúc và ban đầu các nhà khảo cổ không thể biết nó là cái gì.
Họ đã phải tỉ mẩn thu thập 148.329 mảnh DNA cực nhỏ từ hóa thạch, trải qua công đoạn "ghép hình" tinh vi và so sánh với bộ DNA của gấu trúc hiện đại. Kết quả cho thấy nó hoàn toàn thuộc về một con gấu trúc lang thang trên trái đất 22.000 năm về trước.
Mẩu hóa thạch 22.000 năm tuổi đã được xác định là của gấu trúc cổ đại - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Công trình nói trên do nhóm nghiên cứu đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc thực hiện. Trong bài báo vừa công bố ngày 18-6 trên tạp chí khoa học Current Biology, họ cho biết hóa thạch quý giá trên đã được phát hiện tại hang động Cizhutuo ở Quảng Tây, một nơi không có gấu trúc sinh sống trong hiện tại.
DNA của gấu trúc 22.000 năm trước có rất nhiều khác biệt so với gấu trúc hiện đại. Các nhà khoa học cho rằng đó là do chúng phải thích nghi qua nhiều giai đoạn khí hậu khác nhau. 22.000 năm trước, thế giới đang trải qua kỷ băng hà và sau đó trở nên ấm áp hơn rất nhiều, buộc tất cả động vật phải thích nghi để tồn tại.
Mẹ con gấu trúc trong một vườn thú tại Trung Quốc - ảnh: WWF
Nguồn gốc của gấu trúc, tên đầy đủ là "gấu trúc khổng lồ" (giant panda), có từ khoảng 20 triệu năm về trước. Đó là lúc các tổ tiên nhà gấu trúc bắt đầu tách khỏi dòng họ nhà gấu và phát triển với những đặc tính riêng.
Tuy nhiên, các nhà khảo cổ không có dữ liệu rõ ràng về quá trình chúng thay đổi và phát triển. Bởi lẽ, hóa thạch 22.000 năm tuổi nói trên là phần cơ thể cổ xưa nhất của loài này mà con người phát hiện.
Theo Live Science