Năm 2016, thế giới đón nhận một tin mừng về gấu trúc - loài "quốc bảo" của người Trung Quốc. Thời điểm ấy, gấu trúc chính thức được xóa tên trong danh sách "Nguy cấp" (endangered) của Sách Đỏ, mà chuyển thành "Sắp nguy cấp" (Vulnerable).
Trước đó chỉ 1 thập kỷ thôi, gấu trúc còn là một trong những loài vật đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Lý do là vì tập tính của chúng quá... lười để thay đổi theo những biến chuyển con người đã tạo ra cho tự nhiên. Hẳn rồi, có phải tự nhiên người ta gọi chúng là loài vật vô dụng nhất thế giới đâu?
Cũng may, những nỗ lực bảo tồn của loài người đã có kết quả. Số lượng gấu trúc tăng lên, giúp chúng thoát khỏi danh sách nguy cấp trong Sách Đỏ.
Tuy nhiên, không còn nguy cấp không có nghĩa là đã an toàn. Hiện tại, số lượng gấu trúc ngoài tự nhiên chỉ còn trên dưới 1.860 cá thể, và tất nhiên chúng cần được bảo vệ, nếu không muốn sớm quay trở lại danh sách đáng lo ngại kia.
Có điều bất chấp hình thể có phần to lớn, lũ gấu lười biếng chỉ biết ăn tre trúc này lại tương đối khó theo dõi ngoài tự nhiên. "Chúng sống tách biệt ở những nơi khó tiếp cận, và mật độ loài lại quá nhỏ, nên việc nhìn thấy chúng là tương đối khó" - trích lời Binbin Li, phó giáo sư khoa học môi trường từ ĐH Duke Kushan cho biết.
"Những gì chúng ta có thể biết chúng tồn tại chỉ là dấu chân và... dấu phân."
Nếu theo dõi gấu bằng cách phân tích ADN trong phân thì cần đến chi phí rất lớn, trang thiết bị hiện đại, lại phụ thuộc vào mẫu vật phải "tươi" nữa. Thế nên, chuyện theo dõi gấu bằng phân không hề khả thi.
Vết chân cũng vậy, quá rải rác và bất khả thi. Nhưng đó chỉ là chuyện trước kia thôi. Giờ đây, nghiên cứu của ĐH Duke Kushan đã xác nhận rằng gấu trúc có thể được cứu chính bằng những dấu chân đó.
Đôi chân "bé xinh" này chính là thứ sẽ cứu mạng gấu trúc trong tương lai
Cụ thể, cũng giống như vân tay của con người, dấu chân của gấu trúc cũng mang tính đặc trưng - tức là mỗi con gấu sẽ có một vết chân riêng, không con nào giống con nào. Cấu trúc riêng này sẽ được công nghệ mới mang tên FIT xử lý, qua đó giúp chúng ta theo dõi từng con gấu riêng lẻ, không một chút khó khăn.
FIT được viết tắt từ Footprint Identification Technique - hay Kỹ thuật xác nhận dấu chân. Đây là một hệ thống phần mềm tương tác, có thể đọc và phân tích hình ảnh về các dấu chân, sau đó đối chiếu và so sánh với các dữ liệu cho trước. Thậm chí, FIT còn xác định được giới tính của chủ nhân dấu chân ấy nữa.
Trước kia, FIT đã được sử dụng để theo dõi một số loài vật nguy cấp khác, như gấu trắng Bắc Cực ở phía Bắc Canada, hổ Amur của Nga, hay loài chuột sóc Hazel của Anh Quốc. Ưu điểm của FIT là tất cả mọi người trên thế giới đều có thể tham gia: chỉ cần gửi ảnh dấu chân đến cho Conservation FIT (dự án mới của tổ chức WildTrack, phụ trách theo dõi và bảo vệ các loài vật hoang dã), việc còn lại để các chuyên gia lo.
Đối với trường hợp của gấu trúc, các chuyên gia tin rằng kỹ thuật mới này có thể được dùng để theo dõi những con gấu trúc mới được thả về tự nhiên.
"Rất khó để biết được số lượng gấu trúc - chúng hay xấu hổ, và sống biệt lập trên núi. Nhưng chúng ta vẫn bắt buộc phải biết, để bảo vệ chúng khỏi cảnh tuyệt chủng" - trích lời Stuart L. Pimm, giáo sư khoa Bảo tồn sinh thái học từ ĐH Duke cho biết.
"Kỹ thuật theo dõi vết chân quả thực là một bước tiến lớn để giải quyết vấn đề này."
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Biological Conservation.