Đại dương rộng lớn ẩn chứa những điều kỳ bí mà con người không thể ngờ tới. Khám phá bí ẩn tại những khu vực sâu nhất đại dương luôn là một thử thách khó khăn đối với con người.
Gần đây các nhà khoa học đã dần vén bức màn bí ẩn mà đại dương bao phủ bấy lâu nay.
Loài cá không mặt là một trong những mẫu vật được tìm thấy.
Các nhà khoa học vừa tiến hành nghiên cứu về sinh vật biển sinh sống tại những khu vực sâu nhất của đại dương và phát hiện thêm 5 loài sinh vật mới từ 42.747 mẫu vật (bao gồm cá và sinh vật không xương sống).
Những mẫu vật này đã được tìm thấy ở độ sâu 4,8km, trong đó 5 loài sinh vật mới toanh được thu thập từ khu vực sâu thẳm của vùng biển phía Đông Australia - vùng biển rộng và sâu nhất hành tinh.
Nhà nghiên cứu thủy sinh John Pogonoski - tác giả nghiên cứu cho biết: "Đây là một quá trình nỗ lực không ngừng và tập trung cao độ để xử lý, ghi âm, chụp ảnh và tiến hành phân tích AND trên các mẫu vật được lấy từ khu vực sâu nhất đại dương.
Cuộc nghiên cứu này đã phá vỡ giới hạn khoa học, mở rộng tầm hiểu biết của con người về bí ẩn đại dương".
Một hình ảnh khác về các sinh vật mới được tìm thấy.
Quá trình này đòi hỏi các nhà khoa học phải thu thập càng nhiều dữ liệu hữu hình càng tốt, 100 loài khác nhau từ hành trình hiện đang được nghiên cứu tại Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO).
Trong số 100 loài kể trên có 10% loài chưa từng được ghi nhận tại Australia trước đó. Cụ thể, một vài loài cá chình kỳ dị được phát hiện như "basketwork eel", "eelpout", "duckbilled eel" - nhà nghiên cứu Pogonoski cho biết.
Hiện đang có hơn 100 trong số hàng vạn mẫu vật đang được nghiên cứu tại CSIRO. Các nhà khoa học của bảo tàng Melbourne chia sẻ: "Rất có thể còn nhiều sinh vật mới sẽ tiếp tục xuất hiện sau cuộc nghiên cứu này".
Các nhà khoa học đang cố gắng đi tìm lời giải thích về sự tiến hóa của những sinh vật sống trong vùng biển tối đen như mực.
Vực thẳm đại dương chính là môi trường trú ngụ rộng và sâu nhất hành tinh. Môi trường bí ẩn này còn rất nhiều điều chưa được khám phá.
Cá chình mỏ vịt (duckbill ell) là một trong những loài mới xuất hiện được tìm thấy tại vực thẳm phía đông Australia.
Được biết, phát hiện lần này mở ra cho giới khoa học 1 cái nhìn thoáng qua về sự thích nghi của sinh vật biển đối với những vùng biển sâu, thiếu ánh sáng.
Bên cạnh đó, đối với các nhà khoa học, mỗi sinh vật mới là một mảnh ghép giúp giải mã bức tranh bí ẩn của đại dương.
Một sinh vật kỳ dị trông giống như loài sâu trên mặt đất.
Cuộc hành trình nghiên cứu này được khởi xướng bởi viện bảo tàng Victoria.
Đây là cuộc hành trình kéo dài trong suốt 1 tháng với sự tham gia của nhiều nhà khoa học nghiên cứu đến từ viện bảo tàng và cả Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO).
Cho đến nay có khoảng 242.500 sinh vật biển được ghi nhận tại Cơ sở dữ liệu sinh vật biển "World Register of Marine Species" đến từ hơn 300 nhà nghiên cứu khắp thế giới và số lượng sẽ còn tiếp tục gia tăng trong tương lai.
Nguồn: Daily Mail