Các kết quả vừa được công bố trên tạo chí GeroScience cho thấy ngoài các yếu tố di truyền, con người vẫn có một số khả năng quyết định tuổi thọ của chính mình.
"Nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu lớn nhất so sánh hồ sơ dấu ấn sinh học được đo trong suốt cuộc đời những người có tuổi thọ đặc biệt cao và những người có tuổi thọ ngắn hơn cho đến nay" - PGS Karin Modig, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Một cụ bà đón sinh nhật lần thứ 100 - Ảnh: Dan Negureanu
44.000 tình nguyện viên đã trải qua đánh giá sức khỏe ở độ tuổi từ 64 đến 99, sau đó được theo dõi trong tối đa 35 năm. 2,7% số tình nguyện viên này đã thọ trên 100 tuổi.
12 dấu ấn sinh học dựa trên máu liên quan đến tình trạng viêm, chuyển hóa, chứng năng gan và thận, cũng như tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu máu tiềm ẩn đã được đưa vào nghiên cứu.
Trong đó, 10 dấu hiệu rõ rệt nhất thể hiện khả năng sống thọ đã được lọc ra.
Rõ ràng nhất, những người trải qua sinh nhật thứ 100 có xu hướng có mức glucose, creatinine (liên quan đến chức năng thận) và axit uric thấp hơn từ độ tuổi 60 trở đi.
Rất ít người sống trên 100 tuổi có đường huyết trên 6,5 hoặc mức creatinine trên 125.
Nồng độ sắt trong máu bị thấp cũng khiến con người khó lòng chạm được ngưỡng 100.
Ngoài ra, các dấu hiệu liên quan chức năng trao đổi chất như cholesterol toàn phần; các dấu hiệu liên quan chức năng gan bao gồm aspartate aminotransferase (Asat), gamma-glutamyl transferase (GGT), alkaline phosphatase (Alp) và lactate dehydrogenase (LD); tổng khả năng liên kết sắt (TIBC) cũng liên quan mạnh mẽ đến tuổi thọ.
Theo các tác giả, nghiên cứu này không đưa ra một kết luận cụ thể rằng yếu tố lối sống nào hay gien cụ thể nào chịu trách nhiệm cho các dấu ấn sinh học. Tuy nhiên, thật hợp lý khi tin rằng các yếu tố dinh dưỡng, lối sống hoàn toàn có thể trao cho chúng ta quyền tự quyết về tuổi thọ của mình một cách tương đối.