Tuần này, Maze Runner: The Death Cure - phần phim cuối cùng trong series Maze Runner chính thức ra mắt khán giả toàn cầu. Hiện tại, bộ phim đang giữ ngôi vương phòng vé với doanh thu mở màn gần 24 triệu đô la tại thị trường nội địa. Dù con số này cao hơn một chút so với ước tính ban đầu nhưng lại hết sức khiêm tốn so với hai phần phim trước.
Có lẽ The Death Cure cũng lại góp mặt vào danh sách "những phần phim sau kém nhiệt hơn phần trước" cùng hai bộ phim Mocking jay của The Hunger Games series, phần phim Divergent cuối và cả phần tiếp nối của Percy Jackson: Sea of Monsters. Dù nguyên nhân xuất phát từ chất lượng đi xuống của đa số các phần phim sau, thị hiếu người xem thay đổi hay việc các nhà sản xuất không nắm bắt kịp sở thích của thế hệ khán giả mới, có thể thấy rõ rằng trào lưu phim chuyển thể từ tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên hiện tại đã đến hồi thoái trào.
Hai loạt phim Maze Runner và Divergent đều cùng công phá màn ảnh vào năm 2014, tiếp nối thành công vang dội trên toàn cầu của hai "tiền bối" The Hunger Games series và Twilight Saga. Theo thống kê tổng hợp từ các phòng vé, mỗi thương hiệu phim nói trên đều đã thu về tới trên ba tỷ đô la.
Khi đó, đội ngũ sản xuất ở các hãng phim lớn tràn trề hy vọng rằng phim chuyển thể từ tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên sẽ trở thành trào lưu ăn khách của tương lai và hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu phim siêu anh hùng hay viễn tưởng khác trong việc thu hút đối tượng khán giả trẻ vốn ham thích những tác phẩm hành động có yếu tố lãng mạn.
Tuy nhiên, những thương hiệu phim này lại không đạt được thành công trọn vẹn như kỳ vọng. Loạt phim Twilight kết thúc vào năm 2012 với năm phần phim nhận được đánh giá tương đối tệ hại về chất lượng cùng những vụ lùm xùm bê bối đằng sau hậu trường. Cùng năm đó, The Hunger Games series bước tiếp vào cuộc đua phòng vé và nhận được sự tán thưởng trên toàn cầu với thành công vang dội của hai phần phim đầu (The Hunger Games và Catching Fire), đưa nhân vật Katniss Everdeen của Jennifer Lawrence trở thành người hùng mới của nhiều khán giả trẻ.
Không giống như "cô nàng bánh bèo" Bella (Kristen Stewart thủ vai) trong Twilight, Katniss của Hunger Games là một chiến binh thực thụ luôn đấu tranh vì gia đình, vì những người mình yêu thương và thay đổi bộ mặt xã hội nơi cô sống. Yếu tố "tình yêu tay ba" là vấn đề chủ đạo trong Twilight cũng được khai thác trong Hunger Games nhưng ở loạt phim này, nhân vật nữ chính là người nắm thế chủ động trong mối quan hệ chứ không đơn giản chỉ "ngồi yên làm đối tượng tranh giành của hai chàng trai".
Điều đó phản ánh sự ảnh hưởng to lớn của làn sóng nữ quyền đến ngành công nghiệp giải trí khi ngày càng có thêm nhiều nhân vật nữ giữ vai trò đầu tàu trong các dự án lớn và có vị trí quan trọng trong nền văn hoá đại chúng.
Đáng tiếc là sau màn ra mắt thành công của Catching Fire, thương hiệu Hunger Games đã dần đánh mất sự hấp dẫn đối với công chúng. Nguyên nhân có thể được lý giải từ việc hãng Lionsgate quyết định tách phần cuối Mocking jay thành hai bộ phim và các khán giả trung thành của Hunger Games từ hai phần phim đầu cũng như từ các loạt phim thanh thiếu niên ăn khách trước đã trưởng thành và chuyển mối quan tâm sang các thể loại phim có sức nặng hơn. Khi hành trình chinh phục phòng vé của Hunger Games series kết thúc với Mocking jay: Part 2, Maze Runner và Divergent series đã ngay lập tức nhảy vào "tiếp sóng".
Phần đầu của Maze Runner series do đạo diễn Wes Ball chỉ đạo và có sự góp mặt của Dylan O’Brien – nam diễn viên đã gây ấn tượng với khán giả từ phim truyền hình đình đám Teen Wolf đã chào sân ấn tượng với 32 triệu đô la mở màn tại thị trường nội địa và thu về tổng cộng 348 triệu đô trên toàn cầu trong năm 2014.
Tác phẩm cũng nhận được ý kiến khá tích cực từ các nhà phê bình với điểm A- trên Cinemascore và điểm số 65% trên Rotten Tomatoes – một kết quả cực kỳ khả quan so với những bộ phim cùng thể loại được đánh giá khá tệ như Mortal Instruments: City of Bones, The Host và Vampire Academy.
Tuy nhiên, thương hiệu Maze Runner lại "giảm nhiệt" nhanh chóng khi phần phim sau là The Scorch Trials (2015) chỉ thu về 30,3 triệu doanh thu mở màn cùng điểm B+ trên Cinemascore. Tổng doanh thu của The Scorch Trials cũng thấp hơn 36 triệu so với The Maze Runner và chỉ nhận được 46% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes.
Nguyên nhân dẫn đến sự thất bại này được cho là do cốt truyện phức tạp, lời thoại nhàm chán cùng sự thiếu vắng chất hài hước độc đáo từ tiểu thuyết gốc của James Dashner. Việc bị đánh giá tiêu cực rõ ràng đã ảnh hưởng lớn tới doanh thu của phần phim thứ ba - Maze Runner: The Death Cure.
Trước đó, bộ phim đã gặp nhiều trục trặc trong quá trình sản xuất khi bị dời lịch chiếu lại một năm vì nam chính Dylan O’Brien gặp tai nạn nghiêm trọng trên phim trường. Dù có kinh phí sản xuất cao nhất trong cả ba phần phim (62 triệu đô la), song The Death Cure lại thu về doanh thu mở màn khiêm tốn nhất cùng tỷ lệ đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes thấp nhất trong cả loạt phim với chỉ 44%.
Được chuyển thể dựa trên bộ tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của Veronica Roth, Divergent là loạt phim có nhiều điểm tương đồng nhất với Hunger Games khi cùng xoay quanh nhân vật chính là một cô gái trẻ dũng cảm, độc lập và mạnh mẽ. Điều đặc biệt là chính Jennifer Lawrence (người thủ vai Katniss của Hunger Games) đã thuyết phục Shailene Woodley nhận vai Tris trong Divergent.
Với kinh nghiệm thu được từ việc sản xuất và hai thương hiệu phim đình đám trước đó là Hunger Games và Twilight, hãng Lionsgate tiếp tục chiến dịch quảng bá hoành tráng cho dự án bom tấn Divergent. Sau khi phần phim đầu tiên – Divergent ra mắt năm 2014 mở màn với 54,6 triệu đô trên tổng doanh thu 288 triệu đô trên toàn cầu, phần thứ hai mang tên Insurgent công chiếu sau đó một năm tiếp tục đạt được thành công tương đối khi thu về tổng cộng 297 đô la.
Tuy nhiên, phần phim thứ ba – Allegiant lại là một thất bại thảm hại khi chỉ mở màn với 29 triệu đô và kết thúc hành trình tại các phòng chiếu với chỉ 179 triệu đô đồng thời nhận mức điểm đánh giá tồi tệ là 12% tích cực trên trang Rotten Tomatoes. Sự thất bại của Allegiant đã khiến hãng Lionsgate phải đi đến "hạ sách" là biến phần cuối cùng của thương hiệu Divergent thành một bộ phim truyền hình.
Đúng như dự đoán của nhiều người, sau khi quyết định này được hãng phim đưa ra, nữ diễn viên ShaileneWoodley đã tuyên bố không tham gia vào phần phim truyền hình, từ đó chấm dứt vai trò của mình đối với loạt phim.
Nhìn chung, vấn đề mà tất cả các thương hiệu phim về thanh thiếu niên gặp phải chính là việc phần sau kém ăn khách hơn phần trước do sự suy giảm về chất lượng ở các phần phim sau và thị hiếu phim không còn phù hợp với đối tượng khán giả ủng hộ phim ngay từ phần đầu. Có nhiều thương hiệu phim dù rất có tiềm năng nhưng lại "kém may mắn" khi "chết yểu" chỉ sau đúng một phần như The Golden Compass hay Ender’s Game. Trong khi đó, những loạt phim "sống thọ" hơn lại ngày càng giảm sút về chất lượng qua từng phần phim nối tiếp và đứng trước nguy cơ bị dừng sản xuất.
Đứng trước sự thoái trào của dòng phim chuyển thể từ tiểu thuyết về thanh thiếu niên, các hãng phim đã chuyển hướng sang phát triển sang các thương hiệu phim siêu anh hùng hoặc phim giả tưởng xoay quanh các nhân vật trẻ tuổi, đơn cử như Fox với dự án The New Mutants kể về lứa dị nhân trẻ trong loạt phim X-Men mới.
Có lẽ đây là một hướng phát triển mới nhiều hứa hẹn hơn dành cho các bộ phim về thanh thiếu niên cho tới khi có một loạt tiểu thuyết mới đủ sức hấp dẫn đối với công chúng để được chuyển thể lên màn ảnh xuất hiện. Hãy cùng chờ xem trong tương lai sẽ xuất hiện thương hiệu mới nào có thể "cứu vớt" trào lưu phim chuyển thể từ các tác phẩm về thanh thiếu niên.