Ông ngoại tuổi 30: Tình thân và sự nghiệp có phải là một sự lựa chọn khó khăn?

A.D, Theo Trí Thức Trẻ 13:30 31/03/2018

Chúng ta luôn có một tuổi trẻ rực rỡ, luôn mong muốn một cuộc sống tốt đẹp, hoàn hảo nhất. Nhưng, phía sau những điều đẹp đẽ đó, vẫn có nhiều góc tối mà người ta sợ hãi phải đối diện. Cứ nhìn những nhân vật trong “Ông ngoại tuổi 30” phiên bản Việt thì rõ.

Khi tình yêu đẹp không kết thúc bằng một cái kết đẹp

Có thể khẳng định, ít nhiều trong mỗi người đều lưu giữ cho mình một mối tình thời niên thiếu ngây thơ, hồn nhiên và đẹp nhất. Cũng giống như anh chàng Sơn Huy hay cô bé Mi Trần, họ có một người để yêu trong khoảng thời gian đẹp nhất. Từng ánh mắt, nụ cười, cái nắm tay khiến người ta rung động.

Ai xem các thước phim tuyệt trong hồi ức của hai bố con Sơn Huy và Mi Trần, chắc cũng đều có thể tự nhiên rung động, vì nó đẹp quá, đẹp đến mức như một giấc mơ.

Ai có thể khống chế được bản thân mình khi yêu? Đặc biệt ở cái lứa tuổi mới biết yêu lần đầu? Và ai mà không mong muốn lưu giữ mãi mãi chuyện tình đẹp như mơ của mình, và cứ để nó như một giấc mơ.

Ông ngoại tuổi 30: Tình thân và sự nghiệp có phải là một sự lựa chọn khó khăn? - Ảnh 1.

Nhưng, đời không như là mơ, và chuyện tình yêu không chỉ đẹp mà đôi khi còn… đầy bất ngờ đến mức người ta không thể chấp nhận. Chẳng hạn như một ngày đẹp trời tình yêu của mình bỗng nhiên bỏ đi xa, bặt vô âm tín. Chẳng hạn như mình phát hiện ra dù người mình yêu đã bỏ đi, nhưng mình lại đang mang một em bé chưa thành hình?

Hay bi kịch hơn, mình còn không biết có sự tồn tại của một người con của mình và người mình yêu, trong suốt mười mấy năm liền. Và hai bố con Sơn Huy- Mi Trần, trùng hợp làm sao, lại chính là nhân vật chính bế tắc của câu chuyện tình của chính mình. Làm thế nào khi phải đối diện với thực tế rằng mình đã có con? Làm thế nào để đang là một người tự do bỗng dưng phải nhận trách nhiệm làm cha? Tình yêu đầu trong lòng bỗng dưng nứt toác, chỉ vì sự xuất hiện của một sinh mệnh, và mình phải lựa chọn, là một cảm giác không hề dễ chịu.

Ông ngoại tuổi 30: Tình thân và sự nghiệp có phải là một sự lựa chọn khó khăn? - Ảnh 2.

Giữa sự nghiệp và tình thân, chúng ta đều từng phải chọn

Trong phim, Sơn Huy từng nói một câu gây tổn thương cho đứa con gái của mình, rằng thật ra anh chưa từng muốn có một cô con gái ở trên đời. 10 năm cố gắng để gây dựng tên tuổi, đang bắt đầu trải nghiệm cảm giác ở đỉnh cao sự nghiệp, mong muốn hưởng thụ một cuộc sống tốt hơn, ai mà muốn từ bỏ nó? Ai muốn một scandal “chấn động” sẽ xoá bỏ tất cả?

Thế nhưng, tình cảm gia đình là một thứ tình cảm vẫn luôn còn đó. Dù mười mấy năm không hề biết về sự tồn tại của con gái chính mình (kèm theo một đứa cháu trai), thì tình cảm cha con, những mối dây liên hệ máu mủ vẫn là điều không thể xoá nhoà được.

Ông ngoại tuổi 30: Tình thân và sự nghiệp có phải là một sự lựa chọn khó khăn? - Ảnh 3.

Có lẽ, ai trong đời cũng từng phải đứng trước những sự lựa chọn khó khăn như thế.

Nhưng cuối cùng, Mi Trần vẫn chọn giữ cậu bé Đông Phương, trở thành một bà mẹ đơn thân khi tuổi đời còn rất nhỏ. Và Sơn Huy, trong lúc nguy cấp, mới nhận ra mình yêu thương con gái và cháu ngoại của mình đến thế nào, để bất chấp mọi ánh mắt, những ánh đèn flash máy ảnh sáng lên liên tục, vẫn chạy đến phía con mình, người cần mình hơn ai hết.

“Ai cũng có cha mẹ, chính con cũng cần phải có điều đó mà” - Có lẽ câu thoại của Mi Trần sẽ khiến nhiều người xúc động.

Thứ ở lại với chúng ta, sau bao nhiêu biến cố, vẫn luôn là gia đình.

Khi người ta trưởng thành, người ta học cách đối diện sai lầm

Ai cũng có một quá khứ, ai cũng có sai lầm. Các nhân vật trong “Ông ngoại tuổi 30” cũng vậy. Chỉ là, người ta cần một thứ thúc đẩy để có thể nhận ra lỗi lầm của chính mình. Và biến cố cuối phim là một chất xúc tác như thế. Để cho tất cả các nhân vật tìm thấy câu trả lời cho mình, một lần đối diện với tất cả và tìm thấy điều quý giá nhất.

Ông ngoại tuổi 30: Tình thân và sự nghiệp có phải là một sự lựa chọn khó khăn? - Ảnh 4.

Với một bộ phim như “Ông ngoại tuổi 30” đã không còn xa lạ với khán giả, thì phiên bản Việt đã rất duyên khi chuyển thể một cách nhuần nhuyễn, nắm bắt tâm lý nhân vật và xây dựng tình huống chặt chẽ dựa trên kịch bản gốc. Nhân vật của phiên bản Việt vì thế mà gần gũi hơn, dễ đồng cảm hơn.

Để sau khi xem xong bộ phim, trong lòng mỗi người đểu sẽ suy nghĩ về chuyện, mạnh mẽ đối diện với sai lầm của bản thân mình, cũng là một sự trưởng thành.

Ông ngoại tuổi 30 hiện đang được công chiếu rộng rãi trên toàn quốc.