Đạo diễn của "Isle of Dogs" gây tranh cãi vì bị cho rằng làm phim về... chó để khắc họa văn hoá phương Đông

Hồng Ngọc, Theo Trí Thức Trẻ 07:45 31/03/2018
Chia sẻ

Dự án phim về những chú chó được thai nghén nhiều năm của đạo diễn Wes Anderson có vẻ khá lận đận khi dính phải sự phán xét từ một số chuyên gia khó tính.

Isle Of Dogs (Đảo Của Những Chú Chó), tác phẩm đánh dấu sự trở lại của đạo diễn tài năng Wes Anderson kể từ The Grand Budapest Hotel (Khách Sạn Đế Vương, 2014) hiện đang nhận được cơn mưa lời khen từ các nhà phê bình nhờ phần hình ảnh sinh động cũng như nội dung và tư tưởng hấp dẫn, độc đáo.

Trailer phim "Isle of Dogs" (Đảo Của Những Chú Chó)

Bộ phim đã thu về 1,57 triệu USD trong tuần công chiếu (thăm dò) đầu tiên tại 27 rạp chiếu phim ở 6 thành phố Bắc Mỹ và đạt kỷ lục về số rạp chiếu tuần đầu trong sự nghiệp đạo diễn phim độc lập của Wes Anderson. Tuy nhiên, tác phẩm lại có vẻ không được lòng nhiều khán giả và chuyên gia là người Mỹ gốc Á khi họ cho rằng Isle Of Dogs phản ánh một vài khía cạnh gây tranh cãi về văn hoá.

Đạo diễn của Isle of Dogs gây tranh cãi vì bị cho rằng làm phim về... chó để khắc họa văn hoá phương Đông - Ảnh 2.

Là phim hoạt hình tĩnh vật thứ hai của Wes Anderson, Isle Of Dogs được đặt trong bối cảnh giả tưởng là thành phố Megasaki của nước Nhật đang trải qua nạn bùng nổ dân số… chó. Khi dịch bệnh cúm chó nổ ra, những chú chó bị tống lên một hòn đảo toàn rác thải, cách ly hoàn toàn với loài người. Tình huống truyện mở ra khi cậu bé Atari (do Koyu Rankin lồng tiếng) bắt đầu hành trình tới đảo rác để tìm kiếm chú chó cưng thân yêu và được những con chó tốt bụng trên đảo giúp đỡ. Phim được xây dựng rất nhiều tình huống hài hước thú vị đúng theo phong cách của Wes Anderson.

Mặc dù đối tượng được khắc hoạ chính trong Isle Of Dogs là những chú chó, song nhà báo Justin Chang của tờ Los Angeles Times đã chỉ ra điểm bất thường ở cách Anderson xây dựng hình ảnh con người trong phim. Nhà báo này cho rằng vị đạo diễn người da trắng đã thể hiện sự thiếu nhạy cảm khi khắc hoạ văn hoá Á Đông.

Đạo diễn của Isle of Dogs gây tranh cãi vì bị cho rằng làm phim về... chó để khắc họa văn hoá phương Đông - Ảnh 3.

Trong phim, các cư dân của thành phố Megasaki đều nói tiếng Nhật và thường không kèm theo phụ đề, trong khi những chú chó lại nói tiếng Anh. Theo lời nhà báo Justin Chang, phần lớn các đoạn thoại tiếng Nhật trong phim "đều được tiết giảm thành những câu rất đơn giản". Ngoài ra, vị này còn chỉ ra rằng bộ phim đã hạ thấp vị thế của các nhân vật là cư dân Megasaki khi khắc hoạ họ thành "những kẻ nhẹ dạ, cả tin trong mắt người nước ngoài ngay tại chính thành phố của mình."

Nguyên do của lý lẽ này xuất phát từ việc Isle Of Dogs đề cao nhân vật Tracy Walker (lồng tiếng bởi đạo diễn của Lady Bird - Greta Gerwig) - một du học sinh người Mỹ và đồng thời là người đi đầu phong trào bảo vệ loài chó trong phim.

Không chỉ Chang mà khá nhiều nhà phê bình gốc Á cũng cùng chia sẻ quan điểm này. Cây viết Angie Han ở Mashable cho rằng Isle Of Dogs đã thể hiện sự tôn vinh đối với các bậc thầy điện ảnh Nhật Bản, trong đó có cả nhà làm phim lừng danh Akira Kurosawa, song việc Wes Anderson khắc hoạ không đúng về người Nhật cũng khiến tác phẩm của vị đạo diễn kỳ tài này vướng phải nhiều tranh cãi.

Đạo diễn của Isle of Dogs gây tranh cãi vì bị cho rằng làm phim về... chó để khắc họa văn hoá phương Đông - Ảnh 4.

"Anderson muốn chúng ta nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn của loài chó chứ không phải con người và sử dụng sức mạnh ngôn ngữ để định hướng suy nghĩ của chúng ta. Vấn đề của Isle Of Dogs nằm ở chỗ bộ phim đã vướng phải thói quen tiêu cực bao lâu này của nghệ thuật Mỹ là hạ thấp những người châu Á khi vay mượn những nét văn hoá cùng bối cảnh sống đặc sắc của họ mà không quan tâm đến người đã tạo nên nền văn hoá ấy và sống ở bối cảnh ấy.", Angie Han cho hay.

Chưa hết, vị này còn chỉ trích bộ phim gay gắt hơn khi nói: "Việc vị đạo diễn người Mỹ da trắng đối xử với văn hoá Nhật Bản như món đồ trang trí hời hợt, coi người Nhật là những kẻ lạ lùng kỳ dị và khắc hoạ chính nước Nhật như một sàn diễn kỳ quái đã khiến thông điệp bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương mà Isle Of Dogs hướng tới trở nên thật vớ vẩn."

Đạo diễn của Isle of Dogs gây tranh cãi vì bị cho rằng làm phim về... chó để khắc họa văn hoá phương Đông - Ảnh 5.

Trong khi đó, đạo diễn Wes Anderson - người viết kịch bản và chỉ đạo cho Isle Of Dogs vẫn chưa có bình luận gì trước những ý kiến phản bác nói trên. Tuy nhiên, diễn viên kiêm nhà văn người Nhật Kunichi Nomura - cố vấn cho Anderson đồng thời cũng tham gia lồng tiếng nhân vật phản diện là thị trưởng thành phố Megasaki trong phim đã lên tiếng giải thích cho chuyện xung đột văn hoá mà tác phẩm đang gặp phải.

Nomura cho hay chính Wes Anderson cũng đã tham khảo ý kiến từ mình, song ông không muốn can thiệp vào ý tưởng của vị đạo diễn dù ông có quyền đóng góp ý kiến vào quá trình dựng phim. Trả lời phỏng vấn với CBC Radio, Kunichi Nomura đã nhấn mạnh rằng "không cần thiết phải khắc hoạ mọi thứ chính xác hoàn toàn."

Tuy nhiên, ý kiến tranh cãi mà các nhà phê bình người Mỹ gốc Á đưa ra cũng không phải vô lý khi không chỉ Isle Of Dogs mà khá nhiều bộ phim của Hollywood từ trước tới nay đã vay mượn các yếu tố văn hoá châu Á và khắc hoạ theo cách khá thiếu tinh tế, gây nên không ít ý kiến trái chiều.

Đạo diễn của Isle of Dogs gây tranh cãi vì bị cho rằng làm phim về... chó để khắc họa văn hoá phương Đông - Ảnh 6.

Mới đây, tác phẩm mới nhất của Wes Anderson vừa gây được sự chú ý lớn khi cho phép khán giả mang theo cún cưng tới xem buổi chiếu thử tại rạp Cameo ở Edinburgh. Vé dành cho suất chiếu thử này đã nhanh chóng bán hết và các khán giả đều rất thích thú khi lần đầu tiên được thưởng thức một bộ phim điện ảnh thú vị cùng những chú cún dễ thương của mình.

(Nguồn: HuffingtonPost)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày