Sơn Trà luôn là địa chỉ du lịch không thể bỏ qua với những du khách đến Đà Nẵng. Nhưng vẻ nguyên sơ của bán đảo này đang ngày một bị xấu đi bởi sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại rác thải mà người dân vứt bỏ lại nơi đây.
Là người thường xuyên rong ruổi trên các cung đường uốn lượn của núi Sơn Trà để bán kem cho du khách, cứ mỗi lần thấy rác thải nhem nhuốc dọc đường, chú Nguyễn Dân (55 tuổi) lại lập tức dừng xe, cặm cụi nhặt nhạnh từng vỏ chai lọ, bao nylon… lẫn trong các thảm hoa, vỉa hè, dưới mương nước…
Nhà chú Dân ở tít thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), nên mỗi sáng chú phải thức dậy từ lúc tờ mờ sáng, sau đó chạy chiếc xe máy cà tàng hơn 1 giờ đồng hồ chở thùng kem lên bán đảo Sơn Trà để bán. Suốt dọc đường đi, nếu gặp khách, chú dừng lại mời mua kem, còn vắng khách thì chú lại lụi hụi đi lượm rác.
Thoạt nhìn làn da rám nắng và lúc nào cũng lăm lăm cây gắp rác trên tay, nhiều người mới gặp, dễ nhầm tưởng chú Dân là công nhân môi trường thứ thiệt.
3 năm qua, chú Dân luôn xem việc nhặt rác như niềm vui và đam mê của mình.
Chú Dân chia sẻ, gắn bó và mưu sinh ở Sơn Trà từ nhiều năm nay, thấy Sơn Trà xanh đẹp mà bị rác thải làm "xấu", không đành lòng, nên chú quyết định góp một chút công sức nhỏ bé của mình để cải thiện môi trường nơi đây. Ban đầu thấy rác thì nhặt, nhưng càng nhặt càng thấy nhiều rác, nên chú Dân quyết định mang theo đồ để đựng, từ túi nhỏ rồi đến bao to. Ngay cạnh bên đường cho đến tận hốc cây, thậm chí ở các khu vực vực sâu, cây bụi chú cũng cố thò tới để nhặt lấy.
Những năm trước, chú Dân bán kem ở chùa Linh Ứng, rồi ngược lên đỉnh Bàn Cờ, nơi vốn có nhiều người đến tham quan. Hồi đó, khu vực này nhiều rác, nhưng từ khi Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đặt các thùng rác thì đã cải thiện được tình trạng này. Kể từ đó, chú Dân lui xuống bán kem ở khu vực Bãi Bắc, đoạn đường qua chùa Linh Ứng dẫn xuống Cây đa di sản, cách trung tâm Đà Nẵng hơn 10 km này và đảm nhận luôn công việc dọn vệ sinh tại nơi này.
Trung bình mỗi ngày chú Dân nhặt được khoảng 15-20kg, đỉnh điểm là 30kg rác thải gồm: chai lọ, bao nilong,...
Cứ thế, suốt 3 năm nay, hằng ngày, dù thùng kem có bán còn hay hết, thì "chiến lợi phẩm" mà chú Dân mang xuống núi vẫn là những bao rác to với đầy vỏ hộp sữa, lon bia, chai nhựa, bao nylon, thức ăn thừa do người dân và du khách bỏ lại khi tham quan bán đảo Sơn Trà.
"Không riêng gì vỏ kem mà rác gì tôi cũng lượm cả. Trung bình mỗi ngày tôi nhặt được khoảng 3 bao nylon lớn. Cứ mỗi lần gom đầy 1 bao là tôi đặt ở ven đường. Đến khi chiều xuống núi thì chở hết về bỏ vào thùng rác dưới chân bán đảo", chú Dân, chia sẻ.
Mỗi ngày, bán kem khoảng 5 tiếng giúp chú Dân kiếm được khoảng 300.000 đồng. Do kem của chú ngon, lại rẻ nên rất đắt khách. Nhiều người góp ý mùa nắng nên bán nhiều hơn để kiếm thêm thu nhập, nhưng chú Dân bảo để dành thời gian đi nhặt rác.
Giờ đây, những khu vực nhiều rác ở bán đảo Sơn Trà được chú Dân thuộc lòng bàn tay. Từ khu hồ xanh nơi có nhiều cặp đôi tìm đến chụp ảnh cưới, đến Bãi Rạng, Bãi Bắc nơi thu hút nhiều khách du lịch.
Dù có thể bán nhiều kem hơn để kiếm thêm tiền, nhưng chú Dân không chịu, bởi chú sợ "không có thời gian... nhặt rác".
Chú Dân chia sẻ, trước đây bán đảo Sơn Trà ít người lui tới nên rất hoang sơ và sạch đẹp. Nhưng giờ đây, mỗi ngày Sơn Trà đón hàng trăm du khách. Càng nhiều người lui tới, khiến lượng rác thải ra môi trường cũng nhiều hơn. Nói rồi, chú Dân thở dài, bảo chỉ vì ý thức của nhiều người quá kém nên đã làm Sơn Trà mất đi vẻ đẹp thanh sạch.
"Nhiều người lên dã ngoại, cắm trại, ăn uống xong rồi vô tư bỏ lại thức ăn thừa, bao nilon, chai lọ lại. Nhiều người còn vứt rác thải xuống vực hay bỏ sâu trong bụi rậm nên rất khó thu hồi. Chiều qua tôi vừa nhặt một bao đầy chỗ này mà sáng nay lên nhặt tiếp vẫn có nhiều rác. Tôi nhặt rác là thói quen, thấy rác nằm lăn lóc không nhặt không chịu được. Hi vọng, khách lên bán đảo thấy mình nhặt rác thế này họ cũng ý thức và ít xả rác hơn", vừa nói, chú Dân vừa cặm cụi nhặt những hộp xốp, chai nước, ly trà sữa lẩn dưới những đám cỏ ngay trước khu vực chùa Linh Ứng.
Việc kiên trì nhặt rác suốt 3 năm qua của chú Dân không chỉ giúp Sơn Trà xanh sạch hơn mà còn lan tỏa tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường đến mọi người xung quanh.
Ông Nguyễn Đức Vũ - Trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho biết: "Do khách đến tham quan tự do bán đảo Sơn Trà ngày một đông nên dẫn đến một lượng rác lớn bị bỏ lại, gây ô nhiễm môi trường. Việc làm của ông Dân rất ý nghĩa và đáng khích lệ. Chúng tôi cũng kêu gọi người dân và du khách hãy nâng cao ý thức trong việc xả rác để chung tay bảo vệ Sơn Trà xanh - sạch - đẹp hơn".