1. Nơi ẩm ướt
Môi trường trong bếp thường rất ẩm ướt vì thường xuyên tiếp xúc với nước. Độ ẩm cao ở 1 số khu vực trong bếp có thể là nguyên nhân khiến gạo bị hỏng. Vốn dĩ, gạo có khả năng hút ẩm mạnh, vậy nên khi gạo ẩm sẽ tạo điều khiện để vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi. Nếu vô tình ăn phải gạo ẩm mốc, sức khỏe của bạn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Để bảo vệ sức khỏe, bạn nên tránh đặt gạo ở sàn nhà bếp hoặc dưới bồn rửa, vì những khu vực này có độ ẩm rất cao. Thay vào đó, hãy lưu trữ gạo ở các ngăn tủ cao và nơi khô ráo khác trong bếp, có như vậy mới đảm bảo chất lượng gạo luôn tốt.
2. Nơi có ánh nắng trực tiếp chiếu vào
Ánh nắng mặt trời mang lại ánh sáng và sự ấm áp, nhưng đây không phải là điều tốt cho gạo. Những nơi có ánh nắng chiếu vào thường có nhiệt độ cao, đặt gạo ở đó sẽ khiến gạo mất độ ẩm nhanh chóng. Và khi thiếu nước, thiếu dinh dưỡng, dần dần gạo sẽ sinh mùi hôi khó chịu. Chẳng những ảnh hưởng đến hương vị, tình trạng này của gạo còn có thể gây hại sức khỏe nếu tiêu thụ lâu dài.
Bạn cần nhớ rằng, những khu vực như bậu cửa sổ, bàn bếp, hoặc bất cứ vị trí nào dễ bị ánh nắng chiếu vào đều không phải nơi lý tưởng để bảo quản gạo. Những gia đình có nhà bếp nhiều cửa sổ cần đặc biệt lưu ý vấn đề này để bảo quản gạo đúng cách.
3. Phòng chứa đồ
Một số nhà có thói quen mua gạo với số lượng lớn để ăn dần, cho nên thường cất gạo trong phòng chứa đồ vì không gian này rộng rãi thoải mái, lại ít khi sử dụng đến. Tưởng là nơi phù hợp nhưng thực tế, bạn không nên đặt gạo trong phòng chứa đồ nếu không muốn ăn những hạt gạo bị ô nhiễm.
Phòng chứa đồ là nơi chứa đủ thứ đồ đạc lộn xộn, do đó khó tránh khỏi việc tích tụ bụi bẩn và vi khuẩn. Khi gạo được cất vào đó, bạn đừng mong chúng giữ được sự sạch sẽ, chẳng sớm thì muộn gạo cũng sẽ bị nhiễm bụi và vi khuẩn. Và đừng quên, gián, chuột cùng các loại côn trùng khác rất thích "thăm" phòng chứa đồ, chúng có thể mang theo mầm bệnh và làm hỏng gạo.
4. Nơi có nhiều dầu mỡ
Những khu vực xung quanh bếp, đặc biệt là gần bàn bếp, luôn là "thánh địa" của dầu mỡ và khói. Mỗi lần nấu nướng, nhất là khi chiên xào, dầu mỡ và khói bốc lên sẽ lan tỏa khắp không gian, phủ lên mọi thứ từ tường đến vật dụng, tạo thành một lớp dầu mỡ dày đặc. Và nếu bạn đặt gạo ở khu vực này, đừng ngạc nhiên nếu thấy gạo trở thành "thùng chứa" dầu mỡ, hứng chịu đủ mùi hôi và sự nhớp nháp, bẩn thỉu.
Chưa kể, nhiệt độ cao từ bếp còn khiến gạo nhanh chóng mất đi độ tươi mới, làm giảm đáng kể chất dinh dưỡng ban đầu.
5. Tủ lạnh
Nhiều người cho rằng, giống như rau củ quả, gạo cũng có thể đặt trong tủ lạnh để kéo dài thời gian bảo quản. Tuy nhiên, đây là một suy nghĩ sai lầm. Mặc dù nhiệt độ thấp trong tủ lạnh có thể ngăn chặn sâu bọ và hạn chế sự oxy hóa, nhưng môi trường ẩm ướt trong tủ lạnh lại là "kẻ thù" của gạo.
Bên cạnh đó, tủ lạnh còn chứa nhiều thực phẩm từ trái cây cho đến rau củ, bề mặt của chúng có thể chứa vi khuẩn và tạp chất, có thể vô tình gây ô nhiễm cho gạo. Tựu chung lại, tủ lạnh chưa bao giờ là nơi lý tưởng để bảo quản gạo, bạn nên cân nhắc để chọn 1 vị trí hợp lý hơn.
Nguồn: Toutiao