Nếu chẳng may mua nhầm gạo cũ, không chỉ hương vị món ăn bị giảm sút mà giá trị dinh dưỡng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí còn có thể gây hại sức khỏe. Với kinh nghiệm hơn 30 năm chưa từng bỏ ăn cơm ngày nào, tôi có thể chỉ bạn 4 mẹo hay để phân biệt gạo cũ - gạo mới, đảm bảo gian thương cũng không thể qua mắt bạn!
1. Quan sát màu sắc
Mặc dù gạo thường có màu trắng sữa, nhưng giữa gạo cũ và gạo mới vẫn có sự khác biệt rõ rệt về màu sắc. Gạo mới thường có màu trắng sáng, độ trong suốt cao và có chút ánh bóng. Trong khi đó, gạo cũ lại có màu trắng nhạt, thiếu độ bóng và có thể hơi ngả vàng.
Ngoài ra, trên hạt gạo còn có phần "bụng trắng", ở gạo mới thường có màu trắng sữa hoặc vàng nhạt, còn gạo cũ sẽ có màu đậm hơn, thậm chí là ngả sang màu nâu. Nguyên nhân là do gạo cũ được bảo quản quá lâu, dưới tác động của oxy hóa có thể khiến gạo bị tối màu.
2. Kiểm tra độ cứng
Mặc dù quan sát màu sắc có thể giúp phân biệt gạo cũ và gạo mới, nhưng một số gian thương có thể sử dụng các phương pháp như đánh bóng hay phủ sáp để làm cho gạo cũ trông giống gạo mới. Trong trường hợp này, kiểm tra độ cứng của gạo sẽ là cách đơn giản và hiệu quả để phân biệt 2 loại gạo.
Cách thực hiện rất đơn giản, chỉ cần lấy 1 hạt gạo và dùng tay bẻ mạnh (hoặc cắn thử). Gạo mới có hàm lượng protein cao, vì vậy thường cứng và khó bẻ gãy hơn. Ngược lại, gạo cũ đã qua 1 thời gian dài bảo quản, phải chịu ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, oxy hóa và sâu bọ... nên sẽ mất đi một phần protein, khiến hạt gạo trở nên mềm, dễ vỡ và dễ bẻ gãy.
3. Ngửi mùi gạo
Khi mua gạo, chỉ mất vài giây là có thể phân biệt được gạo cũ - gạo mới bằng cách cầm 1 nhúm gạo lên và ngửi thử.
Gạo mới thường tỏa ra mùi thơm nhẹ, thoang thoảng nhưng rất dễ chịu. Ngược lại, gạo cũ do để lâu nên mùi thơm sẽ dần phai đi, thậm chí nếu không được bảo quản đúng cách, gạo còn có thể sinh mùi mốc hoặc các mùi lạ. Vì vậy, nếu không ngửi thấy mùi thơm nhè nhẹ của gạo, hoặc ngửi thấy mùi khó chịu, đây chính là dấu hiệu của gạo cũ hoặc gạo có chất lượng rất kém. Loại gạo này dù giá rẻ đến đâu, tôi khuyên bạn đừng nên mua vì có thể gây hại cho sức khỏe.
4. Kiểm tra độ khô ráo
Gạo mới thường được phơi hoặc sấy khô kỹ lưỡng, vì vậy có độ khô ráo cao. Trong khi đó, gạo cũ sau thời gian dài bảo quản sẽ dễ dàng hấp thụ độ ẩm từ không khí, làm cho hạt gạo trở nên ẩm ướt.
Vậy nên khi mua gạo, kiểm tra độ khô ráo là cách lý tưởng để phân biệt chất lượng của gạo. Cách kiểm tra rất đơn giản: chỉ cần lấy một nắm gạo và đặt lên tờ giấy ăn, sau đó bóp nhẹ tờ giấy trong khoảng 20 - 30 giây.
Cuối cùng là đổ gạo ra ngoài và kiểm tra tờ giấy. Nếu thấy tờ giấy chỉ dính 1 ít gạo, chứng tỏ gạo khô và là gạo mới. Ngược lại, nếu có nhiều hạt gạo hoặc vết nước/vết dầu mỡ dính trên tờ giấy, đó chính là gạo cũ vì chúng bị ẩm và không được bảo quản đúng cách.
Nguồn: Aboluowang