Vừa mới vào đại học, hầu hết các bạn tân sinh viên đều ở trọ cùng bạn thân. Điều này giúp cả 2 có thể giúp đỡ nhau tránh bỡ ngỡ ở 1 môi trường khác biệt. Đồng thời, cũng sẽ tiết kiệm chi phí sinh hoạt như tiền thuê trọ, điện nước, ăn uống,...
Tuy nhiên, có 1 thực tế là nhiều hội bạn bè đã nghỉ chơi vì ở trọ cùng nhau xung đột trong nhiều khía cạnh, đặc biệt là tài chính. Chẳng hạn như không rõ ràng trong phân bổ chi tiêu, cách tiêu tiền khác biệt,...
Quỳnh Chi (23 tuổi) khi vừa nhận kết quả trúng tuyển học đại học ở Hà Nội đã tưởng tượng ra cuộc sống tự do như thế nào khi xa nhà. Có thể ở cùng người bạn thân thiết, tự làm chủ cuộc sống và không bị ai kiểm soát.
Song, sau khi ở cùng người bạn thân 1 năm, cả 2 đã quyết định tách ra và không còn ở chung. Lý do chủ yếu là xung đột trong cách phân bổ chi tiêu trả hoá đơn cũng như cách tiêu tiền.
“Điều kiện tài chính của gia đình bạn mình khá tốt, do vậy cách bạn chi tiêu tiền cũng khác biệt với mình. Chẳng hạn, có rất nhiều món đồ phải dùng chung như là đồ bếp, những món trong nhà tắm bọn mình sẽ góp tiền mua. Một vài lần những món đồ này hỏng, bọn mình sẽ phải mua mới, bạn mình thì thích đầu tư đồ xịn hẳn nhưng mình lại thấy không đáng chỉ vì là nhà thuê thôi. Đó là 1 trong những khác biệt lớn nhất".
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Ngoài ra, dù được bố mẹ gửi đồ ăn từ quê nhưng vẫn sẽ phải mua thêm, rau củ, dầu ăn. Quỳnh Chi thích mua ở chợ để rẻ hơn nhưng bạn thân lại thích đi siêu thị. Từ những khác biệt chi tiêu và thiếu thảo luận chung dẫn đến việc cả 2 cuối cùng đã xung đột, suýt nghỉ chơi.
“Cuối cùng, bọn mình thấy nên tách nhau ra. Chơi với nhau bình thường thì được chứ ở cùng lại không hợp trong phong cách chi tiêu. Lúc đó, mình còn tưởng bọn mình không còn nói chuyện với nhau nữa. Song, đến bây giờ lâu lâu vẫn đi chơi chỉ là không còn thân như trước".
Việc nên ở trọ cùng bạn thân khi học đại học xa nhà không vẫn là một chủ đề luôn được thảo luận khá sôi nổi từ trên MXH cho đến ngoài đời. Theo kinh nghiệm của bản thân, Bảo Trân (20 tuổi) chia sẻ rằng sinh viên năm nhất nên ở chung với bạn bè đã thân quen từ trước. “Bởi vì mình cũng một phần hiểu được tính tình và tin tưởng họ hơn. Chúng ta biết gia đình và con người họ. Về khía cạnh tài chính thì chỉ cần ghi chi tiêu rõ ràng và nhắc cho khéo là được. Quan trọng là phải thỏa thuận lúc đầu và ý thức cả hai phải tốt”.
Cô bạn chia sẻ rằng mỗi khi có thắc mắc về việc tiền bạc, Bảo Trân cùng bạn thường tính toán kỹ lại. Thông thường nếu một trong hai quên chi tiền thì sẽ có cách nhắc khéo lại. Bảo Trân gần như chưa từng xung đột về mặt tiền bạc với bạn cùng trọ. “Cả 2 đứa cũng chia đồng đều khi mua đồ chung. Có đôi lúc thì còn mua đồ ăn cho nhau, mấy thứ lặt vặt ít ít thì cũng thôi không lấy tiền làm gì, bạn bè mà, tính toán chi nhiều”.
Bảo Trân - Ảnh: NVCC
Cùng quan điểm với Bảo Trân, Lan Phương cũng cho rằng việc chọn ở trọ cùng bạn là chuyện nên làm. Nó giúp tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với việc ở một mình.
Lan Phương với bạn cùng phòng luôn có những quy định chặt chẽ với nhau trong các khoản chi chung. Những khoản phí sinh hoạt cơ bản như tiền trọ, điện nước, mạng, phí vệ sinh sẽ lấy tổng chia đều mỗi người và đóng vào tháng. Bên cạnh đó, mỗi tháng sẽ góp thêm 200 nghìn đồng để mua đồ dùng chung như gia vị, nước sạch, bột giặt,... Đồ ăn sẽ nhờ bố mẹ mua ở quê gửi lên cuối tháng cộng tổng lại và chia đều. Ngoài ra, trong phòng có đồ đạc hư hỏng cũng sẽ chia tiền sửa chữa.
Lan Phương - Ảnh: NVCC
Để tránh những xung đột không đáng có trong tiền bạc có thể gây ảnh hưởng đến tình cảm bạn bè, sinh viên năm nhất cũng nên cần chuẩn bị và học làm quen với một số điều.
Theo Lan Phương, để tránh được những sai lầm và xung đột tiền bạc, điều đầu tiên bản thân phải học cách quản lý chi tiêu thật tốt. Ngoài ra, sống cùng bạn bè không giống như thời ở với bố mẹ, cần biết giữ ý, chia sẻ, lắng nghe và đặc biệt là nhường nhịn. Tuy nhiên, cũng cần rõ ràng trong câu chuyện tiền bạc, khi có thắc mắc cần nói chuyện để giải quyết 1 cách rõ ràng.
Sau trải nghiệm của mình, Quỳnh Chi rút ra rằng dù là bạn bè thân đến mấy cũng chưa chắc quan điểm chi tiêu đã giống nhau. Do vậy, để hoà hợp, ngay từ đầu cần vạch ra những quy định chung để dễ dàng phân bổ chi tiêu khi ở chung. Không nên nghĩ rằng những xung đột ngầm chỉ xảy ra 1, 2 lần rồi im lặng bỏ vì như vậy vấn đề vẫn mãi chưa được giải quyết.