Đã từng trò chuyện với khá nhiều phận người mắc bệnh nặng, nhưng Trần Thị Giang (SN 1992, quê Thanh Hóa) là một nhân vật đặc biệt với chúng tôi.
Nếu mắc phải ung thư, khi biết sự sống của mình chẳng còn bao lâu, chẳng mấy ai có thể dễ dàng lạc quan được. Với Giang lại càng là bi kịch hơn vì cô còn quá trẻ, mới làm mẹ và cũng chưa được hưởng hạnh phúc trọn vẹn trong gia đình của riêng mình.
Tháng 5/2017, sau khi nhận được kết quả ung thư xương chày (chân trái), Giang nhập viện khi con trai đầu lòng chưa tròn 2 tháng tuổi và chồng thì đang rời xa quê hương Bình Định để đi làm ở Bình Dương.
Ở nhà, cô chỉ còn mẹ già và chị gái Trần Thị Huyền đã lập gia đình riêng. Gặp hai chị em tại Khoa Nhi (Bệnh viện K Tân Triều), người chị gái buồn rầu chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội:
"Nhà chồng nó (Giang – PV) thì ở xa. Nhà tôi cũng neo người, còn mỗi mẹ già thì cũng hay đau yếu nên tôi đành xuống viện trông em mấy tháng nay. Ở nhà cũng chỉ làm nông, các con cũng đang đi học nên ra đây được 3 tháng cũng mệt mỏi quá, không biết trụ được đến bao giờ nữa…".
Giang thẫn thờ ngắm những đứa trẻ trong bệnh viện. Những lúc này, tinh thần cô cũng được thoải mái hơn đôi chút. Ảnh: Nông Thuyết
Khi chúng tôi đến, Giang đang ở ngoài hành lang ngắm các bệnh nhi nô đùa với một đội thiện nguyện đến tổ chức vui chơi trong ngày cuối tuần. Chỉ tiếc đôi chân cô không thể bước đi. Ánh mắt buồn rầu, xa xăm cứ dõi theo bọn trẻ như thể ngắm nghía đứa con trai bé bỏng của mình.
Lâu nay, cô chỉ được về nhà với con 2 - 3 lần, mỗi đợt nhiều nhất thì chục ngày, ít thì chỉ 3 buổi nên tinh thần càng sa sút.
"Nếu ở buồng bệnh thì chỉ nằm và buồn bã thôi. Hôm nay cuối tuần nên bên thiện nguyện đến tổ chức trò chơi cho các bệnh nhi ở viện nên nó ra đây chơi, đông vui và nhiều trẻ con nên chắc cũng nguôi nhớ con hơn.
Giờ ở viện Giang cũng đỡ nước mắt hơn rồi nhưng cứ về nhà thì lại hay buồn lắm. Vì về nhà lại nhìn thấy con và thấy cũng chẳng mấy ai có hoàn cảnh éo le giống mình" - Chị gái của Giang cho biết.
Người mẹ trẻ rơi vào tuyệt vọng và u sầu khi không biết tháng ngày của mình còn bao lâu...
3 đợt truyền hóa chất đã qua khiến mái đầu Giang không còn tóc nữa, da dẻ trên cơ thể người phụ nữ trẻ đều sạm lại, yếu ớt và mệt mỏi. Thế nhưng, trò chuyện với chúng tôi, cô vẫn cố gắng nở nụ cười chào đón với ánh mắt rất hiền. Riêng chân trái thì vừa trải qua mổ sinh thiết và chờ kết quả để phẫu thuật, hiện cô không thể đi lại nên tất cả đều nhờ vào xe lăn.
Đau đớn chỉ vào cẳng chân gầy yếu, Giang không ngờ mình lại đến nông nỗi này: "Trước đây tôi béo trắng, nặng hơn 50 kg cơ nhưng giờ còn có 43 kg thôi. Lúc chưa truyền hóa chất thì tôi vẫn đi tập tễnh được nhưng giờ thì không bước được nữa rồi.
Mỗi đợt truyền rất đau, sạm người và không thể ăn được. Có đợt đến chục ngày mà trong bụng không có gì vì cứ ăn vào là tôi nôn ra hết. Không hiểu do cơ địa tôi yếu hay sao…".
Những người mẹ nuôi con nhỏ sẽ hiểu, phải xa con một, hai ngày là đã nhớ da diết rồi. Với Giang, 3 tháng qua quả thật như địa ngục, nỗi đau từ thể xác đến tinh thần khiến cô kiệt quệ.
Nhìn vào tấm hình bụ bẫm của con trai mới 5 tháng tuổi, cô mỉm cười tâm sự rằng tên bé là Nguyễn Trần Gia Thiên, đây là cái tên chồng Giang đặt cho con. Nói đến đây, những giọt nước mắt lại lăn dài trên gương mặt yếu ớt của người mẹ trẻ.
"Thương và nhớ con lắm, lâu nay tôi toàn phải gửi con cho bà ngoại. Từ ngày cháu sinh ra, tôi còn chưa bế con được, vì chân đau mà con hay quậy nên không thể bế. Ngày chưa biết bệnh thì tôi vẫn nằm cho con bú được ít sữa. Giờ được về thì tôi lại phải nằm võng, chỉ nhìn bà ngoại ẵm thôi…
Cũng chưa đêm nào được ngủ với con cả, vì đau chân nên tôi hay cựa mình, mà thằng bé thì hay bị giật mình rồi khóc lắm! May mà trộm vía, đến giờ nó (bé Thiên - PV) cũng khỏe mạnh, bụ bẫm. Nhưng cứ thế này thì không biết tương lai sẽ ra sao, bà ngoại cũng không trông mãi được, chỉ sợ…"
Từ ngày nằm viện đến giờ, chồng Giang có ra Hà Nội chăm cô được một đợt khoảng hai chục ngày rồi lại phải về Bình Dương làm việc. Ngặt nghèo hơn là khi cô vừa sinh con thì cũng là lúc bố chồng qua đời vì ung thư phổi, nên dù tủi phận chăng nữa thì cô cũng không thể đòi hỏi gì ở chồng hơn nữa.
Những tháng ngày trị bệnh trong cô đơn càng khiến Giang khó lòng nở nụ cười... Ảnh: Nông Thuyết
Bác sĩ cho biết cô sẽ phải theo 6 đợt truyền hóa chất nhưng có lẽ chân trái không còn hy vọng giữ lại. Sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ nếu có thể để kìm hãm bệnh. Một tương lai mù mịt và sự sống như sợi dây pháo đốt dở khiến người mẹ trẻ khóc thầm nhiều ngày qua.
Giành giật sự sống trong tình cảnh xa chồng và con, có nhiều lúc, Giang rơi vào tuyệt vọng. Ngày ngày, cô cố gắng theo phác đồ điều trị, hy vọng mơ hồ có thể kéo dài sự sống. Người vợ trẻ buồn bã, nhưng cũng không thể giữ chồng lại bên mình, mà đau đáu hơn chính là nỗi lo cho đứa con mới chào đời.
"Ngày đầu vào viện còn có ít tiền nhưng rồi cũng hết. Bảo hiểm 80% nhưng cũng tốn nhiều thứ ở bên ngoài, mỗi đợt truyền lại khổ chị gái tôi phải đi vay mượn. Lúc không có xe lăn thì chị toàn phải cõng lên, cõng xuống. Nhiều lúc nghĩ quẩn, tôi muốn chết đi cho mẹ và chị đỡ khổ!
Người đàn ông rơi vào cảnh này, nếu ai không tốt sẽ bỏ vợ, bỏ con… Còn chồng tôi đi làm xa nhưng vẫn khuyên tôi cố gắng điều trị. Biết vậy nhưng anh ấy là đàn ông, còn trẻ, mình là phụ nữ lại bệnh tật thế này, không có tương lai gì nữa thì dù anh ấy có ý định đi bước nữa hay thế nào thì cũng không thể trách được. Chỉ khổ con thôi…".
Ở đây, Giang có nhiều người cùng cảnh ngộ nên cũng được động viên và nguôi ngoai chút ít. Họ vẫn thường tếu táo động viên nhau: "Không phải nghĩ, cứ cố gắng rồi sẽ vượt qua được!".
Có lẽ, chỉ có những người đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống - chết mới hiểu được, một giấc mơ mà ở đó thấy mình khỏe mạnh bên đứa con yêu thật khó khăn và quý giá đến nhường nào…