Di ảnh của bé Thảo được người thân lập tạm bên hiên nhà. Ảnh: Đ.Tùy
Mẹ ngất lịm khi nghe tin con đuối nước
Mấy ngày nay, câu chuyện cháu Trần Thị Thảo (8 tuổi, trú tại thôn Đông Cao, xã Đông Xuyên, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) bị đuối nước dưới ao cạnh nhà trong quá trình cháu đi tập xe đạp khiến mọi người xót xa. Người thân, họ tộc và dân làng càng thương xót bao nhiêu thì càng buồn cho gia cảnh nạn nhân bấy nhiêu. Có lẽ, đến lúc này khi lễ tang ngắn ngủi giữa đêm khuya và lễ an táng của cháu Thảo vào sáng 26/7 được hoàn tất thì người thân vẫn không thể tin họ đã mất đi đứa con gái ngoan hiền.
Nằm bên giường, chị Gấm (mẹ đẻ cháu Thảo) như người mất hồn và liên tục gào khóc gọi tên con gái trong vô vọng. Từ khi nhận được tin con gặp nạn đến nay, chị không còn tỉnh táo, lúc tỉnh, lúc mê và người thân phải chăm sóc. Trong căn nhà cấp bốn nằm giữa xóm nghèo vẫn rộn ràng tiếng cười con trẻ nhưng giờ đây là những tiếng khóc ai oán, xé lòng và không khí tang thương.
Bà Trần Thị Đào (người thân) nghẹn ngào kể, vào chiều hôm xảy ra sự việc bố mẹ cháu Thảo không có nhà. Chiều hôm trước, bố cháu mới đi làm xây dựng ở xa, còn mẹ đi làm công nhân, sáng đi tối về. Lúc cháu Thảo gặp nạn chỉ có một mình bà Thói ở nhà trông, chăm sóc hai cháu. Bà Đào cho biết: “Khi biết tin cháu Thảo tử vong dưới ao, gia đình gọi điện cho bố cháu về. Còn mẹ cháu thì phải nói dối con bị ốm. Sau đó, cử người đi xe đến công ty cách nhà khoảng gần 10km đón về, vì chúng tôi sợ nói ngay mẹ cháu Thảo sẽ sốc. Khi về đến gần nhà mới cho biết và mẹ cháu ngất lịm”.
Hướng ánh mắt đau buồn về phía di ảnh con gái xấu số, anh Trần Văn Dũng (SN 1983, bố nạn nhân) vẫn không thể tin nổi chỉ sau một ngày không gặp con thì đã vĩnh viễn không bao giờ gặp lại. Bây giờ con gái không còn nữa, anh luôn cảm thấy lương tâm cắn rứt khi không được ở bên con chăm sóc nhiều hơn. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khốn khó, vợ bệnh tật nên anh phải đi làm thợ xây xa nhà quanh năm. Theo lời bố nạn nhân chia sẻ, sau khi ăn cơm trưa xong, cháu Thảo cùng em gái 3 tuổi và bà nội ngủ trưa. Đến khoảng 14h chiều, hai con của anh dậy được bà nội cho uống sữa, trong lúc bà nội mải trông em thì Thảo mang chiếc xe đạp mini (người lớn vẫn đi) ra đường tập và ít phút sau thì gặp nạn dưới ao.
Anh Dũng nghẹn ngào: “Trước đây, con tôi vẫn đi xe đạp của trẻ em, nhưng mấy hôm nay cháu tập đi xe mini và cũng biết đi một chút. Chiều qua, hai bà cháu đưa nhau đi tập vì cháu thích nên đã lấy xe đi và xảy ra chuyện. Bình thường các con tôi đã không được bằng bạn bằng bè, vợ chồng tôi buồn lắm nhưng biết làm thế nào được khi hoàn cảnh khốn khó. Bây giờ, con mất, vợ bệnh tật hành hạ nên không biết có vượt qua nỗi đau này nữa không…”.
Cạn nước mắt khóc người thân
Ngồi trong ngôi nhà nhỏ bao trùm không khí đau thương, những tiếng khóc nghẹn lòng, anh Dũng kể về cuộc đời, số phận đẫm nước mắt của mình và gia đình nghèo khó. Khoảng những năm 1978, bố anh làm đơn tham gia thanh niên xung phong đi khai hoang trong Tây Nguyên và xây dựng gia đình tại đó. Khi hai anh em còn nhỏ thì mẹ anh qua đời trong một lần bạo bệnh. Giữa lúc kinh tế khó khăn, vợ mất, bố anh đã gắng gượng để nuôi các con ăn học trưởng thành. Thương anh ở xa vất vả, bà Thói (em ruột bố anh) đã vào chăm sóc hai anh em Dũng. Sau đó, bà đưa anh Dũng về quê tại thôn Đông Cao chăm sóc như con ruột của mình. Cách đây khoảng 8 năm, bố anh cũng qua đời và từ đó đến nay anh xem cô ruột như người mẹ thứ hai.
Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, học hết THCS, anh Dũng xin đi làm thuê với nhiều công việc khác nhau mong đỡ đần người cô nghèo khó. Sau đó, anh Dũng xây dựng gia đình với chị Gấm, cùng huyện Ninh Giang, gia cảnh cũng không khá giả gì. Niềm vui của đôi vợ chồng nghèo được nhân đôi khi hai cô con gái lần lượt chào đời. Tuy nhiên, khi mang thai con thứ hai thì chị Gấm mắc phải căn bệnh máu trắng tưởng không qua khỏi.
Anh Dũng kể: “Ngày đó, khi đi khám biết tin vợ bị trọng bệnh mà lại đang mang bầu tôi nghĩ là đã mất tất cả. Sau khi tốn khoảng hơn trăm triệu đồng vay mượn khắp nơi thì bệnh tình của vợ đã thuyên giảm phần nào, nhưng hàng tháng vẫn phải lấy thuốc điều trị. Từ đầu năm đến nay, vì lo cuộc sống và chạy chữa bệnh tật, vợ tôi phải đi làm công nhân gần nhà. Để vợ đi làm như vậy sẽ không an toàn nhưng không còn cách nào khác. Nếu không đi làm thì không có tiền, rồi không có tiền chạy chữa bệnh tật cũng chết, nên đành vậy không biết làm thế nào…”.
Ông Đỗ Văn Duy, Trưởng thôn Đông Cao cho hay, từ nhiều năm nay gia đình anh Dũng thuộc hộ nghèo của địa phương. Bình thường cuộc sống gia đình anh ấy đã khó khăn, giờ con mất, vợ trọng bệnh khiến cho ai ở trong thôn này cũng xót xa. Tuy nhiên, địa phương cũng không có nguồn quỹ nào để giúp đỡ.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Bùi Thanh Thùy, Chủ tịch UBND xã Đông Xuyên cho biết: "Hoàn cảnh khó khăn, tang thương của vợ chồng anh Dũng thì ai trong xã đều biết. Trong lúc này, chúng tôi mong sao mọi cấp, mọi ngành và những mạnh thường quân dang tay giúp đỡ gia đình để xoa dịu nỗi đau mất con và anh Dũng có thêm kinh phí cho vợ điều trị bệnh".