Để cứu đứa con trong bụng, người mẹ công an từ chối điều trị ung thư giai đoạn cuối

Định Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 15:48 18/07/2016

Bị ung thư phổi giai đoạn cuối nhưng chị Đậu Thị Huyền Trâm (25 tuổi, nữ chiến sĩ công an tỉnh Hà Tĩnh) đã từ chối điều trị để cứu đứa con trong bụng của mình. Thậm chí khi mổ lấy thai, vì không thể gây mê, chị cũng sẵn sàng chịu đau đớn.

Mẹ từ chối chữa bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối để cứu con

Những ngày gần đây, câu chuyện về người mẹ đang mang thai dù bị ung thư vẫn quyết tâm đến cùng để cho con có cơ hội được nhìn ánh mặt trời đã làm nhiều người rơi nước mắt. Người mẹ trong câu chuyện này là chị Đậu Thị Huyền Trâm (25 tuổi, nữ chiến sĩ công an tỉnh Hà Tĩnh). Có tin vui gần 5 tháng, chị Trâm mới phát hiện bị ung thư phổi di căn.

Để cứu đứa con trong bụng, người mẹ công an từ chối điều trị ung thư giai đoạn cuối - Ảnh 2.

Chị Trâm đang được điều trị tại khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện K Trung ương.

Biết bệnh của mình, nhưng vì muốn giữ con nên chị Trâm quyết không điều trị ung thư giai đoạn cuối. Bác sĩ có tư vấn nếu muốn điều trị triệt để cho mẹ thì nên đình chỉ thai nghén nhưng thai phụ vẫn quyết tâm giữ con.

Suốt hơn 1 tháng trong bệnh viện, chị Trâm không được nằm mà chỉ ngồi để hy vọng rằng đứa con của mình có thể cất tiếng khóc chào đời. Mang thai đặc biệt, đến lúc mổ lấy thai cũng rất đặc biệt. Đó là bởi các bác sĩ tiến hành phẫu thuật khi bệnh nhân đang trong tư thế ngồi, hai y tá đỡ hai bên lưng, bác sĩ cúi ngang bàn để mổ lấy thai. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng không thể gây mê, vì nếu gây mê thì khó có thể tỉnh lại được, bác sĩ cũng không dám tiêm thuốc an thần vì sợ dẫn đến suy hô hấp nặng hơn. Vì thế trong suốt ca mổ, bệnh nhân gần như tỉnh.

Để cứu đứa con trong bụng, người mẹ công an từ chối điều trị ung thư giai đoạn cuối - Ảnh 3.

Suốt những ngày mang thai, chị Trâm phải ngồi 24/24 để cứu con.

Để cứu đứa con trong bụng, người mẹ công an từ chối điều trị ung thư giai đoạn cuối - Ảnh 4.

Con trai chị hiện đang được các bác sĩ tích cực theo dõi.

Hôm nay (18/7), gặp chị Trâm sau 1 tuần mổ lấy thai tại khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện K Trung ương, tận mắt chứng kiến bà mẹ trẻ này đang phải ngồi thở máy, chúng tôi mới thấy được sự can trường và quyết tâm khi giữ lại đứa con trong bụng của chị lớn như thế nào.

Dù sức khỏe còn yếu và đang phải gồng mình để chiến đấu với cơn đau của bệnh tật, nhưng mỗi khi được chồng đưa cho xem ảnh, video quay cảnh con đang được các bác sĩ nuôi trong lồng kính tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương là khuôn mặt của chị Trâm lại rạng ngời hẳn lên, dường như lúc đó sự mệt mỏi, đau đớn không còn nữa.

Để cứu đứa con trong bụng, người mẹ công an từ chối điều trị ung thư giai đoạn cuối - Ảnh 5.

Bà Lan bật khóc khi nghĩ đến con gái.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Lê Thị Lan (mẹ đẻ chị Trâm) liên tục bật khóc. Bà nghẹn ngào cho biết, trước khi phát hiện bệnh ung thư phổi, sức khỏe của chị Trâm hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, lúc thai được 11 tuần tuổi, chị Trâm thấy khó thở nhưng đi khám cũng không phát hiện ra bệnh.

Vài tuần sau đó, khám lại biết mình bị ung thư phổi phải bỏ thai để điều trị nhưng chị Trâm quyết giữ lại "giọt máu" của mình, giấu kín chuyện chị mắc bệnh ung thư vì sợ bà sẽ suy sụp. "Nó nói rằng nếu nó có mệnh hệ gì thì đứa con sẽ là niềm an ủi, niềm hạnh phúc cho gia đình hai bên. Mỗi lần nhìn con chống chọi với bệnh tật, lòng tôi lại đau đớn vô cùng", bà Lan bật khóc.

Để cứu đứa con trong bụng, người mẹ công an từ chối điều trị ung thư giai đoạn cuối - Ảnh 6.

Bà Lan liên tục khóc khi kể về con gái.

Bước sang tuổi 60, bà Lan già đi trông thấy. Chồng bà cũng đã mất vì ung thư dạ dày khi anh con trai lớn mới 7 tuổi, còn chị Trâm lúc đó vẫn đỏ hỏn trên tay tròn 3 tháng rưỡi. Lúc ấy ông đang là Trưởng Công an huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Thấu hiểu những vất vả của mẹ, hai anh em Trâm đều chăm ngoan, học giỏi. Và cũng vì hoàn cảnh gia đình, nên ngay từ nhỏ, bà Lan đã động viên các con thi vào công an nối tiếp truyền thống của cha.

Tưởng rằng cuộc đời công bằng với bà khi chồng mất sớm nhưng có được hai đứa con ngoan ngoãn, học giỏi, công việc ổn định, con trai sinh năm 1984 đã giữ chức Trưởng Công an phường 2 năm nay. Thế mà giờ lại phát hiện con gái bị ung thư. Hiện nay, con trai chị Trâm - bé Trần Gấu (tên gọi ở nhà) đã ra đời, cả gia đình nữ chiến sĩ đều mong việc điều trị của chị sẽ có nhiều tiến triển.

Ca mổ sinh lấy nhiều nước mắt của các bác sĩ

Là người trực tiếp tham gia kíp mổ lấy thai cho bệnh nhân Trâm, bác sĩ Phùng Thị Huyền (Phó khoa Nội 2, Bệnh viện K Trung ương), vô cùng xúc động khi kể lại câu chuyện, chị từng chữa cho nhiều bệnh nhân ung thư có thai, nhưng đây là ca bệnh đặc biệt nhất mà có lẽ cả đời làm bác sĩ chị không bao giờ quên.

Để cứu đứa con trong bụng, người mẹ công an từ chối điều trị ung thư giai đoạn cuối - Ảnh 7.

Chồng chị Trâm luôn bên cạnh chăm sóc cho vợ.

Theo bác sĩ Huyền, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Trâm, các bác sĩ luôn đặt trong tình trạng cấp cứu bất cứ lúc nào vì cái thai càng ngày càng lớn, mà bệnh nhân ung thư ở giai đoạn 4.

"Chúng tôi luôn có sẵn số điện thoại của bác sĩ sản và đã lên kế hoạch trước phải làm gì và phương án nào tốt nhất cho bệnh nhân, khi bệnh nhân cần là chúng tôi sẵn sàng ngay. Đây là một cô gái có nghị lực, sự hy sinh và can đảm vô cùng, nhiều người dù đã từng trải nhiều ngoài xã hội, nhưng cũng không thể làm được như vậy.

Để cứu đứa con trong bụng, người mẹ công an từ chối điều trị ung thư giai đoạn cuối - Ảnh 8.

Nhiều cán bộ chiến sĩ đồng nghiệp cũng đến thăm hỏi, động viên gia đình.

Trong những ngày điều trị ở đây, dù bệnh ngày càng nặng, rất đau đớn, thậm chí phải ngủ ngồi, nhưng chưa một lần chúng tôi thấy Trâm rơi nước mắt. Tôi còn nhớ, hôm đó chúng tôi mời bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai sang hội chẩn, nghe câu chuyện và nhìn thấy bệnh nhân, chúng tôi đã khóc, người nhà cũng khóc, nhưng riêng Trâm thì không. Thậm chí, trước khi đưa đi mổ đẻ, bác sĩ có hỏi mong muốn bây giờ là gì, bệnh nhân Trâm chỉ đáp ngắn gọn: "Em chỉ mong các bác sĩ làm điều gì tốt nhất cho mẹ con em, còn nếu xảy ra cơ sự gì em đều chấp nhận", bác sĩ Huyền xúc động nhớ lại.

Bác sĩ Huyền cũng cho biết, ca mổ cho bệnh nhân Trâm là rất hi hữu vì bệnh nhân phải ngồi mổ và phải mổ dọc chứ không mổ ngang được như những ca bình thường khác.

"Khi bác sĩ sản nói, phải mổ dọc có gây tê được không? Lúc đó bác sĩ gây tê nói làm được và ca mổ bắt đầu, chỉ trong vòng tích tắc cháu bé đã được ra ngoài và cất tiếng khóc đầu tiên, lúc đó cả bác sĩ và bệnh nhân đều nhẹ nhõm. Ngay sau ca mổ, cháu bé đã được đưa ra xe cấp cứu chờ sẵn bên ngoài và bóp bóng chở thẳng sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương", bác sĩ Huyền nói.

Bác sĩ Trần Đức Thọ, Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức cho biết, hiện sức khỏe của bệnh nhân Trâm đã có những tiến triển tốt hơn so với ngày đầu. "Hiện tại, chúng tôi chỉ điều trị nhằm hồi sức nâng cao thể lực cho bệnh nhân, chứ chưa điều trị chuyên môn về căn bệnh ung thư. Còn về sức khỏe cháu bé hiện cũng đã ổn hơn, nhưng chúng tôi chưa tiên lượng được điều gì, phải ít nhất là sau 15 ngày hoặc 30 ngày mới có những đánh giá cụ thể", bác sĩ Thọ nói.

Cũng liên quan đến ca bệnh đặc biệt này, trao đổi với phóng viên PGS.TS Trần Văn Thuấn – Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, trước khi sinh con sản phụ này đã bị ung thư giai đoạn 4 và có di căn, bởi vậy các bác sĩ đã cố gắng chăm sóc kéo dài thời gian.

"Hiện cháu bé đã ra đời, các bác sĩ đang tập trung chăm lo cho sức khỏe cháu bé, đáng mừng là sức khỏe của cháu đã tốt hơn", ông Thuấn thông tin.

Về hướng điều trị trong thời gian tới, ông Thuấn cho hay: "Khi bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối lại đã di căn sang nhiều bộ phận khác thì rất khó để điều trị triệt để, vì thế sau khi chăm sóc phục hồi, chúng tôi sẽ chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân. Là những người bác sĩ, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình với phương châm còn nước còn tát để cứu chữa bệnh nhân, với bệnh nhân này nói riêng và tất cả bệnh nhân ở giai đoạn muộn, chúng tôi đều phải điều trị để giảm đau và hạn chế triệu chứng cho bệnh nhân".